Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 24/07/2012 - 07:07
(Thanh tra) - Cách đây chưa lâu, tại Hà Nội, sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Mường Thanh (khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) thuộc Doanh nghiệp (DN) Tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - chủ đầu tư (CĐT) dự án (D.A) Đại Thanh đã thu hút số lượng lớn khách hàng đến mua nhà với giá từ 13 - 14 triệu đồng/m2. Còn, tại TP HCM, vài tuần trở lại đây, hiện tượng người dân rút tiền và đến ngân hàng (NH) vay thêm tiền để mua căn hộ, địa ốc cũng tăng đột biến.
D.A khu đô thị Đại Thanh đang “nóng” từng ngày
Muốn mua phải mất tiền chênh lệch
Vất vả lắm tôi mới có thể chen chân vào đăng ký mua một căn hộ tại sàn giao dịch BĐS Mường Thanh. Chưa kịp điền hết thông tin vào tờ đơn đăng ký mua căn hộ, cô nhân viên của sàn đã thông báo: “Căn hộ đã hết, chỉ còn tầng 30, 31”.
Gia đình tôi có 5 người, cả ông bà, vợ chồng và con gái, nếu mua căn hộ ở tầng cao, sẽ rất bất tiện cho bố mẹ già. Đang bần thần, thất vọng, tôi được mấy “cò” kéo ra sảnh với nhiều lời mời chào: “Cô cần căn bao nhiêu m2, tầng bao nhiêu, căn số mấy, bọn em có hết. Nhưng, phải chấp nhận giá chênh từ 30 - 40 triệu đồng/căn”.
Tôi đành ra về. Thế là, bao hy vọng, ước mơ để có một căn hộ đã tan biến. Không có tiền mới phải chấp nhận mua căn hộ này, thế mà lại còn thêm tiền “vênh” những 40 triệu đồng nữa, tính ra mỗi m2 bị đẩy lên giá 15 triệu đồng.
Cùng tâm trạng như tôi, chị Ngọc Anh (Định Công, Hoàng Mai) cũng chờ chực cả buổi sáng để đăng ký mua căn hộ, nhưng phải ra về trong tức tưởi. Chị bảo: “Đúng là, sàn giao dịch thực chất là một cái chợ. Chưa biết D.A sẽ triển khai tiến độ ra sao, nhưng có điều chắc chắn là người có nhu cầu mua nhà sẽ khó tiếp cận được mức giá mà CĐT đưa ra”. Mặc dù, trước đó, đại diện CĐT khẳng định: Công ty không ký kết với sàn nào vì sợ tình trạng om hàng nên nhiều khi khách hàng “cắn răng” chịu tiền chênh nhưng vẫn có thể bị “hớ”.
Thế nhưng, tại các sàn giao dịch BĐS, cái tên “Đại Thanh” đang nóng lên từng ngày.
Anh Tuấn Anh, nhân viên một sàn BĐS tại khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, đây là một chiêu bán hàng của CĐT. Số lượng người mua thực của D.A này mới chỉ khoảng 30%, còn lại là các nhà đầu cơ và các sàn BĐS đang ôm những căn vị trí đẹp, diện tích nhỏ.
Trong khi nhiều D.A đang lao đao, phải hạ giá căn hộ, chiết khấu, khuyến mại mua nhà tặng nội thất, ô tô, CĐT này lại không tốn một đồng làm truyền thông. Chính nhờ sự mập mờ thông tin, cùng với đội ngũ hùng hậu của các sàn, văn phòng nhà đất đã tạo nên sự thu hút đối với người mua.
Thế nhưng, những căn hộ loại này tại TP HCM chỉ có giá khoảng 10 triệu đồng/m2, tiến độ bảo đảm, đầy đủ nội thất, người mua nhà còn có thể ở ngay và trả tiền không lãi suất trong nhiều năm.
Mới đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã giảm giá 50% căn hộ tại các D.A, kéo theo nhiều CĐT cũng bắt đầu giảm giá bán. Những căn hộ có diện tích nhỏ đang có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây chỉ là giảm giá để bán được hàng, theo yêu cầu của bản thân DN, chứ chưa tới cái giá cần phải hạ.
NH tung lắm “chiêu” - người mua nhà vẫn khó vay tiền
Khảo sát tín dụng ở một số NH trên địa bàn TP HCM và Hà Nội cho thấy, 2 mức lãi suất cho vay thuộc 2 nhóm sản xuất và phi sản xuất nay đã không còn chênh lệch lên tới 5 - 7% như năm 2011. Thậm chí, ở một số NH đang có các chương trình hỗ trợ vay mua địa ốc, tiêu dùng, lãi suất còn “dễ thở” và điều kiện để xét hồ sơ cho vay cũng ít ngặt nghèo hơn so với lãi suất cho vay dành cho khách hàng tổ chức, DN. Thậm chí, ở một số nơi, người vay còn được hưởng lãi suất 0% ở tháng đầu tiên. Hạn mức cho vay tại NH này lên tới 70% giá trị tài sản thế chấp.
Nhiều DN cho rằng, vay mua BĐS hiện nay thậm chí còn… dễ hơn vay để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cán bộ NH của BIDV giải thích: Ưu đãi vay mua BĐS dễ vì giao dịch hiện nay đang rất trầm lắng. Mà BĐS trầm lắng ảnh hưởng nhiều bên: CĐT tham gia bỏ vốn vào D.A mà không bán được hàng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh mà ở đây chủ yếu là các DN lớn. Bên cạnh đó, NH cũng rót vốn vào D.A, không thu hồi được vốn thông qua việc bán nhà, có thể xảy ra khủng hoảng về mặt tài chính của NH.
“NH ưu đãi nhiều, gói kích cầu được đưa ra rất hấp dẫn cộng thêm giá nhà giảm, phù hợp hơn với túi tiền của người dân, chính vì vậy, khách hàng đến vay tại các NH rất nhiều”, một cán bộ của NH An Bình cho biết.
Tuy vậy, người vay mua địa ốc với nhu cầu thực lại cho rằng, không hoàn toàn dễ vay và cũng không hẳn được hưởng lãi suất ưu đãi như tên gọi của các chương trình ưu đãi mà nhiều NH đặt ra.
Một số nhân viên NH cũng thừa nhận rằng đó chỉ là “chiêu” mà các NH tung ra để câu khách, kích thích những người có tiềm năng về tài chính thực sự. “Khi tài trợ vốn, cũng như khi cho vay ưu đãi, NH luôn yêu cầu điều kiện về khả năng thu hồi được vốn chứ không phải ai muốn cũng vay được. Những người không có khả năng thanh toán cả gốc, lãi cũng như không có tài sản thế chấp, muốn vay cũng không được. Hồ sơ vay phải chứng minh được anh có năng lực tài chính, có nhân thân tốt… để NH có thể tin tưởng… Không phải vay hỗ trợ là vay tràn lan”, một cán bộ NH khẳng định.
Theo một cán bộ NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tính tới thời điểm này, việc mua theo kiểu D.A trả góp ít vì giao dịch vẫn chậm, phần lớn các khách hàng mua nhà có sẵn, mua tích lũy. Do đó, khách hàng vay trong thời gian vừa qua chủ yếu là cá nhân - những người có tiền, có khả năng tích lũy cho bản thân, chứ không phải những người có nhu cầu thật.
Hiện nay, giá nhà đất vẫn chưa phải giá gốc cho những người có nhu cầu thật để mua. Người dân có số tiền tích góp chừng 1 tỷ đồng, mua nhà vẫn rất khó, ít nhất phải tầm 2 tỷ đồng. Trong khoảng 100 món vay thì chỉ khoảng 5 - 10 món của những người có nhu cầu mua nhà thật, nói chung là tỷ lệ này rất ít.
Vì vậy, để thị trường địa ốc thực sự sôi động, để người vay có thể mạnh dạn vay địa ốc mà không phải đắn đo, lãi suất cho vay phải thực giảm xuống mức 12%/ năm. Song song, các căn hộ phải hạ giá cũng như tương lai các DN phải cơ cấu lại sản phẩm có diện tích m2 nhỏ để trị giá căn hộ thấp xuống, phù hợp với túi tiền của người có nhu cầu thực.
Có một thực tế hiện nay là, người mua nhà “nửa tin, nửa ngờ” khi giá nhà xuống thấp so với trước đây. Bởi, dư luận lo ngại, đây là chiêu hút vốn của CĐT để trả các khoản nợ NH, còn D.A khởi công xong lại tiếp tục “đắp chiếu”.
Tại cuộc họp báo do NH Nhà nước tổ chức chiều 12/7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước cho biết, nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 31/3 là hơn 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Về dư nợ cho vay kinh doanh BĐS, tính đến cuối tháng 5 là khoảng 197.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ không lớn trong tổng số dư nợ là 2,6 triệu tỉ đồng. Nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh BĐS khoảng 12.000 tỉ đồng, tương đương 6,5% dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS. Số nợ xấu cho vay BĐS chiếm tỉ lệ không phải là lớn, khoảng 10,3% trong tổng nợ xấu hệ thống NH. Nếu xét các khoản nợ xấu được bảo đảm bằng BĐS thì có tỉ lệ khoảng 180%.
Trà Vân
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang