Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Một thách thức về nguồn nhân lực trong tương lai

Ngô Quốc Đông

Thứ hai, 29/07/2024 - 17:03

(Thanh tra)- Hiện nay chúng ta thấy rõ nhiều thực trạng liên quan đến việc già hóa dân số ở Việt Nam. Rõ nhất là vùng nông thôn, nhiều cánh đồng bỏ không hoặc xơ xác vì không có người chăm bón. Lực lượng lao động ở nông thôn ngày nay chủ yếu là người lớn tuổi, vì người trẻ ra thành phố kiếm việc bỏ lại đồng ruộng cho người già trồng cấy.

Người trẻ ra thành phố kiếm việc bỏ lại đồng ruộng cho người già trồng cấy. Ảnh: Internet

Theo một số phân tích, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Vào năm 2019, số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số, và con số này dự kiến sẽ vượt qua 25% vào năm 2050. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn từ một xã hội “già hóa dân số” sang xã hội “già”.

Để hạn chê nguy cơ này, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 558 về “chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” nhằm khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và hỗ trợ các gia đình sinh đủ hai con tại các thành phố có tỷ suất sinh thấp. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Mức tăng dân số như Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chậm lại, nguy cơ già hóa và khủng hoảng lao động vẫn đang đặt ra.

Sự già hóa nhanh chóng của dân số dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Với mặt bằng lương so với khu vực, thì khi Việt Nam già hóa dân số, rất khó thu hút lao động nước ngoài như các nước, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Đây thực sự là một nguy cơ về nguồn nhân lực cho chúng ta trong tương lai.

Ngoài ra, vấn đề già hóa dân số sẽ kéo theo nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng, đặc biệt là đối với người cao tuổi và phụ nữ lớn tuổi. Việt Nam có hệ thống an sinh xã hội khá phát triển, nhưng tương lai gánh nặng dân số già sẽ tạo áp lực không nhỏ với hệ thống này.

Cũng như nhiều nước khác trong khu vực, sự già hóa dân số ở Việt Nam không chỉ do giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn còn do tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tỷ lệ sinh thấp trong các thập kỷ qua đã ảnh hưởng lớn đến cấu trúc dân số của Việt Nam, đẩy nhanh quá trình già hóa.

Rõ ràng các yếu tố văn hóa truyền thống và sự thúc đẩy của một số giải pháp hỗ trợ sinh con đã không đủ động lực khiến nhiều cặp đôi quyết định gia tăng mức sinh con. Họ đang chịu nhiều áp lực như: Nuôi dạy con cái, công việc, kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp, cơ hội thăng tiến. Những áp lực này đều góp phần khiến người trẻ ngại sinh con và kết hôn.

Để khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con sớm, cần có các giải pháp đồng bộ để giảm áp lực cho họ. Đồng thời Chính phủ phải có chiến lược khoa học sử dụng những đóng góp của người già cho xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm