Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 15/04/2011 - 09:26
(Thanh tra)- Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thị trấn Nam Đàn, sáp nhập một phần xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn là một hướng đi hợp quy luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn có một số người dân chưa đồng thuận. Vậy, đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Trụ sở UBND xã Vân Diên đã xuống cấp, chật hẹp, nhưng chưa được xây dựng mới vì chủ trương mở rộng thị trấn Nam Đàn chưa thống nhất
Hướng đi hợp quy luật
Thị trấn Nam Đàn được quy hoạch lại năm 1953, trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích, dân số của xã Diên Hồng, từ đó đến nay không điều chỉnh, mở rộng. Với dân số 6.502 người sống trong 10 khối, xóm, diện tích tự nhiên 196,75 ha (trong đó, 71,64 ha đất nông nghiệp, 122,26 ha đất phi nông nghiệp, 2,85 ha đất chưa sử dụng) nên quỹ đất để đáp ứng nhu cầu xây dựng, nâng cấp, mở rộng và phát triển các công trình kinh tế - xã hội của thị trấn cũng như của huyện đóng trên địa bàn là quá ít. Do đó, việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thị trấn Nam Đàn là một tất yếu khách quan, một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển không chỉ của thị trấn, mà cả huyện Nam Đàn nói chung.
Giáp giới với thị trấn Nam Đàn, xã Vân Diên có diện tích tự nhiên 1.362 ha (gấp gần 7 lần diện tích thị trấn Nam Đàn), dân số 11.918 người (gấp 1,8 lần dân số thị trấn Nam Đàn). Vì vậy, phương án điều chỉnh, sáp nhập một phần diện tích, dân số xã Vân Diên vào thị trấn Nam Đàn là hợp lý. Hiện nay, một số công trình của huyện Nam Đàn đã xây dựng trên đất xã Vân Diên như sân vận động trung tâm.
Căn cứ Quy hoạch xây dựng, phát triển thị trấn Nam Đàn giai đoạn 2010 - 2020 đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, huyện Nam Đàn đề xuất phương án điều chỉnh 458,68 ha diện tích tự nhiên, 6.401 nhân khẩu của 10 xóm dân cư của xã Vân Diên (gồm: Nhật Đông, Nhật Quang, Vạn An, Nam Sơn, Bắc Sơn, Nam Bình, Trung Đông, Đông Tiến, Quy Chính 1, Quy Chính 2) vào thị trấn Nam Đàn.
Theo phương án này, sau khi điều chỉnh thị trấn Nam Đàn sẽ có diện tích tự nhiên 655,43 ha, dân số 12.912 người, 20 khối dân cư; xã Vân Diên có diện tích tự nhiên 901,32 ha, dân số 5.517 người, 9 xóm dân cư. Như vậy, thị trấn Nam Đàn sẽ có điều kiện thuận lợi để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, xây dựng các khu vực thương mại - dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tập trung. Huyện cũng đã tính toán các phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, giải quyết công nợ, bố trí khu vực nghĩa trang và kế hoạch sắp xếp lại kiến trúc, cơ sở hạ tầng thị trấn.
Vì sao dân chưa đồng thuận?
Tuy nhiên, người dân xã Vân Diên vẫn còn những ý kiến khác nhau về chủ trương nói trên. Khi huyện Nam Đàn tổ chức lấy ý kiến người dân hai xóm Nam Sơn và Nam Bình thì tỷ lệ đồng thuận chưa cao. Người dân đồng ý với chủ trương mở rộng địa giới thị trấn Nam Đàn, nhưng lại muốn sáp nhập toàn bộ xã Vân Diên vào thị trấn một lần. Nguyên nhân là người dân xã Vân Diên không muốn có sự “chia cắt” về mặt địa giới hành chính, về tình cảm, truyền thống của một xã có bề dày truyền thống văn hoá và anh hùng.
Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Diên cho biết: “Việc mở rộng địa giới thị trấn là một quy luật tất yếu, một chủ trương đúng, cán bộ chúng tôi hết sức đồng tình. Tuy nhiên, người dân xã Vân Diên vốn có tình cảm gắn bó nên vẫn còn những băn khoăn. Trước đây, HTX Vân Diên 1 di dân phát triển thêm HTX Vân Diên 2, nên có nhiều mối quan hệ họ tộc, huyết thống giữa người dân 2 HTX. Ví dụ như Đài tưởng niệm liệt sỹ, nghĩa trang chôn cất người quá cố… vốn chung cho cả xã Vân Diên, người dân vẫn muốn giữ gìn sự gắn bó đó”.
Về nguyên nhân huyện Nam Đàn lựa chọn phương án sáp nhập một phần diện tích Vân Diên vào thị trấn Nam Đàn, ông Nguyễn Thạc Âu, Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Do diện tích thị trấn Nam Đàn quá hẹp, nên mở rộng địa giới hành chính thị trấn là một yêu cầu bức bách. Năm 2004, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn đã đề cập đến vấn đề này. Sau khi họp bàn và xin ý kiến của Sở Nội vụ và Bộ Nội vụ, UBND huyện Nam Đàn chọn phương án trước mắt sáp nhập một phần xã Vân Diên (Vân Diên 2) vào trị trấn Nam Đàn. Nếu sáp nhập toàn bộ xã Vân Diên vào thị trấn Nam Đàn một lần sẽ không đáp ứng được các tiêu chí của đô thị loại V theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP như mật độ dân số (2.000 người/km), tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tại các khu phố xây dựng (tối thiểu đạt 65%), hệ thống các công trình hạ tầng đô thị, kiến trúc, cảnh quan đô thị… Do đó, không thể sáp nhập toàn bộ xã Vân Diên vào thị trấn cùng một thời điểm mà phải chia thành hai giai đoạn với lộ trình từ nay đến năm 2020”.
Bên cạnh những khúc mắc về tình cảm, truyền thống, vẫn còn những lực cản về mặt lợi ích, chủ yếu do người dân chưa hiểu rõ về chính sách của Nhà nước nên không muốn gia nhập địa giới hành chính thị trấn. Bà Nguyễn Thị Bẻ, thôn Quy Chính 1 cho biết: “Người dân ở đây hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chỉ sợ thành thị trấn rồi sẽ phải đóng góp cao, thuế cao...”. Còn ông Nguyễn Hữu Quyền, xóm Hồ Sơn lại cho rằng, một số hộ không muốn sáp nhập vào thị trấn vì sợ mất chế độ ưu tiên cộng điểm cho học sinh vùng nông thôn khi thi vào các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học… Một cán bộ xã Vân Diên cho biết: Hiện nay có hai luồng ý kiến, người dân ở HTX Vân Diên 1 thì cơ bản đồng tình với chủ trương của huyện, người dân HTX Vân Diên 2 thì không muốn vào thị trấn vì sợ đóng góp cao.
Như vậy, những băn khoăn, vướng mắc của một số người dân xã Vân Diên trước chủ trương sáp nhập vào thị trấn Nam Đàn chủ yếu xuất phát từ những lí do về tình cảm, truyền thống văn hoá và một phần từ lối tư duy cũ. Một số người dân chưa thấy được tính tất yếu, cấp thiết cũng như những lợi ích to lớn trước mắt và lâu dài của đề án mở rộng địa giới thị trấn. Để chủ trương mở rộng địa giới hành chính thị trấn Nam Đàn theo phương án sáp nhập một phần xã Vân Diên vào thị trấn nhanh chóng được thực hiện, thiết nghĩ các ban ngành, đoàn thể huyện Nam Đàn và xã Vân Diên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích tới mọi người dân. Đội ngũ cán bộ thôn xã cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, giải đáp những băn khoăn của người dân và đề xuất những giải pháp lên cấp trên. Khi người dân được giải toả những băn khoăn vướng mắc và thấy rõ được lợi ích nhiều mặt thì sẽ đồng thuận với chủ trương của xã, huyện và tỉnh.
Việt Dũng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt được thành tích đáng tự hào. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 2.995 căn nhà trong tổng số 3.022 căn theo kế hoạch, tương đương 99%.
Bùi Bình
00:00 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC