Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải xã hội hóa hạ tầng giao thông

Thứ hai, 02/01/2012 - 10:25

(Thanh tra)- Với việc nguồn vốn dành cho xây dựng hạ tầng giao thông đang thiếu trầm trọng, các công trình "đắp chiếu" hàng loạt, để "giải cứu" và tạo bước đột phá cho lĩnh vực then chốt này đòi hỏi Nhà nước phải xã hội hóa mạnh mẽ, thu hút nhiều nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

*Mỗi năm ngành GTVT cần tới 25.000 tỷ đồng vốn đối ứng.
       

Thiếu vốn

Theo ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng Chất lượng Công trình, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), năm 2011, đã có 75 dự án, tiểu dự án (D.A) sử dụng nguồn vốn trong nước phải đình hoãn với tổng số vốn lên tới 1.422 tỷ đồng. Các D.A này chỉ mới thực hiện việc bảo đảm giao thông, thậm chí có nhiều D.A không có vốn để thực hiện công tác này.

Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) cũng cho biết, ngay với các D.A ODA và các D.A trọng điểm được ưu tiên, dù vốn xây lắp không thiếu, nhưng vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng lại thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của các D.A. Bộ GTVT đã nhiều lần có văn bản xin bổ sung vốn đối ứng để các chủ đầu tư và địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cấp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tân Viên cho rằng, 5 năm tới, vốn trái phiếu Chính phủ phân cho ngành GTVT chỉ khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm bình quân chỉ khoảng 11.000 tỷ đồng. Với vốn ngân sách cũng tương tự và chỉ vào khoảng 40.000 tỷ đồng cho 5 năm. Số vốn này quá ít so với nhu cầu thực hiện của ngành GTVT. Thực tế, chỉ cần bố trí đủ vốn đối ứng cam kết cho các D.A ODA và các D.A xã hội hóa, mỗi năm ngành GTVT cần tới khoảng 25.000 tỷ đồng.    Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng giao thông, trong bối cảnh vốn thiếu trầm trọng thì cần phải xã hội hóa mạnh mẽ, tìm thêm nhiều nguồn vốn để đầu tư. Thực tế, thời gian qua, các dự án BOT mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức giải ngân của toàn ngành GTVT. Đây rõ ràng là con số chưa tương xứng với tiềm năng. Hơn nữa, các D.A BOT mà ngân sách phải hỗ trợ còn chiếm tỷ lệ cao, trong đó còn có nhiều D.A BOT, nhưng có nguồn vốn từ ngân sách. Hiện, Bộ GTVT đã và đang triển khai 29 D.A theo phương thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 138.809 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Tổng Cục phó Tổng cục Đường bộ Việt nam cho rằng, qua 10 năm thực hiện, nguồn vốn huy động được từ các D.A ngoài ngân sách chưa nhiều và chưa tương xứng. "Những D.A thành công chủ yếu có quy mô nhỏ và phạm vi thu phí ngoài D.A. Với những D.A không lấy đất và Nhà nước không hỗ trợ vốn từ ngân sách thì gần như không triển khai được", ông Thắng nói.

Một bất cập hiện nay là giá thu phí còn thấp. Tuy nhiên, nếu đưa giá thu phí lên cao rất khó khăn vì thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp và nếu tăng lên sẽ làm đội chi phí lưu thông. Hơn nữa, tổng số phương tiện ôtô trên đầu người của nước ta còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới, kể cả trong khu vực Đông Nam Á. Điều này dẫn đến mức thu phí không thể bù nổi chi phí, trong khi đó các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng đều có tổng mức đầu tư rất lớn và vẫn chỉ dựa vào khai thác để hoàn vốn là chính.

Phải xã hội hóa

Cuối năm 2011, một D.A giao thông sử dụng vốn xã hội hóa là tuyến Uông Bí - Hạ Long với tổng vốn BOT lên đến 1.083 tỷ đồng đã được khởi công. Đây là động thái tích cực của các nhà đầu tư tư nhân để chia sẻ gánh nặng vốn cho Nhà nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng giao thông phải tiến hành mạnh mẽ hơn. Không chỉ với các D.A đầu tư mới mà ngay cả với các D.A đang bị đình hoãn, giãn tiến độ, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT cũng cần rà soát lại, xác định D.A nào tiếp tục chờ vốn triển khai sau, D.A nào có thể chuyển đổi hình thức đầu tư, kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, có thể triển khai theo hình thức BOT, BT hay PPP. Những khối lượng đã hoàn thành tại các D.A này coi như phần đóng góp của Nhà nước.

Đối với các D.A trọng điểm đang gặp khó khăn do thiếu vốn, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, chủ đầu tư phải chủ động huy động các nguồn vốn bên ngoài. Đơn cử như D.A luồng vào sông Hậu, hiện, nhu cầu vốn của công trình này cần khoảng 2.200 tỷ đồng nữa mới có thể kết thúc vào năm 2014 như kế hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay rất khó để bố trí số vốn lớn như vậy, do đó, chủ đầu tư có thể huy động hình thức BT, Nhà nước hỗ trợ 30%. Hay như với kênh Chợ Gạo, nhu cầu của D.A này cũng cần tới 800 tỷ đồng ngay trong quý IV/2011 để khởi công một số gói thầu. Bố trí nguồn vốn này từ ngân sách hay vốn trái phiếu Chính phủ lúc này là không khả thi, do vậy, chủ đầu tư cũng phải huy động nguồn vốn xã hội hóa để bảo đảm tiến độ chung của D.A.


Nam San - Hà Thanh Oai

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm