Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 15/09/2012 - 16:01
(Thanh tra) - Chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt về nhân lực ngành Y tế đến năm 2010 là 10.000 dân phải có trên 7 bác sĩ (BS) và 1 dược sĩ đại học (DSĐH). Tuy nhiên tính đến năm 2012, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa có tỉnh, thành nào đạt được yêu cầu của 2 năm về trước. Vấn đề nhân lực cho ngành Y tế ở khu vực này đang thực sự là bài toán nan giải.
Rất nhiều trạm y tế xã phường ở ĐBSCL cần thêm bác sĩ…
Điệp khúc thiếu!
Theo thống kê của Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ, đến cuối tháng 12/2011, toàn vùng có 9.739 BS, 1346 DSĐH, đáp ứng khoảng 75,3% chỉ tiêu đã phê duyệt. Trên thực tế, không chỉ thiếu trên toàn vực, nhân lực y tế ở ĐBSCL còn chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố mà phần yếu kém thường nghiêng về các tỉnh được xem là nghèo khó, đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo.
Ở TP. Cần Thơ hiện có 6,84 BS/10.000 trong khi Sóc Trăng, Hậu Giang chỉ có lần lượt 3,78 BS và 4,05 BS/10.000 dân. Các tỉnh đang thiếu nhiều BS nhất hiện nay là An Giang: 508 bác sĩ, Sóc Trăng: 458 BS và Tiền Giang: 363 BS. Riêng ở Kiên Giang, theo bộc bạch của Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Thanh Tùng: “Nhiều xã đảo, huyện đảo đang thiếu BS trầm trọng. Như xã đảo Thổ Chu có hơn 4.000 dân mà không có một bác sĩ nào. Người dân ở đây nhiều năm nay chỉ trông chờ vào sự chăm sóc, chữa trị của hai BS thuộc lực lượng Hải quân Vùng 5”. Về DSĐH, tính trên 10000 dân, tỉnh Đồng Tháp đang dẫn đầu với 1,72 DSĐH, kế đến là TP. Cần Thơ: 1,61 DSĐH. Trong khi đó, các tỉnh An Giang, Tiền Giang chỉ có 0,48, Sóc Trăng: 0,42 và Kiên Giang: 0,38 DSĐH.
Để giải bài toán thiếu nhân lực, nhiều tỉnh vùng ĐBSCL cho rằng, cần phải “chạy đua” đào tạo đội ngũ BS, DS. Mới đây, ngày 10/8, tại Hội nghị “Đào tạo nhân lực y tế ĐBSCL năm 2012” do Trường ĐHYD Cần Thơ tổ chức, đa số lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh đều tha thiết đề nghị Trường ĐHYD Cần Thơ tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ. Thậm chí, có lãnh đạo Sở Y tế một tỉnh còn nghèo phát biểu: “Con thì đứa nào mà cha mẹ hổng thương nhưng đứa nghèo thì nên thương nó hơn (!). Tỉnh tôi vì còn nghèo nên nhiều em học dở. Mà học dở thì điểm thấp, khó tuyển. Vì thế, lãnh đạo trường nên xem xét giảm điểm xét tuyển và tăng chỉ tiêu đào tạo cho tỉnh để chúng tôi có điều kiện bổ sung nguồn nhân lực y tế”.
Sức hút cũng thua thiệt!
Thế nhưng, việc tha thiết đề nghị tăng chỉ tiêu xét tuyển đào tạo BS, DSĐH mới chỉ là chăm lo khoản “đầu vào”. Trong khi đó, việc tuyển dụng, thu hút các BS, DSĐH sau khi đào tạo đồng ý quay về quê hương phục vụ lại là một bài toán khác, nan giải hơn nhiều đối với ĐBSCL. Thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn những sinh viên ĐBSCL sau khi tốt nghiệp ĐHYD TP. Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo y dược khác không về công tác tại địa phương. Họ thường chọn các thành phố lớn để trụ lại hành nghề và tìm cơ hội phát triển tiếp. Vì thế, số sinh viên y dược chính quy ra trường hàng năm đều tăng nhưng số BS, DSĐH tại các tỉnh ĐBSCL không tăng tương ứng.
Bác sĩ Võ Thị Chín, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, than vãn: “Tiền Giang cách TP. Hồ Chí Minh chỉ 70km nhưng sinh viên y dược quê Tiền Giang không chịu về tỉnh mà ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc. Có lẽ Tiền Giang còn nghèo nên khó thu hút các BS trẻ?”. Không biết có phải cũng vì lý do là một tỉnh “còn nghèo” hay không mà bác sĩ Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cũng than: “Cách đây một năm Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thông qua Đề án thu hút nguồn nhân lực y tế cho Sóc Trăng với nhiều chế độ ưu đãi. Thế nhưng đến nay, cả tỉnh mới thu hút về được… 1 BS chuyên khoa cấp 1”.
Con số thống kê gần đây cho thấy, chỉ có từ 23,61% - 38,29% sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHYD Cần Thơ năm 2011(đối với 4 ngành: BS đa khoa, BS Răng hàm mặt, DSĐH, cử nhân điều dưỡng) về làm việc tại các cơ sở y tế địa phương. Đối với ngành BS Răng hàm mặt, ở các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre không có sinh viên nào sau khi tốt nghiệp về địa phương công tác. Đối với ngành DSĐH, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Long An, Bạc Liêu.
Đào tạo BS, DSĐH đã khó; thu hút về địa phương để sử dụng lại càng nan giải hơn, trong khi nguồn nhân lực y tế ĐBSCL luôn thiếu và yếu. Trong tâm trạng bức xúc, một vị lãnh đạo ngành Y tế tỉnh Bến Tre đề xuất: “Bộ Y tế nên xem xét lại, em nào được đào tạo theo địa chỉ sau khi tốt nghiệp phải về địa phương công tác ít nhất 2 năm mới được cấp bằng”. Đó chỉ là đề xuất giải pháp hành chính. Trên thực tế, tình trạng các tỉnh cạnh tranh nhau thu hút nguồn nhân lực y tế; các BS, DSĐH thiếu điều kiện làm việc, thăng tiến ở những nơi còn nghèo khó; chính sách đãi ngộ cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa chưa hợp lý… khiến chuyện giải quyết nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL cứ trong vòng lẩn quẩn.
Bảo Hân
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt được thành tích đáng tự hào. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 2.995 căn nhà trong tổng số 3.022 căn theo kế hoạch, tương đương 99%.
Bùi Bình
00:00 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC