Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quê hương nghĩa trọng tình sâu

Xuân Thống

Thứ ba, 07/12/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Trong hồi ký Bác Hồ có viết: “Tôi xa quê hương đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không buồn, không tủi. Tôi rất vui. Vui vì khi tôi ra đi nhân dân còn là nô lệ, bọn đế quốc phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”.

Khu Lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành được công nhận Di tích Lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Xuân Thống

Quê hương trong trái tim Người

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ chỉ vẻn vẹn được 2 lần về thăm quê (1957 và 1961). Quê hương - hai tiếng thiêng liêng ấy luôn thổn thức trong tim Người ngay từ ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước…

Cứ vào dịp tháng 12, những anh chị làm công tác thuyết minh ở Khu Di tích quốc gia Kim Liên luôn có cảm giác như mình đang được đón Bác Hồ, được nghe Người kể về những kỷ niệm tuổi ấu thơ; lắng nghe những lời khen, lời động viên, lời dặn dò… vô cùng ấm áp, hạnh phúc.

Sáng ngày 8/12/1961, lần thứ hai quê hương Kim Liên được đón Bác Hồ về thăm (lần đầu tiên Bác về thăm quê vào tháng 6/1957). Ai ai cũng háo hức và mong được nhìn thấy Bác. Lần này, Bác đã về thăm quê ngoại Hoàng Trù trước. Khi về thăm quê ngoại, Bác vào thắp hương cho ông bà tổ tiên bên ngoại tại nhà thờ chi nhánh dòng họ Hoàng Xuân. Lúc này thấy tế khí bàn thờ nguyên vẹn song ngôi nhà khang trang hơn. Bác hỏi: Nhà thờ này được xây tường, lợp ngói từ bao giờ vậy?

Nhà thờ do ông ngoại Bác dựng nên, ban đầu chỉ là mái tranh và thưng phên nứa. Vào những năm 1930, bà con trong họ đã xây tường và lợp ngói.

Bước ra thềm, ngày đó Bác ngạc nhiên khi thấy cây mít của ông bà ngoại vẫn còn, Bác nói: “Cây mít của ngoại vẫn còn đây à, cây này ngày trước quả sai, nhiều múi nhưng rất ngọt…”.

Có lẽ giây phút xúc động nhất, Bác trở về thăm ngôi nhà tranh 3 gian bé nhỏ của gia đình mình. Nhẹ nhàng bước chân vào thăm, kỷ vật dường như vẫn nguyên vẹn nhưng người thân trong gia đình không còn ai nữa. Bác mân mê từng kỷ vật của gia đình. Từ chiếc khung cửi mẹ Bác hằng đêm dệt vải; chiếc giường nhỏ nơi anh chị em Bác lần lượt cất tiếng khóc chào đời; chiếc võng nơi mẹ ru các anh em Bác ngủ. Bác lặng người trước chiếc rương gỗ, món quà “hồi môn” mà bà ngoại đã tặng mẹ Bác lúc ra ở riêng.

Sau khi thăm những kỷ vật thân thương trong ngôi nhà, Bác ra trước thềm nhà nói chuyện cùng bà con lối xóm. Giây phút thật xúc động khi Bác gặp lại cụ Nguyễn Thuyên, người bạn thân thiết đã cùng thả diều, câu cá thuở ấu thơ.

Ngày 8/12/1961, lần thứ 2 Bác Hồ về thăm quê hương. Ảnh: Tư liệu

Tạm biệt Hoàng Trù thân thương, Bác về thăm Làng Sen rồi ra sân vận động nói chuyện với bà con xã Nam Kim, nay là xã Kim Liên. Bác khen xã có nhiều tiến bộ: Lần trước Bác về, "đèn nhà ai rạng nhà nấy", "niêu nhà ai, nhà nấy dùng", làm ăn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn luôn giúp đỡ nhau. Đó là một thay đổi lớn. Lần trước Bác về, chưa có mấy cái trường này (trường cấp 2 cạnh sân vận động), mà nay đã có cho các cháu trong làng và các xóm làng xung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về văn hóa. Thế là văn hóa tiến bộ. Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề ở đây, cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ.

Thăm quê lần này, Bác dặn dò đồng bào phải xây dựng hợp tác xã cho tốt, nêu cao tinh thần làm chủ: Làm chủ xóm làng, làm chủ hợp tác xã, làm chủ đất nước. Mỗi người coi công việc hợp tác xã như công việc của mình và có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phòng vững mạnh. Phải giúp đỡ những nhà neo đơn, những ông cụ, bà cụ kém sức khỏe. Trong việc duy trì trật tự trị an, bộ đội, công an, dân quân tự vệ phải dựa vào dân, dân phải hết sức giúp đỡ và luôn đề cao cảnh giác.

Những câu chuyện khép lại nhưng những cảm xúc vẫn vẹn nguyên, sự ngưỡng mộ về một người con của quê hương cả cuộc đời hy sinh cho độc tập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, chỉ dành một ít thời gian ngắn ngủi cho gia đình, cho quê hương.

Vĩnh Thành - mùa Đông đón Bác về thăm

Mùa Đông năm 1961. Lúa ngoài đồng đã gặt hết. Cái lạnh giá cũng không ngăn được bà con xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp cao cấp Vĩnh Thành rất phấn khởi nhờ mấy năm liên tiếp được mùa, đang tập trung be bờ, làm thủy lợi, cày ải đất để chuẩn bị cho vụ Chiêm Xuân.

Kỹ sư Trần Công Bổng năm đó mới 14 tuổi, là học sinh giỏi toàn miền Bắc, được đi học ở Đại học Tổng hợp Bucaret (Rumania) nhớ lại: Chiều mồng 9/12, khi lớp học sinh đang làm thủy lợi ở đồng Báng gần đó thấy có chiếc tàu bay trực thăng bay thấp dọc Quốc lộ 7, lượn vòng rồi bất ngờ đáp xuống cái bãi cỏ nhỏ dưới chân rú Nhãn Tháp mà cách đó mấy hôm đã được công binh, dân quân và học sinh trong xã san phẳng, dọn sạch.

Ngay lúc chiếc trực thăng chưa đáp đất, đang ở dưới ruộng, mặt mũi nhem nhuốc, chân trần còn nguyên bùn đất, ai nấy lao thật nhanh, bất kể bờ cao, ruộng thấp… về phía chiếc tàu bay đang từ từ hạ cánh. Đến nơi, thấy người đông nghẹt. Mọi người đang chen lấn, xô đẩy thì chiếc trực thăng “bỗng dưng” nhấc cao lên rồi bay mất hút về hướng mặt trời lặn trước bao khuôn mặt ngơ ngác, tiếc nuối của mọi người… Sau đó, mọi người nghe mấy ông cán bộ xã nói: “Hôm nay chỉ tập dượt, bay thử kiểm tra thôi, ngày mai Trung ương mới về”.

Bác Hồ đến sân vận động xã Nam Liên, nay là xã Kim Liên, Nam Đàn nói chuyện với nhân dân. Ảnh: TL

Sáng 10/12/1961, trời chưa sáng hẳn, người từ các làng trong xã, khắp nơi trong huyện Yên Thành và các xã lân cận của huyện Diễn Châu, Đô Lương đã nườm nượp đổ về rú Nhãn Tháp thành từng hàng, từng khối với khuôn mặt hân hoan, phấn khởi cùng với băng, cờ, khẩu hiệu rợp cả một vùng. Khi hàng ngàn người đang khao khát, hồi hộp chờ đợi mong được nhìn thấy Bác Hồ thì đúng 7 giờ, một chấm đen cùng với tiếng động cơ xuất hiện trên bầu trời trong xanh đến kỳ lạ giữa mùa Đông rét giá. Cả biển người như muốn nhao lên nhìn chiếc tàu bay màu xanh bạc đang to dần bay về phía rú Nhãn Tháp từ từ hạ độ cao, lượn vòng, rồi nhẹ nhàng đáp xuống bãi đậu hôm trước cách lễ đài đón Bác chừng vài trăm mét.

Sau khi ôm hôn và nhận hoa của các cháu thiếu niên nhi đồng, bắt tay, hỏi thăm cán bộ huyện, xã ra đón tại cửa tàu bay, Bác bước lên lễ đài trong tiếng hô không ngớt của cả biển người: "Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác Hồ muôn năm!", vang động cả một vùng.

Ôi Bác Hồ! Bác thật giản dị làm sao! Vẫn bộ quần áo bà ba màu gụ, ngoài khoác chiếc áo kaki, chân đi đôi dép cao su, mái tóc phong sương, chòm râu đốm bạc, khuôn mặt phúc hậu, hiền từ như ông bụt, ông tiên... Và đôi mắt, đôi mắt Bác cũng hiền từ làm sao! Bác nhìn khắp cả sân trường, tươi cười vẫy tay chào đồng bào và ra hiệu cho mọi người im lặng.

Cầm mảnh giấy nhỏ trong tay, Bác bắt đầu nói chuyện. Lời Bác vang lên trìu mến thiết tha, gần gũi với chất giọng Nghệ ấm áp như tan chảy trong trái tim mọi người: “Thưa toàn thể đồng bào! Bác và các đồng chí Trung ương, Tỉnh ủy về thăm hợp tác xã Vĩnh Thành, các cô, các chú xã viên và các cháu. Bác có câu chuyện tóm tắt sau đây để bà con và các cháu chú ý: Hợp tác xã Vĩnh Thành về mọi mặt đều có tiến bộ. Nói chung như thế, Bác không phải kể nữa, mà các cô, các chú thì đã biết cả rồi. Hợp tác xã Vĩnh Thành tuy có tiến bộ nhưng đang ít quá, nên Bác nói thêm mấy điểm”.

Khi Bác biết xã Vĩnh Thành là một trong những xã thực hiện tốt phong trào trồng cây của miền Bắc thời đó, Người cũng ân cần nhắc nhở về vai trò của chi bộ Đảng trong việc chỉ đạo để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và xây dựng khối đoàn kết nông thôn. Người căn dặn: “Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã”…

Rồi Bác nói như tâm sự, nhắc nhở: “Hôm nay Bác về không đi thăm hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được, là vì không có thời gian. Các xã và hợp tác xã khác cần thông cảm. Còn hợp tác xã đây chớ thấy Bác về thăm tưởng mình là nhất không đâu bằng nữa, rồi tự kiêu, tự mãn cho rằng không cần học tập ai nữa”. Sau buổi nói chuyện, Bác đề nghị đi thăm một số nơi ở làng Vĩnh Tuy - ngôi làng của ông Nguyễn Qũy, Chiến sĩ Thi đua toàn miền Bắc đồng thời là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp cao cấp đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Tròn 60 năm kể từ mùa Đông năm 1961, đấy là lần thứ 2 Bác về thăm quê hương, cũng là lần cuối cùng quê hương đón Bác. Những hình ảnh, dấu ấn, tình cảm và lời dặn dò của Người vẫn luôn in đậm trong trái tim của người dân xã Kim Liên, xã Vĩnh Thành, là động lực để Đảng bộ, nhân dân quyết tâm xây dựng quê hương trở thành xã nông thôn kiểu mẫu như Bác hằng mong muốn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm