Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thử thách "Bút lực"

Thứ ba, 21/06/2011 - 09:05

(Thanh tra)- Trong những ngày này, trên tất cả các loại hình báo chí và trên mọi ấn phẩm báo chí đều có thông tin về kỷ niệm 86 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Suốt 86 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước, dân tộc, không quản hy sinh, gian khổ, vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, đóng góp vào những chiến công lừng lẫy, thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta. Ðồng thời, báo chí cách mạng Việt Nam trở thành “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân, là diễn đàn rộng lớn của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Báo chí đã kiến nghị với Ðảng, Nhà nước bổ sung hoàn thiện các chủ trương, đường lối chính sách; thể hiện ý chí, nguyện vọng và tình cảm của nhân dân. Cùng với đó, báo chí đã tích cực đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng và các quan điểm sai trái chống phá cách mạng nước ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho đội ngũ những người làm báo.

Tất cả thành tựu nêu trên là kết quả của sự đóng góp công sức, trí tuệ, kể cả xương máu của biết bao thế hệ những người làm báo trong nền báo chí cách mạng Việt Nam- một “binh chủng” được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời Người cũng đặt nền móng cho ra đời một công cụ của Đảng- Báo chí cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, ở đâu đó vẫn còn không ít những tồn tại, khiếm khuyết. Trong đó, có hiện tượng một số nhà báo chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, theo lợi ích cục bộ để rồi “lớn tiếng” nói lên những điều không đồng thuận với chủ trương chung của Nhà nước hoặc có những thông tin chạy đua theo tính thời sự, dẫn lại thông tin từ báo chí nước ngoài mà không có thẩm định tính xác thực của thông tin, để rồi khi cơ quan báo chí đăng tải thông tin đã gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ cho người nông dân (việc thông tin ăn bưởi có nguy cơ gây ung thư là bài học đáng nhớ cho những người cầm bút)…

Trong giai đoạn hiện nay, trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập mạnh mẽ của đất nước thì yêu cầu và đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân về một nền báo chí chuyên nghiệp càng đặt ra gấp gáp hơn bao giờ hết. Trong đó, mong muốn chung là các nhà báo cần đặt mục tiêu phục vụ dân tộc và nhân dân lên hàng đầu, vì lợi ích của công chúng. Nhà báo cần có lòng say mê nghề nghiệp, chấp hành các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và gương mẫu chấp hành pháp luật. Nhà báo cần có phông kiến thức rộng, nắm vững kỹ năng hành nghề và tiếp tục dấn thân vào những đề tài nóng bỏng mà công chúng đang cần. Trong đó, các mảng đề tài như: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tuyên truyền cổ vũ các tầng lớp nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phát huy lòng yêu nước, yêu chủ quyền biển đảo, nhưng làm phức tạp thêm tình hình…

Đó là những mảng đề tài “cân não”, thử thách “bút lực” của từng nhà báo, từng cơ quan báo chí. Để giải quyết tốt những nội dung của từng mảng đề tài, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại lời căn dặn của Hồ Chủ tịch cách đây gần nửa thế kỷ, Người căn dặn: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? (...). Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Hạnh Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm