Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều “khoảng trống” trong quản lý VSATTP

Thứ năm, 20/09/2012 - 06:57

(Thanh tra)- Hiện có tới 259 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng hiệu lực các văn bản chưa cao, còn chồng chéo và tạo ra nhiều “khoảng trống” về pháp lý.

Buôn bán tại chợ rau an toàn Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội.

*Tỷ lệ tiêu chuẩn Việt Nam so với quốc tế chỉ đạt 63%.

Số liệu giám sát về ATTP nông - lâm - thủy sản do các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thực hiện trong năm 2011 cho thấy, tỷ lệ rau quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá giới hạn cho phép là 4,43% (năm 2010 là 8,6%); tỷ lệ mẫu thủy sản nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh, hoóc-môn vượt quá giới hạn cho phép là 1,38% (năm 2010 là 4,3%); tỷ lệ mẫu thịt nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép là 0,36% (năm 2010 là 1,19%).

Theo Bộ NN&PTNT, tình hình ATTP nông - lâm - thủy sản đã và đang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu vi phạm một số mặt hàng tương đối cao, chưa đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng và thị trường.

Từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường thực phẩm Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của nhiều mối đe dọa về vệ sinh (VS) ATTP như: Thông tin chất cấm - tạo nạc được sử dụng trên lợn ở Đồng Nai; ô mai chứa xí muội không bảo đảm VSATTP ở TP HCM; hàng loạt xe vận tải chở nội tạng, thịt đông lạnh thối bị các cơ quan chức năng bắt giữ... Gần đây, hiện tượng giá đỗ “bẩn” lại dấy lên nỗi lo về thực phẩm của người tiêu dùng.

Chưa kể, tại Hà Nội, hiện tượng rau không an toàn vẫn trà trộn với rau an toàn tại một số chợ đầu mối lớn như Vân Trì, Đông Anh.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo Bộ NN&PTNT là do có nhiều “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hiện có khoảng 259 văn bản điều chỉnh về chất lượng, ATTP do cơ quan T.Ư ban hành, nhưng phạm vi đối tượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, một số ngành hàng chưa có đủ hệ thống văn bản quản lý theo chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm về ATTP còn thiếu, trong khi tỷ lệ tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế chỉ đạt 63%. Chưa kể, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được rà soát toàn diện và nhìn chung còn thiếu.

Nhiệm vụ quản lý về ATTP do nhiều đơn vị thực hiện và phân công còn nhiều nội dung chưa rõ, dẫn đến sự chồng chéo. Tổ chức ở cấp huyện, xã không chuyên trách, chưa đủ năng lực triển khai nhiệm vụ, trong khi hệ thống thanh tra chuyên ngành về ATTP địa phương chưa có.

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý ATTP chỉ có thể làm tốt nếu triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; xã hội hóa; đào tạo nguồn nhân lực; cải cách hành chính… đặc biệt là tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra (cả thường xuyên và đột xuất) việc chấp hành quy định về bảo đảm ATTP, nặng nhất là rút giấy phép.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hướng dẫn đầu tư và phương thức vận hành cơ sở hạ tầng do Nhà nước và doanh nghiệp cùng góp vốn. Đồng thời, xây dựng một số chính sách tín dụng ngân hàng ưu tiên phục vụ sản xuất thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn, đặc biệt đối với một số sản phẩm có lợi thế, tiềm năng xuất khẩu và phục vụ tiêu thụ nội địa với số lượng lớn; khuyến khích các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn.

Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm