Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

​Nhìn thẳng sự thật, đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” việc chống dịch, mở cửa nền kinh tế

Hương Giang

Thứ hai, 08/11/2021 - 18:36

(Thanh tra) - Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tập trung ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai)

Hoàn thiện hành lang pháp lý để bác sỹ không vướng vòng lao lý

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) nhắc đến những hạn chế, yếu kém trong hệ thống y tế thời gian qua và cho rằng, đã đến lúc “thay đổi quan điểm”.

“Tất cả những gì chúng ta đã phải trả giá trong thời gian vừa qua là hệ quả để lại của hệ thống y tế chưa đủ mạnh, bên cạnh lỗi chủ quan của mỗi người, còn có lỗi của chủ trương, chính sách”, nữ đại biểu băn khoăn.

Đại biểu cho rằng, ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực và nhiều người hoạt động. Với ngành Y, phải làm sao để nhân viên y tế, đặc biệt cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển y đức để phục vụ người bệnh. Chứ không phải lúc xảy ra chuyện rồi thì sử dụng biện pháp hành chính và thủ tục tố tụng hình sự.

“Là người trong ngành Y tế, tôi rất đau lòng và chính người dân sẽ phải trả giá về việc đó”, bà Lan bày tỏ.

Cùng nội dung này, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nêu, hàng vạn bác sĩ, nhân viên y tế không quản hi sinh, gian khổ, xông pha vào tuyến đầu chống dịch để điều trị, chăm sóc cho đồng bào bị nhiễm COVID -19. Nhưng thời gian qua, cũng không ít cán bộ quản lý ngành Y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được coi là đội ngũ tinh hoa của đất nước”, ông nói.

Cho biết “không có ý bào chữa cho bất kỳ ai, bởi dù là thầy thuốc, mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh”, nhưng ông Long cho rằng, trong xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý là người thầy lại vi phạm pháp luật là hiện tượng rất đáng lo ngại về cả góc độ pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị đất nước.

Tán thành ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, theo đại biểu đoàn Đồng Nai, đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế để đề ra các giải pháp.

Quốc hội thảo luận tập trung ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Đ.X

“Những vi phạm của bác sĩ trong quản lý, điều hành các bệnh viện công lập có nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống pháp luật và quản lý điều hành ngành Y tế hay không?”, ông đặt vấn đề.

Đại biểu Long phân tích, một bác sỹ được cất nhắc làm quản lý, lãnh đạo một bệnh viện phải hội tụ nhiều yếu tố: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân và đặc biệt là năng lực chuyên môn.

Với chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành một bệnh viện công, ngoài chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, cơ sở vật chất...

Nói cách khác, giám đốc bệnh viện công lập thì không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ ở những ca phẫu thuật phức tạp nhất mà còn phải chịu trách nhiệm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế...

“Với những yêu cầu đặt ra đó, chỉ những bác sỹ có kỹ năng đặc biệt, với trình độ đặc biệt mới đảm đương được toàn mỹ những nhiệm vụ đặt ra cho họ”, ông nhấn mạnh.

Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như mô hình y tế một số nước, ông Long thấy, các bác sỹ dù giữ cương vị quản lý cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn của mình. Họ có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh. Còn nhiệm vụ cung ứng, đấu thầu, mua sắm do hội đồng chuyên trách khác đảm nhiệm.

Sau khi phân tích, theo ông Long, cùng với xử lý nghiêm các sai phạm, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công.

“Điều này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong nền kinh tế và cũng để chúng ta không phải thấy cảnh bác sỹ vướng vào vòng lao lý bởi những công việc đáng nhẽ bác sỹ không phải làm hoặc không được làm”, đại biểu Long phát biểu.

Để nền kinh tế Việt Nam “không lỡ nhịp, lỡ thì với thiên hạ”

Chính phủ dự kiến, tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 3-3,5%, nhưng theo đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) “khó có thể đạt được”. Bởi, 3 tháng cuối năm, GDP phải tăng 8,6% may mới đạt tăng trưởng cả năm 3,5%. “Năm ngoái, đại dịch tấn công với cường độ không mạnh như bây giờ, chúng ta cũng chỉ đạt tăng trưởng 2,91%. Năm nay, tôi e rất khó đạt tăng trưởng 3-3,5%”, ông nhận định.

Để phục hồi kinh tế, đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị, ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung rà soát và sửa đổi thể chế; đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất và lưu thông; cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công.

Trong khi đó, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội), dư địa của chính sách tiền tệ là không còn nhiều, nên biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đại biểu hoan nghênh chủ trương hình thành quỹ hỗ trợ 2 đến 3% lãi suất cũng như việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Với gói đầu tư công, ông Lộc đề nghị tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại, bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.

“Dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay rất cấp bách nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị không thể một chút lơ là, nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh của toàn dân, để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp, lỡ thì với thiên hạ”, đại biểu Lộc nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, “phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng chống dịch. Ngược lại, nếu không có nền tảng kinh tế thì không có lực để chiến đấu với dịch bệnh”.

Từ đó, theo ông An, cần quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở. “Đây là trụ cột phòng chống dịch nhưng thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng, vừa thiếu, vừa yếu nên khi xảy ra đại dịch thì rất vất vả và không phát huy được vai trò”, ông nói.

Đặc biệt, đại biểu An nhấn mạnh cần triển khai toàn diện, hiệu quả Chiến lược Tổng thể về phòng chống dịch COVID-19, trong đó vaccine phải là trụ cột. Theo đó, cần tính toán đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hơn nữa, nhất là ở các địa phương đang bùng dịch mạnh, cần dự liệu phương án tiêm vaccine mũi 3 và xúc tiến thuốc chữa COVID-19.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh). Ảnh: Đ.X

Từ thực tế, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nêu, sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân không cho phép giãn cách xã hội dài ngày trên phạm vi rộng. Do đó, việc mở cửa lại nền kinh tế là cần thiết và cấp bách.

“Mở cửa trở lại nền kinh tế là hết sức cần thiết và cấp bách”, ông Phương nhận định. Tuy nhiên, theo ông, tốc độ, phạm vi và tính bền vững của việc mở cửa trở lại nền kinh tế phải luôn đi được cùng với tăng nhanh hơn nữa việc đáp ứng các công cụ phòng, chống dịch. Đó là, ý thức chấp hành nghiêm túc “5K”, bao phủ vaccine, mức độ dồi dào thuốc chữa bệnh COVID-19, năng lực và trách nhiệm của y tế tuyến đầu, y tế cơ sở…

Đại biểu Phương đề nghị Chính phủ tiếp tục nỗ lực để nâng cao ý thức người dân và khả năng phòng chống dịch, đồng thời thực hiện chính sách ngoại giao vaccine, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, đảm bảo chủ động phòng chống dịch.

Còn đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đề nghị, nghiên cứu tăng cường dự báo xu hướng dịch COVID-19; tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở; đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; tiếp tục kiểm tra các hoạt động đảm bảo an sinh tại các địa phương.

“Tôi đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm cho phòng chống dịch, các gói an sinh xã hội. Cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định pháp luật, các trường hợp phát hiện có sai phạm”, bà nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng lưu ý, qua đại dịch cũng bộc lộ chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật dẫn đến ứng xử vừa không đúng. Ông đề nghị phải xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. "Xử lý để người dân biết chúng ta làm nghiêm”, ông Vân nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm