Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra

Thứ ba, 23/08/2011 - 05:08

(Thanh tra)- Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, số lượng lao động nước ngoài (LĐNN) đang làm việc tại Việt Nam tăng nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2008 có 52.633 LĐNN vào Việt Nam làm việc, thì đến năm 2010 đã có tới 56.929 lao động và đến năm 2011, số LĐNN vào Việt Nam đã tăng tới 74.000 người. LĐNN đang làm việc ở nước ta đến từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu mang quốc tịch Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… chiếm khoảng 58%.

Điều đáng nói là, đã có một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng kẽ hở của pháp luật đưa lao động phổ thông không phép vào Việt Nam làm việc tại các dự án (D.A) ở nhiều địa phương như: Cà Mau, Đắk Nông, Ninh Bình… Mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện chỉ riêng tại D.A Nhà máy Đạm Cà Mau, có tới 1.051/1.728 lao động Trung Quốc đang làm việc không phép.

Nhằm siết chặt hơn việc quản lý LĐNN du nhập vào Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2011/NĐ-CP quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo Nghị định này, từ ngày 1/8/2011, các chủ sử dụng LĐNN ít nhất trước 30 ngày tuyển dụng phải thông báo nhu cầu tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển LĐNN trên các báo T.Ư và địa phương. Nếu DN, tổ chức nào sử dụng LĐNN trái phép sẽ bị xử lý vi phạm, buộc công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu công nghiệp... trong việc hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho chủ sử dụng LĐNN thực hiện tốt pháp luật.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng cục Việc làm cho biết, điểm mới nhất của Nghị định này là quy định bổ sung việc đăng ký sử dụng LĐNN đối với các nhà thầu và các chủ đầu tư công trình, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Công thương và vai trò trách nhiệm của các tỉnh, TP. So với Nghị định 34 đã ban hành trước đó, những quy định trong Nghị định 46 cụ thể hơn, giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn. Những điều khoản mới sẽ tạo cơ hội việc làm cho lao động trong nước. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng sẽ được siết chặt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những chính sách linh hoạt và phù hợp, nhất là lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, DN và người lao động. Bên cạnh việc tăng cường quản lý của cơ quan chức năng cũng đòi hỏi ý thức của DN, chủ sử dụng lao động phải được nâng cao. Ngoài ra, lao động trong nước cần phát triển tay nghề và kỹ năng nghề để đáp ứng được công việc và vị trí mà DN đang phải thuê LĐNN.

Thanh Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm