Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tự thấy mình quan liêu

Thứ năm, 18/07/2013 - 08:26

(Thanh tra)- Trong Sổ tang viếng nhà thơ Thu Bồn, cách đây 10 năm, có lời viết đầy cảm xúc trăn trở, thật lòng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Tôi tự thấy mình quan liêu, không biết được những tháng năm vừa qua Thu Bồn sống khó khăn” như lời tự trách mình, tự nhắc mình của Chủ tịch nước làm các nhà văn, nhà báo thấy được tấm lòng chân thành, lo lắng cho sự nghiệp, tương lai của đất nước.

Những tài năng như Thu Bồn và bao tài năng khác, đã phải sống khó khăn, tự bươn chải, bán hết tài sản của mình để phục vụ những mục đích cao cả mà mình nguyện dâng hiến… “Tráng sĩ hề… dâu bể”! Nhà thơ Thu Bồn quả là đáng nể, quả là một “tráng sĩ” trong cơn dâu bể!

Chủ tịch nước nghe, nhìn thấy và đã tự phê bình cách đây những 10 năm. Nếu cán bộ cách mạng, ai cũng sẵn sàng trước dâu bể, xả thân như tráng sĩ vì sự nghiệp và tự phê bình nghiêm túc thì sự nghiệp này cao cả biết bao!

Nhà thơ Thu Bồn khi còn sống, yêu hết mình, chiến đấu hy sinh hết mình cho thơ, cho sự nghiệp cách mạng: “Và cô gái biển đẹp xinh, người vợ trẻ/ Ngày chiến thắng về không thấy bóng anh/ Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh/ Có anh về ôm ấp ngọn dừa xanh”! Nhưng, Thu Bồn đã trở về sau chiến tranh với trái tim đầy vết sẹo: Hai đứa con anh hết lòng yêu thương cứu chữa bị nhiễm chất độc da cam không còn… Những ngày tháng dữ dội ấy, anh gồng mình sáng tác vì quê hương đất nước. Bầu máu nóng ấy anh dành cho Đảng cho dân, cho những người mình yêu thương thật sự. Anh căm ghét thật sự, hằn học thật sự trước thói nịnh bợ, vô cảm của một loại quan chức báo chí, văn nghệ a dua, tham nhũng, cậy quyền… Anh bán dần những tài sản mình có để sáng tác và để sống!

Chủ tịch nước đã tự vấn mình. Lãnh đạo các ngành, các cấp cũng nên tự vấn mình, để thấy được “độ quan liêu” của mình đối với các nhà văn, nhà báo, trước hết ở ngành mình, cơ quan mình. Vì trong số họ, nhiều người toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp, phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, song đời sống của họ, mức sống của họ quá thấp. Nhiều người do hoàn cảnh, do số phận đưa đẩy nên gặp nhiều khó khăn, trắc trở… Nhiều người, khi về hưu, lương thưởng rất đạm bạc, chỗ ở hầu như chưa có, gia cảnh hết sức gieo neo. Có khi, người nghèo, hộ nghèo nằm ngay trong cơ quan, đơn vị mà lãnh đạo thì còn hướng “tầm nhìn” tới những đâu! Trong khi, những người đó, hàng ngày, hàng giờ gồng mình, quên số phận gieo neo của mình ca ngợi lãnh đạo, hết lòng chăm lo cho cơ quan, đơn vị, chăm lo cho hình ảnh, lời nói của lãnh đạo ngành, lãnh đạo đơn vị… Nhiều người trong họ có giải thưởng quốc gia, quốc tế, giải thưởng của ngành; nhưng ngành lại thiếu đi một sự quan tâm, hỗ trợ, dù rất nhỏ!

Mong rằng, khi họ còn sống, còn phục vụ tận tâm thì tổ chức, đoàn thể, lãnh đạo nên có thái độ trân trọng, quan tâm đúng mức, thiết thực để hướng nhân tâm về cõi sáng, cõi thiện; để thâu nạp được nhiều người tài trí cho ngành, cho đất nước; để tránh trước nhất: bệnh quan liêu!

Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm