Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vải thiều xuất ngoại và câu chuyện về chữ tín

Thứ ba, 16/06/2015 - 12:19

(Thanh tra) - Vừa vào mùa vải thiều 2015, nhiều nhà vườn đã đón nhận tín hiệu vui: Vải được mùa, được giá và Việt Nam được phép xuất khẩu vải thiều sang thị trường nước ngoài. Đây là tin mừng song cũng gợi mở nhiều suy nghĩ về một cách làm ăn bài bản chuyên nghiệp, về hành trình giữ chữ tín trong xuất khẩu nông sản.

Người trồng vải vẫn lúng túng trong câu chuyện bảo quản đạt chuẩn và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Hoàng Văn

Liệu còn điệp khúc được mùa, rớt giá?

Thời điểm này, tại nhiều chợ trên địa bản Thủ đô, vải thiều đầu mùa đã bắt đầu được bày bán với đủ loại và đủ mức giá khác nhau, giao động từ 45.000 - 80.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Dung, một tiểu thương tại chợ Ngọc Hà cho biết, giá vải thiều đầu mùa năm nay tương đương với năm ngoái. Do vải đầu mùa còn đắt và người mua cũng lác đác nên chỉ có những cửa hàng hoa quả lớn mới dám buôn về bán. Vải đầu mùa năm nay nhìn chung to đẹp, có sắc đỏ như khi vải thiều vào chính vụ. Đa số mọi người mua ít để thắp hương chứ không mua nhiều vì vải đầu mùa thường có vị chua, không ngon bằng thời điểm chính vụ.

Chị Loan, quê ở Bắc Giang cho biết, thời điểm này, vải thiều tại vườn có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Đây là thời điểm được giá nhất nhưng lượng vải thiều còn rất ít và rất hiếm loại chín đỏ, có vị ngọt. Hiện tại, đa số chỉ có các vải ở các huyện Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn, Bắc Giang thu hoạch chứ các vùng khác chưa có vải để bán.

Tại TP Hồ Chí Minh, 1 tuần trở lại đây cũng lác đác xuất hiện một vài điểm bán vải thiều phía Bắc nhưng giá cao gấp nhiều lần so với giá mua ở vườn vì lý do vận chuyển bằng đường hàng không. Chợ Bến Thành (quận 1), giá vải thiều được niêm yết ở mức 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg nhưng chỉ có vài ba sạp có hàng với số lượng hạn chế. Quả vải thiều chỉ mới chín tới, vỏ nhiều quả vẫn còn màu xanh chứ chưa đỏ đều. Nhìn chung, khách mua vải thiều đầu mùa không nhiều, chủ yếu do giá còn cao và tỉ lệ quả ngọt còn quá ít.

Theo số liệu đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), dự kiến năm nay tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Thu hoạch vải sớm dự kiến từ 15/5 đến 5/6/2015 và thu hoạch vải chính vụ dự kiến từ 1/6 đến 20/7/2015.

Bộ Công thương dự báo vải thiều sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).

Hành trình xây dựng chữ tín trong xuất khẩu nông sản

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, năm nay lượng vài thiều sẽ chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường gồm: Trung Quốc và các nước ASEAN (Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore...). Trong đó, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra, năm nay quả vải của Việt Nam cũng đón nhiều tín hiệu mừng là được thị trường Nhật Bản và Mỹ đã chấp nhận. Riêng Mỹ đã cấp 6 mã vùng đối với 60,38 ha và được nhà chức trách của Mỹ cho phép xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, vải thiều của Việt Nam cũng vừa được cấp “visa” xuất khẩu vào thị trường Úc.

Vải thiều xuất ngoại đã không còn là một câu chuyện xa vời. Song điều này lại gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Muốn lọt qua các cánh cửa khó tính là thị trường Mỹ, quả vải thiều cũng phải trải qua nhiều tiêu chuẩn ràng buộc khắt khe của nước sở tại và phải được chiếu xạ để diệt 16 loại vi khuẩn, nấm bệnh ngừa dịch hại… Với thị trường Úc lần này, vấn đề đảm bảo vệ sinh, khử trùng của loại quả vải Việt Nam cũng được đặt ra hàng đầu.

Thời điểm này, trong khi cả nước đang phải chung tay giúp bà con nông dân tiêu thụ dưa hấu, hành tím thì câu chuyện về vải thiều xuất ngoại lại mở ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về một cách làm ăn bài bản, mang tính chuyên nghiệp hơn. Đó không chỉ là duy trì cho được một quy trình sản xuất tiêu chuẩn để luôn bảo đảm chất lượng đồng đều, không có dư lượng hóa chất trong mỗi sản phẩm mà còn là vấn đề đầu tư công nghệ chế biến bảo quản hiện đại nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Việc xây dựng chữ tín trong xuất khẩu nông sản và nâng cao việc hướng dẫn trồng trọt, thu hoạch, bảo quản cho các nhà nước trồng vải thiều lúc này cần hơn bao giờ hết. Bài học về trái thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Sau lô đầu tiên, chỉ một người tiêu dùng phát hiện sâu trong quả đã lập tức bị dừng lại mất 10 năm sau mới quay trở lại thị trường Nhật.

Do vậy, hành trình quả vải sau bao năm truân chuyên, long đong với điệp khúc đuợc mùa rớt giá. Nay quả vải đã “vượt biên” vào các thị trường khó tính nhất nhưng cũng tràn đầy tiềm năng về giá trị xuất khẩu, một lần nữa nhắc chúng ta về chữ tín từ khâu sản xuất, chế biến và bảo quản.

Quang Đông

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm