Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vạch lá

Thứ ba, 14/05/2013 - 06:31

(Thanh tra)- Câu thành ngữ “vạch lá tìm sâu” được một nhà văn lớn của nước ta đưa ra khi bàn về một số tác phẩm văn học lớn đã được giải trong những năm đổi mới. Đại ý là các tác phẩm này, nếu đọc kỹ thì vẫn chưa thể hài lòng, còn nhiều khiếm khuyết.

Vậy là văn có, thơ có, nhạc có và cả phê bình, lý luận nữa… nếu cứ tìm là có “sâu”. “Sâu” ở đây với nghĩa tiêu cực. Thứ thì “đạo văn”, thứ thì “chưa chuẩn”, chưa hợp lý, chưa tìm tòi, sáng tạo; chưa “cao tay”, chưa nhuyễn, còn thô, còn nặng “chất báo chí”, còn “phải đạo”, thiếu bản lĩnh, tùy tiện, chưa gai góc…

Nói ra thì nhiều, nó thuộc về nghiệp vụ và chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng, thực ra, so với thực tế thì còn nhiều điều phải bàn! Hơi thở cuộc sống phong phú, có khi pha tạp… chả cần “vạch” cũng thấy.

Về luật lệ, trước kia luật ít, lệ nhiều. Nhưng, bây giờ luật đã nhiều, mà lệ lại còn nhiều hơn! Xin lấy ví dụ về Luật Đất đai và Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, ngày 2/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 71/2012/NĐ-CP, ngày 19/9/2012 của Chính phủ).

Luật Đất đai bàn đi bàn lại vẫn thiên về bài bản cũ của thời “sổ gạo”. Một số người đã kịp nhận ra sự nhầm lẫn đáng tiếc này. Trong khi, một số cấp, ngành “rất ưng” níu giữ thứ quyền lợi dùng để tự ban phát: Đất đai là sở hữu Nhà nước, là sở hữu toàn dân! Và thế là, nếu Quốc hội thông qua thì nhiều người dân miền núi vẫn thiếu đất trồng trọt, trong khi nông trường, lâm trường vẫn ê hề đất cho thuê làm mướn, chuyển đổi trái phép, đất bỏ hoang, không sinh lợi… Và, khi cộng với lợi ích nhóm thì miền xuôi, thành thị, ven biển, thành phố… các dự án tiếp tục bỏ hoang vì đã thông đồng với “quỹ đất sạch” chia chác, “găm chờ cơ hội” tăng giá… Các “văn phòng một cửa” về hành chính đã chuyển thành “nhiều cửa”, đã “bắt tay” với các văn phòng công chứng và cán bộ tiêu cực ở địa chính xã huyện, tiếp tục hành dân để thu lợi… mà nhiều lãnh đạo trực tiếp “tỏ ra không biết”.

Vậy là, luật chưa sửa nhưng chắc các tồn đọng thì rất khó khắc phục. Việc hứa cấp “sổ đỏ” cho dân xong trong năm nay, xem ra thật khó!

Việc đó rất giống với việc bắt buộc đội mũ bảo biểm khi đi xe gắn máy. Vì sợ cảnh sát giao thông bắt phạt, nhiều người đã mua và đội mũ bảo hiểm cho có. Việc tránh né này xảy ra trong khi các cấp, ngành triển khai không đồng bộ, thiếu nhất quán dẫn đến phần thiệt hại thuộc về dân. Vì các loại mũ kém chất lượng bày bán tràn lan, không được kiểm định, thanh tra, không quy định giá; mạnh ai nấy mua, mạnh ai nấy sản xuất. Sự “xin cho” để làm ăn, như 1 “cơ hội vàng”! Một thị trường bát nháo về mũ bảo hiểm nhưng không được xử lý nghiêm minh. Dẫn đến, có lãnh đạo cơ quan quản lý về chất lượng khẳng định: Mũ bảo hiểm có dán tem cũng gần một nửa là kém chất lượng. Vậy thì lâu nay, việc đội mũ bảo hiểm phỏng có ích gì? Có thật là cả nước đã có sự thông đồng với nhau về sản xuất mũ bảo hiểm và mua - bán hàng giả, hàng nhái? Ai sai ai đúng thật là tùy tiện! Và, chưa thấy khởi động cuộc thanh tra về vấn đề này, hay là dân thiệt thì thôi?

Chính những thứ “sâu” đó; các cách làm tiêu cực đó; các cách nghĩ, các luật lệ kéo dài việc “hành dân” đó đã tạo nên một lớp người “lo sợ”, “hèn nhát”, không dám vạch mặt, tố cáo vì “nhiễu nhương”, cường hào, ác bá, “sâu bọ quá nhiều” và có hướng “bảo vệ nhau”! Liệu ngành Thanh tra có cùng các cơ quan có trách nhiệm tập trung giải mã được các tệ nạn đang hình thành và phát triển trong đời sống đương đại?


Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm