Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quyên góp sách giáo khoa sau bão Yagi: “Mặt nạ” giảm gánh nặng cho phụ huynh đã rơi xuống

Quang Dân

Thứ bảy, 21/09/2024 - 10:40

(Thanh tra) - Cứ sau mỗi cơn bão lớn, bên cạnh cứu trợ, quyên góp sách giáo khoa là một trong những hoạt động thường thấy. Tuy nhiên, câu chuyện bão Yagi lại khá khác biệt vì những người thiện nguyện ngơ ngác không biết sẽ phân bổ sách như thế nào vì mỗi trường sử dụng một bộ sách khác nhau. Từ đây, “mặt nạ” giảm gánh nặng cho phụ huynh đã rơi xuống.

Sau cơn bão Yagi “mặt nạ” giảm gánh nặng cho phụ huynh đã rơi xuống. Ảnh: Công lý

Siêu bão Yagi là một trong những cơn bão có mức độ tàn phá khủng khiếp nhất trong vòng 60 năm qua. Thiệt hại mà bão Yagi gây ra về mặt tài sản là hàng tỷ đô la. Yagi mang đến tang thương cho các tỉnh miền Bắc khi lấy đi hàng trăm sinh mạng.

Giữa mất mát đau thương, người Việt Nam sưởi ấm trái tim nhau bằng tình đồng bào sẻ chia ấm áp. Người dân đã góp hàng ngàn tỷ đồng cùng hàng trăm đoàn thiện nguyện thẳng tiến đến những vùng đất đau thương nhất tìm lại hơi ấm cho đồng bào kém may mắn.

Bên cạnh cứu trợ, quyên góp sách giáo khoa là một trong những hoạt động thường thấy. Tuy nhiên, năm nay, những người thiện nguyện trở nên bối rối vì không biết sẽ phân bổ sách như thế nào vì từ vài năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn duy trì chính sách “1 bộ sách giáo khoa” nữa. Thay vào đó là xã hội hóa sách giáo khoa.

Năm 2019, bộ sách giáo khoa “xã hội hóa” đầu tiên ra đời. Đó là Bộ Cánh diều của Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC). Khoan hãy nói về những sai sót lớn giới chuyên môn đã chỉ ra cho Bộ Cánh diều, cần phải phân tích xem xã hội hóa sách giáo khoa đã đạt mục tiêu đề ra hay chưa.

Trước đó, một trong những mục tiêu mà hoạt động “xã hội hóa” sách giáo khoa đề ra là giảm tải cho phụ huynh. Thế nhưng, trên thực tế, phụ huynh phải chi nhiều hơn cho con em mình lấy cái chữ.

Thứ nhất, từ bao lâu nay, các thế hệ học sinh Việt Nam thường có thói quen “thừa kế” với sách giáo khoa. Nghĩa là anh chị sau khi học xong, sẽ gìn giữ cẩn thận đã các em sau này sử dụng. Với những học sinh không có em, họ có thể cho bạn bè, hàng xóm.

Tuy nhiên, với việc xuất hiện của nhiều bộ sách cùng lúc, các em không thể sử dụng lại sách của anh chị. Hay nói cách khác, mỗi bộ sách chỉ được dùng một lần, rất lãng phí.

Không dừng lại ở đó, sau khi xuất hiện bộ sách xã hội hóa Cánh diều, giá sách giáo khoa không những không giảm xuống để giảm tải cho phụ huynh mà giá các bộ sách đồng loạt tăng mạnh.

Năm 2023, phụ huynh “dậy sóng” trước thông tin giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 trong Bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" của Nhà Xuất bảo Giáo dục cao gấp 2 - 3 lần sách cũ. Cần phải nhấn mạnh, Nhà Xuất bản Giáo dục khẳng định Bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" có mức giá thấp hơn từ 22 - 26% so với giá các bộ sách của các nhà xuất bản khác.

Điều đó có nghĩa sau khi xã hội hóa sách giáo khoa, những lợi ích khác chưa rõ nhưng lợi ích về kinh tế thì phụ huynh hoàn toàn không được hưởng. Mà bên được hưởng lợi lớn chính là VEPIC.

Cụ thể, năm 2020 là năm bộ sách xã hội hóa Cánh diều mang lại doanh thu cho VEPIC. Trước đó, trong 3 năm liên tiếp, công ty này lỗ 1,8 tỷ đồng (năm 2017), 10,3 tỷ đồng (năm 2018) và 14,4 tỷ đồng (năm 2019).

Nhưng kể từ năm 2020 - thời điểm VEPIC hưởng lợi từ Bộ Cánh diều, doanh thu công ty bứt tốc, tăng vọt lên 188 tỷ đồng và đạt lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng. Sau đó, VEPIC bùng nổ doanh thu với 317 tỷ đồng (năm 2021) và 616 tỷ đồng (năm 2022) cùng với những khoản lãi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm