Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tín hiệu mới trong đào tạo nhân lực công nghệ cao

Thứ tư, 30/03/2011 - 05:26

Chương trình đầu tiên do Việt Nam xây dựng nhằm đào tạo thạc sĩ cho ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo vi mạch - hiện đứng số 1 trong danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư - sẽ được bắt đầu vào tháng 5/2011.

Cụ thể, theo thỏa thuận được ký kết tuần trước giữa Trung tâm Thiết kế vi mạch (ICDREC, Đại học Quốc gia TP.HCM) và Đại học Bách khoa TP.HCM, chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện tử hướng thiết kế vi mạch và ứng dụng sẽ dành cho khoảng 20 học viên đầu tiên.

Được biết, đây là chương trình đào tạo thạc sĩ về thiết kế vi mạch và ứng dụng đầu tiên do hệ thống đại học Việt Nam tự xây dựng chương trình, nội dung đào tạo. Trước đó, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cũng có chương trình đào tạc thạc sĩ thiết kế vi mạch nhưng liên kết với Nhật Bản.

Hiện tại, ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo vi mạch của Việt Nam đang được ưu tiên phát triển, được Thủ tướng phê duyệt đứng số 1 trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (Quyết định 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010).

Đến đầu tháng 11/2010 vừa qua, UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận về chủ trương cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất chip điện tử tại Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi để các bản thiết kế vi mạch của Việt Nam có thể được sản xuất ngay trong nước, mà nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng sẽ  đáp ứng.

Thời gian qua, công tác chuẩn bị của ngành thiết kế vi mạch Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể. Từ những ngày đầu thành lập, các chuyên gia ICDREC đã nghiên cứu, mổ xẻ các bản thiết kế của các đối tác nước ngoài để gần 3 năm sau (tháng 1/2008) cho ra đời chip SigmaK3 “made in Viet Nam” đầu tiên. Sau đó là chip VN8-01 (tháng 11/2009) với 100% do người Việt Nam thiết kế, 5 năm sau là chip 32 bit (tháng 10/2010), đạt trình độ trung bình khá của thế giới.

Tuy nhiên thực tế, Việt Nam mới chỉ đào tạo kỹ sư kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông, mà chương trình học, theo đánh giá của các chuyên gia thiết kế vi mạch còn chưa đáp ứng được các yêu cầu về đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch trong tình hình mới.

Như nhận xét của Giám đốc ICDREC Ngô Đức Hoàng, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư chuyên ngành thiết kế vi mạch của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam đang tăng mạnh, ước tính khoảng 400 người trong năm 2011, nhưng nguồn đào tạo hiện nay còn quá ít.

PGS-TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, chương trình được tổ chức nhằm lựa chọn, bồi dưỡng những sinh viên ưu tú nhất, tạo nguồn nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch Việt Nam trên đường phát triển. Sau khi đánh giá được chính xác nhu cầu thị trường, khả năng phát triển ngành, ĐH Bách khoa có thể mở rộng quy mô, xin phép mở ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.

Đáp ứng nhu cầu của các dự án công nghệ cao


Nhìn rộng ra, chương trình đào tạo mới này còn là một tín hiệu vui trong bối cảnh số lượng và tên tuổi những nhà máy sản xuất theo công nghệ mới, công nghệ cao trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam ngày một nhiều hơn, như Fujitsu, Samsung, Intel…

Mới đây nhất, trong tuần trước, Tập đoàn công nghệ cao First Solar (Mỹ) đã khởi công xây dựng nhà máy với 4 dây chuyền sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại TP.HCM. Cũng đầu tháng 3, nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới Nokia đã ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2012.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao sẽ ngày càng lớn, cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Trong đó, một nội dung quan trọng là sẽ bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ chuyên môn cho 500 lãnh đạo chủ chốt của các dự án, 10.000 kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu; đầu tư xây dựng một số cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực…

Luật Công nghệ cao được Quốc hội thông qua năm 2008 cũng dành hẳn chương IV cho vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, với nhiều ưu đãi và khuyến khích.

Chiến lược phát triển đất nước từ 2011-2020 cũng xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba mũi nhọn đột phá đến năm 2020.

Việc trang bị đầy đủ kiến thức cho người lao động là điều kiện hết sức cần thiết để Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn những dự án công nghệ cao, đồng thời cũng sẽ giúp người lao động có thể tiếp thu và làm chủ công nghệ mới từ nơi họ làm việc. Với tín hiệu mới từ chương trình đào tạo này và những chính sách ưu tiên nói trên, có thể tin rằng nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao sẽ được đáp ứng tốt hơn trong thời gian tới.


(Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm