Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trách nhiệm chưa tròn

Thứ năm, 21/06/2012 - 06:26

(Thanh tra)- Tính đến tháng 3/2012, cả nước có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm. Về phát thanh, truyền hình, hiện toàn quốc có 67 đài phát thanh - truyền hình Trung ương và địa phương. Cả nước có 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp. Cũng tính đến tháng 3, trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp.

Cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, nhưng có thể nói, báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân, với những kết quả đáng ghi nhận.

Hiện nay, báo chí đang tập trung tuyên truyền việc quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) trong cả nước, tạo được lòng tin, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân. Đồng thời, tuyên truyền có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, báo chí luôn tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.

Những vấn đề nóng của nền kinh tế được cả xã hội quan tâm như sự phá sản của nhiều doanh nghiệp; nợ thuế và nợ ngân hàng của các đơn vị kinh tế tư nhân được báo chí phản ánh với thái độ khách quan, thận trọng, không gây bức xúc trong xã hội. Thông qua hàng trăm bài viết về chủ đề biển đảo đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí đã thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí cũng đã góp phần quan trọng trong việc phát triển dân chủ xã hội, kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực xã hội khác, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Làm tốt việc đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên.

Thành tích nhiều, tuy nhiên, công tác báo chí cũng còn những hạn chế, thiếu sót như: Một số cơ quan báo chí chưa chú ý biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, mà còn thiên về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội... Một số phóng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, viết bài phản biện thiếu tính xây dựng đối với một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, lợi dụng hoạt động báo chí sách nhiễu tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự… Trong khi đó, lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng cán bộ, phóng viên cũng như trong khâu biên tập, duyệt bài, khi có sai phạm chưa chấn chỉnh nghiêm túc, kịp thời…

Rõ ràng, nghiêm khắc nhìn thẳng vào thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí là những khuyết điểm nghiêm trọng, kéo dài trong hoạt động báo chí chậm được khắc phục đang đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ về trách nhiệm của những người làm báo, quản lý báo chí đối với sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ngọc Hoàng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm