Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phòng, chống cháy nổ - chế tài chưa đủ mạnh

Thứ sáu, 15/03/2013 - 09:26

(Thanh tra)- Thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trước thực trạng này, ngoài các biện pháp xử lý nghiêm thì cần nâng cao ý thức tuân thủ những nội quy, quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ (PCCN) của người dân, doanh nghiệp.

Vụ cháy ngày 11/3 tại số nhà 114 phố Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội, đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng, nơi trưng bán sản phẩm đồ gỗ và khiến căn nhà cao 3,5 tầng sụp đổ hoàn toàn. Ảnh: Việt Hưng

Vụ nổ kinh hoàng tại nhà hẻm số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP Hồ Chí Minh, vào rạng sáng ngày 24/2 khiến 11 người chết và nhiều người bị thương; vụ cháy cửa hàng vàng mã số 322 Hàn Hải Nguyên, phường 10, quận 11, TP Hồ Chí Minh, làm chết 3 người vào ngày 5/3; vụ cháy lớn kinh hoàng xảy ra tại cửa hàng kinh doanh nội thất số 114 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội trưa ngày 11/3; rồi những hỏa hoạn ở các tòa nhà cao tầng hiện đại… đã gióng lên hồi chuông báo động tình trạng mất an toàn PCCN hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm (từ năm 2001 - 2011), cả nước đã xảy ra 16.767 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân và 6.109 vụ cháy rừng, làm chết 688 người, bị thương 1.848 người. Về tài sản ước tính trị giá 4.187 tỷ đồng và 42.332ha rừng có giá trị kinh tế.

Như vậy, trung bình mỗi năm xảy ra 1.677 vụ cháy, làm chết và bị thương 254 người (chết khoảng 60 người mỗi năm), thiệt hại về tài sản trị giá 419 tỷ đồng. Con số này cho thấy, thiệt hại do cháy, nổ gây ra mỗi năm trên toàn quốc tương đương mức thu ngân sách của một tỉnh nghèo (419 tỷ đồng tương đương mức thu ngân sách của các tỉnh Hà Giang, Yên Bái và cao hơn tỉnh Bắc Kạn - dưới 300 tỷ đồng).

Chỉ trong tháng 2 và đầu tháng 3/2013, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 17 vụ cháy nổ, trong đó có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng khiến 14 người chết và 5 người bị thương, thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an, cho biết, số vụ cháy, nổ luôn gia tăng và mang tính chất nghiêm trọng.

Theo danh mục quy định tại Nghị định 35 của Chính phủ, có khoảng trên 100.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Hàng năm lực lượng, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phải kiểm tra các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ 4 lần. Vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết, hay trong Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và PCCN có những cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tăng cường. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra vẫn không thể kiểm soát hết được 100.000 cơ sở dễ gây cháy, nổ.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia trong ngành cho rằng, do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhiều người, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, theo quy luật, sự phát triển kinh tế - xã hội tỉ lệ thuận với những tiềm ẩn về cháy nổ. Do vậy, công tác PCCN tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng còn rất bất cập và gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm gần đây, Nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều quy định về công tác quản lý, phòng, chống các loại chất dễ nổ, dễ cháy. Năm 2011, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định quy hoạch chiến lược hệ thống phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch cứu hộ cũng như quản lý chặt chẽ các chất dễ cháy, nổ. Nhưng, trên thực tế, nhiều nơi, nhiều tổ chức, cá nhân chưa chấp hành tốt các quy định này.

Đề cập đến các hình thức xử phạt hiện nay, ông Trần Anh Dũng cho rằng, nhìn chung, mức xử phạt hành chính không chỉ trong lĩnh vực cháy, nổ mà còn ở cả một số lĩnh vực khác so với thực tiễn chưa đủ sức răn đe, giáo dục các hành vi vi phạm. Hình thức xử lý cao nhất là khởi tố hình sự. Do vậy, để hạn chế những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, người lao động và người dân cần nâng cao ý thức tuân thủ những nội quy, quy định về an toàn PCCN và chủ động PCCN. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tăng cường kiểm tra về an toàn PCCN trong phạm vi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Ngày 17/3/2013, Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và PCCN lần thứ 15 sẽ được phát động tại khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Với chủ đề "Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc", Ban Chỉ đạo T.Ư hy vọng Tuần lễ sẽ thực sự đi vào đời sống, góp phần thay đổi nhận thức của người lao động về tai nạn lao động và PCCN.   

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm