Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Theo Phan Phương/TTXVN

Thứ bảy, 12/12/2020 - 09:36

Sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, sự chủ động vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông đã đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo ngày 25/11. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa khó khăn, phức tạp, vừa cấp bách, lâu dài.

Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trịBan Bí thưBan Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, sự chủ động vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng.

Tham gia giám sát, phản biện xã hội

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta chỉ ra rằng trong tất cả các giai đoạn triển khai từ khâu phòng ngừa, phát hiện đến xử lý tham nhũng đều có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rất rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng, trước hết là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, kiến nghị việc bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết thực hiện nhiệm vụ của mình, trong nhiệm kỳ qua, hệ thống Mặt trận cùng với 47 tổ chức thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền để nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận diện rõ và có thái độ đấu tranh với hành vi tham nhũng, "nói không với tham nhũng."

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên tổ chức để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp về những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, các biểu hiện sách nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng.

Đặc biệt, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực vận động nhân dân tham gia có hiệu quả trong việc giám sát công tác cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức, là chỗ dựa để nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát," tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng và việc sách nhiễu với nhân dân.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Sonla.gov.vn)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, thời gian qua, các vụ án vi phạm, tham nhũng xảy ra là do có sự lạm quyền và việc phát hiện trong nội bộ còn hạn chế.

"Do đó, cần chú ý đến vấn đề công khai, minh bạch để người dân giám sát; quan tâm tới cơ chế bảo vệ người tố cáo, làm sao để người dân dám nói; đồng thời tăng cường kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, hướng tới xã hội không dùng tiền mặt, hình thành văn hóa đạo đức liêm chính cho học sinh ngay từ trong nhà trường," ông Ngô Sách Thực đề nghị.

Tạo áp lực xã hội mạnh mẽ

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là Đảng, Nhà nước đã khơi nguồn và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí. Báo chí là vũ khí rất sắc bén, đã và đang vào cuộc mạnh mẽ và đã tỏ rõ hiệu quả to lớn.

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, đã có hàng vạn tác phẩm báo chí về đề tài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chỉ riêng năm 2017, 2019, Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng lãng phí do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức đã thu hút 2.172 tác phẩm dự giải. Trong các Giải báo chí Quốc gia, Giải Búa Liềm Vàng những năm gần đây, tỷ lệ tác phẩm có nội dung phòng, chống tham nhũng dự thi ước tính chiếm từ 30-40% tổng số tác phẩm dự giải.

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, thời gian qua, báo chí đã phát hiện, tạo áp lực xã hội mạnh mẽ ủng hộ đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng.

Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra.

Không chỉ cung cấp thông tin để làm rõ các vụ việc tham nhũng, hoạt động của báo chí trong nhiều năm qua đã tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, phân tích, nhìn nhận sâu thực trạng tham nhũng, nguyên nhân và kiến giải các biện pháp phòng, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống thao túng xây dựng chính sách...

Đặc biệt, lợi dụng tình hình tham nhũng, các thế lực thù địch, những phần tử bất đồng chính kiến, suy thoái về chính trị đã tung ra những luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá Đảng và Nhà nước. Báo chí đã tích cực phản biện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái đó.

 Tác giả Võ Mạnh Hùng - Báo Điện tử VietnamPlus nhận giải B giải báo chí toàn quốc 'Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, vai trò tích cực của báo chí, truyền thông, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trong giới báo chí đang nảy sinh những hạn chế, tiêu cực, bộc lộ sự suy thoái trong một bộ phận người làm báo, làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc chỉ rõ, hiện tượng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ," việc "làm tiền" các cơ quan, tổ chức… không còn là hiện tượng cá biệt. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, quy tắc ứng xử mạng xã hội để kiểm soát, lên án kịp thời những hiện tượng này.

Để phát huy mạnh mẽ vai trò quan trọng của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Hội Nhà báo cho rằng, cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cấp Hội và cơ quan báo chí, tăng cường tính Đảng trong hoạt động báo chí, nêu cao ý thức trách nhiệm chính trị, nêu cao đạo đức nghề nghiệp của người làm.

Các cơ quan phát huy tính chiến đấu của báo chí theo phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, làm nghề vì lợi ích của đất nước và nhân dân.../.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm