Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thách thức lớn từ già hoá dân số

Thứ sáu, 13/05/2011 - 12:15

(Thanh tra)- Tại buổi gặp mặt báo chí về già hoá dân số ở Việt Nam do Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức ngày 12/5, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Dân số Việt Nam đang già hoá một cách nhanh chóng. Dù đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng già hoá dân số nhanh chóng cũng sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam.

Già trước khi giàu
Kết quả cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, dân số Việt Nam đang già hoá một cách nhanh chóng. Chẳng bao lâu Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hoá dân số do tuổi thọ tăng lên trong khi tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết giảm.

Hiện Việt Nam có khoảng 73% người cao tuổi (NCT) sống ở nông thôn. Trong số đó, rất ít người được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp, đa phần sống bằng chính sức lao động của mình hoặc hỗ trợ từ gia đình. Thực tế này là một vấn đề rất đáng quan tâm bởi trong lúc đất nước bắt đầu hội nhập sâu rộng mà có tới 70% NCT không có tích luỹ về mặt vật chất cho tuổi già. Do vậy, một loạt vấn đề kéo theo, đặc biệt là nhu cầu lớn nhất của NCT (dù có khác nhau theo vùng miền, trình độ) chủ yếu là mong được chăm sóc sức khoẻ.

Khảo sát của TS Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho thấy, Việt Nam đang trải nghiệm biến đổi dân số theo hướng già hoá và sẽ bước vào giai đoạn già hoá từ năm 2017 và giai đoạn già từ năm 2035. Xu hướng dân số này đang diễn ra trong điều kiện một nước có thu nhập trung bình thấp nên tình trạng "già trước khi giàu" hoàn toàn nhỡn tiền. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ NCT không bệnh tật rất thấp. Càng cao tuổi càng dễ bị tổn thương với thương tật và tàn tật. Đặc biệt, NCT đang mang "gánh nặng bệnh tật kép". Tính trung bình, chi phí chữa bệnh cho một NCT bằng 7 - 8 lần chi phí chữa bệnh cho một trẻ em. Trong khi đó, khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế và dịch vụ chăm sóc NCT dường như chênh lệch về các nhóm có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn hoặc ít tổn thương hơn như nam giới, người sống ở thành thị, người Kinh.

Phải sớm có chiến lược thích ứng
Ông Bruce Campbell, Trưởng Đại diện UNFPA cho rằng, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hoá một cách nhanh chóng. Vì thế, thời gian là vô cùng quan trọng. Để các chính sách và chương trình quốc gia được thiết kế và thực hiện rộng rãi đáp ứng nhu cầu về chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cho nhóm dân số cao tuổi, Việt Nam cần phải có chính sách, chiến lược thực tế và phù hợp được xây dựng dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu định tính và định lượng. Những nghiên cứu này phải phân tích mối tương quan giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế cũng như các nhu cầu về dịch vụ xã hội dành cho NCT.

Được biết, vấn đề già hoá dân số đã được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Theo TS Dương Quốc Trọng, nhiều chính sách và chương trình chưa được thực hiện một cách đầy đủ dẫn tới các dịch vụ chăm sóc NCT chưa thực sự phát triển; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng dành cho NCT còn thấp, quỹ hưu trí dành cho lực lượng lao động cao tuổi chưa thực sự ổn định và còn có nhiều bất cập liên quan tới bất bình đẳng giới và bất bình đẳng giữa các thế hệ. Hay tình trạng vẫn còn nhiều bất cập liên quan tới việc thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội khác.

TS Giang Thanh Long cũng cho rằng, cần có những chiến lược, chính sách thực tế, xác đáng để thích ứng. Chính sách phải dựa trên trên các bằng chứng về mối quan hệ qua lại giữa dân số già đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Điều đó thể hiện ở việc tận dụng cơ hội dân số vàng đang có, cải cách hệ thống hưu trí, đa dạng hoá các loại hình bảo hiểm dựa trên khả năng chi trả của người tham gia. Đồng thời, mở rộng hệ thống trợ cấp xã hội theo hướng phổ cập việc chú trọng đến nhóm NCT ở nông thôn và phụ nữ cao tuổi. Bên cạnh đó, tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc NCT với sự tham gia của mọi thành phần xã hội. Với những chính sách phù hợp như vậy, dư lợi dân số lần 2 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Nguyễn Nhuần

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm