Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam có khoảng 1,65 triệu người đồng tính, song tính

Thứ hai, 13/05/2013 - 16:17

(Thanh tra) - Theo TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Điều 52, Hiến pháp năm 1992 quy định “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, tuy nhiên trên thực tế, những vấn đề của cộng đồng nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) vẫn còn “bỏ ngỏ”…

Các hoạt động ủng hộ cộng đồng LGBT. Ảnh: Thảo Nguyên

Kỳ thị, phân biệt đối xử

Lấy tỷ lệ trung bình, an toàn mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% dân số thì số người đồng tính và song tính trong độ tuổi 15 đến 59 ở Việt Nam tạm tính vào khoảng 1,65 triệu người.

Điều 52 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều này có nghĩa với pháp luật không thừa nhận cũng như không cho phép có bất kỳ sự kỳ thị, phân biệt đối xử nào. Nhưng trên thực tế, cộng đồng LGBT đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhất là thái độ định kiến, phân biệt đối xử của xã hội khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro từ bị bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần.

Những bất cập trong chính sách pháp luật cũng “đẩy” cộng động LGBT vào tình thế tiến hóa lưỡng nan, không được bảo vệ những quyền nhân thân cơ bản của con người.

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Xã hội kinh tế và Môi trường (iSEE), khi bị phát hiện là người đồng tính, 20% số người này bị mất bạn, 15% bị gia đình chửi mắng hoặc đánh đập. Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã từng bị tấn công vì là người đồng tính, 1,5% nói bị đuổi học, 4,1% đã từng bị đuổi ra khỏi chỗ ở và 6,5% bị mất việc vì là người đồng tính.

Ngày 5/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2008/NĐ-CP quy định về xác định lại giới tính. Đây là văn bản duy nhất có nhắc đến người chuyển giới, mở ra cơ hội cho những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Nhưng, Nghị định 88 cũng đóng lại cơ hội cho những người chuyển giới để phẫu thuật thành giới tính mong muốn của mình khi quy định, nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Chính vì vậy, Nghị định 88 đã khiến cho việc cấp lại giấy tờ cho những người chuyển giới hầu như là không thể, như trường hợp rắc rối của cô giáo chuyển đổi giới tính Phạm Lê Quỳnh Trâm tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. (Báo Thanh tra từng phản ánh).

Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 ghi rõ “chỉ công nhận hôn nhân giữa một người nam và một người nữ”. Đồng thời, luật “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006 chỉ xem xét bình đẳng giới giữa nam và nữ. Còn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và các văn bản pháp luật có liên quan không đề cập đến bạo lực gia đình đối với LGBT trong gia đình. 

Cộng đồng LGBT cần được bảo vệ

Tại Hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới: Những quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” do Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức với sự phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Xã hội kinh tế và Môi trường vừa tổ chức, TS Thảo nhấn mạnh: “Những vấn đề của cộng đồng LGBT vẫn đang là một khoảng trống trong chính sách, pháp luật Việt Nam. Một vài chính sách có liên quan lại tỏ ra còn bất cập trước các vấn đề thực tiễn”.

TS Thảo cho biết: Hiến pháp và pháp luật chưa đặt ra nguyên tắc cấm sự kỳ thị, phân biệt đối xử về xu hướng tính dục và bản dạng giới như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ngoài ra, do chưa có luật chống kỳ thị dựa trên bản dạng giới nên Nhà nước chưa thực sự có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về vấn đề này trong cộng đồng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội kinh tế và Môi trường Lê Quang Bình cho rằng, bảo vệ người đồng tính khỏi những kỳ thị và phân biệt đối xử giúp họ tránh khỏi những rủi ro về sức khỏe tâm thần và sức khỏe tình dục, những phân biệt đối xử ở trường học và cơ sở y tế là hoàn toàn chính đáng. Theo ông Bình, thừa nhận hôn nhân cùng giới thể hiện mạnh mẽ quan điểm bảo vệ quyền bình đẳng của tất cả mọi người của Việt Nam. Điều này sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, gạt bỏ những định kiến cho rằng Việt Nam không tôn trọng quyền con người.

Đồng ý kiến, TS Nguyễn Thu Nam, Khoa Dân số và Phát triển, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, nhận định: “Thừa nhận hôn nhân đồng giới mang lại cho từng cá nhân cảm giác an toàn về mọi khía cạnh của cuộc sống chung, khiến cho các cá nhân có trách nhiệm và tăng tính cam kết, nỗ lực đầu tư cho cuộc sống chung; đồng thời sẽ giúp giảm bớt áp lực xã hội lên bố mẹ, giảm căng thẳng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái”.

Những lo ngại cho rằng hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới có thể ảnh hưởng đến xã hội như suy giảm dân số, các giá trị của hôn nhân truyền thống có thể bị phá vỡ... nhưng các bằng chứng nghiên cứu khoa học, báo cáo quốc gia về hôn nhân đồng giới và tác động xã hội ở các nước đã công nhận các hình thức chung sống của người đồng tính cho thấy những lo ngại trên không có cơ sở.

TS Nam dẫn chứng, hình thức kết hợp dân sự giữa các cặp đồng tính lần đầu tiên được công nhận ở Đan Mạch năm 1989. Theo số liệu thống kê chính thức, đến cuối năm 2009 có khoảng 100.000 cặp đồng tính đăng ký kết hôn trên toàn thế giới. Tại các nước châu Âu, số đăng ký kết hôn đồng giới chiếm khoảng 2 - 3% và ổn định trong tổng số đăng ký kết hôn gần 10 năm qua.

Số lượng người đồng tính và tỷ lệ kết hôn của họ chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng dân số và số lượng kết hôn khác giới. Sự thừa nhận pháp luật đối với các hình thức sống chung của người đồng tính không gây ra tác động gì nhiều đến đặc điểm nhân khẩu học nói chung ở các vùng lãnh thổ và quốc gia.
 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm