Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Nhân hòa là yếu tố then chốt nhất với Hà Nội

Thứ bảy, 27/06/2020 - 19:39

(Thanh tra) - Sáng 27/6, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và hơn 1.800 đại biểu, trong đó có hơn 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tại Hội nghị, các tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, đưa đất nước “trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với du lịch và đầu tư”; kỳ vọng Hà Nội sẽ ngày càng thu hút được mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và phát triển, sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp với Hà Nội trong tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Đây là lần thứ 4 trong 4 năm liền, Thủ tướng cùng Hà Nội xúc tiến đầu tư, xử lý, giải quyết các vấn đề đặt ra.

Thủ tướng chia sẻ niềm vui với Hà Nội về thành công của Hội nghị với với 229 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, tổng mức đầu tư đến 405.000 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Hội nghị còn có ý nghĩa đặt biệt khi đất nước kiểm soát được dịch COVID-19 trong cộng đồng và chuyển sang trạng thái bình thường mới, hướng tới thực hiện "mục tiêu kép".

Hội nghị đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm chân thành hợp tác được đề cao, theo đó hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và Nhà nước trong một tầm nhìn dài hạn. Theo Thủ tướng, đây là thông điệp quan trọng về thu hút đầu tư của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ với vị thế mới của mình, Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa bằng một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, đó phải là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta và như tinh thần của “Chiếu dời đô” cách đây tròn 1.010 năm.

Vì vậy, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Câu hỏi đặt ra là làm sao để Hà Nội hiện thực hóa được tầm nhìn đó. Theo Thủ tướng, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải gây dựng được 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển.

Bàn về yếu tố “thiên thời”, Thủ tướng cho rằng Hà Nội phải có chất lượng thể chế tốt, phải tranh thủ các cơ chế đặc thù mà Hà Nội đang có như Luật Thủ đô, Nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết mới đây của Quốc hội. Chính quyền Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế hãy nắm bắt, tận dụng triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù này như yếu tố thiên thời hiếm có của Hà Nội.

Thứ hai, Hà Nội phải tận dụng tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế của Việt Nam, hẹp hơn là Vùng Thủ đô. Theo đó, Hà Nội phải hợp tác liên kết vùng và xem các địa phương là đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba, Hà Nội phải có được “cổ đông chiến lược” cùng đồng hành với chiến lược của mình. Đó chính là các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi, đặc biệt giới khoa học, công nghệ. Hội nghị hôm nay là cơ hội để Hà Nội tìm “cổ đông chiến lược” cho mình, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp đặt niềm tin vào gây dựng sự nghiệp ở vùng đất rồng bay này. Đây có thể nói là yếu tố "nhân hòa".

Để có được nhân hòa, Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần xây dựng 3 trụ cột quan trọng. Một là kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh, khẳng định được qua sức mạnh kinh tế, quy mô, cấu trúc kinh tế mạnh, môi trường kinh doanh hiệu quả, chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước thích ứng, tính hiệu lực, hiệu quả của thể chế, chất lượng vốn con người và sự phát triển của hệ thống tài chính.

Hai là hun đúc bản sắc, là thành phố đáng sống. Trụ cột thứ 3 là Hà Nội cần nuôi dưỡng các giá trị tinh thần, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Để xây dựng 3 trụ cột trên, Thủ tướng cho rằng cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo với 5 chữ “tinh”: Tinh thông trong công việc, tinh nhuệ trong hành động, tinh gọn về bộ máy, tinh túy về chất lượng cán bộ và tinh ý (tức là hiểu được người dân, doanh nghiệp đang cần gì).

“Tôi cũng mong muốn Hà Nội hành động, thực hiện một cách nhất quán phương châm hợp tác đầu tư và phát triển"; không để đây chỉ là khẩu hiệu suông. Hợp tác ở đây không chỉ là với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là hợp tác với các địa phương trong Vùng Thủ đô, với cả nước và quốc tế để phát triển”, Thủ tướng nói. Thành công của Hà Nội cũng chính là thành công chung cho tất cả các địa phương, Vùng Thủ đô cũng như cả nước và ngược lại, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Thủ tướng nhấn mạnh nhân hòa là yếu tố then chốt nhất với Hà Nội. Các bộ, ngành của Trung ương phải tạo điều kiện cho Hà Nội. Chính phủ luôn bên cạnh Hà Nội, cùng Hà Nội tháo gỡ khó khăn nhanh hơn, thuận lợi hơn. Chính phủ tiếp tục mở cửa ngay sau khi COVID-19 được kiểm soát ở các nước.

Nhắc lại ý kiến của một đại biểu Quốc hội, Thủ tướng nhất trí rằng “chúng ta đang làm tổ cho đại bàng nhưng cũng phải đãi thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt” ở Thủ đô. Ý nói hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải được phát triển tốt ở Hà Nội.

Thu nhập bình quân đầu người Hà Nội hiện đạt gần 5.500 USD và nếu duy trì được tăng trưởng bình quân 9%/năm thì chỉ trong vòng 10 năm tới, đến năm 2030, Hà Nội sẽ chạm ngưỡng nền kinh tế có thu nhập cao. Mục tiêu tối thiểu Hà Nội cần đặt ra là phải cán đích nền kinh tế có thu nhập cao trước mục tiêu 2045 của cả nước ít nhất 10 năm, thậm chí 15 năm.

Tại Hội nghị, Thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

(Thanh tra) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

08:00 23/11/2024
Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm