Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lòng tốt bị tổn thương

Chủ nhật, 07/09/2014 - 09:53

(Thanh tra) - Ngày 3/9, Công an phường 8, TP Cà Mau đã xử phạt hành chính 200.000 đồng đối với Nguyễn Hoàng Anh (tên thường gọi là Hào Anh, 18 tuổi) về hành vi ngược đãi mẹ đẻ và cha dượng.

Hào Anh nhận tiền tài trợ từ các tổ chức thiện tâm. Ảnh: Kênh 14

Điều đáng buồn là 4 năm về trước, Hào Anh là một đứa bé bị ngược đãi, sau đó nhờ các cơ quan, tổ chức và nhà thiện tâm chung tay cứu. 4 năm sau, trong ngôi nhà thiện tâm do các nhà hảo tâm đóng góp, lại chính Hào Anh đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà! Một câu chuyện nhưng có nhiều lời bàn, nhiều ý kiến cho rằng trường hợp như vậy thì nên cho cần câu hay cho con cá, lòng tốt bị tổn thương... 

Bố bỏ đi, mẹ nuôi 2 anh em sinh đôi. Rồi mẹ đi bước nữa với người đàn ông khác, sinh tiếp một bé gái. Gia cảnh nghèo, mẹ đẻ và cha dượng gửi Hào Anh vào chủ trại tôm Minh Đức do vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm quản lý. 

Những tưởng con trai mình ăn nhờ ở đợ, kiếm được bát cơm ăn, dần dần sẽ trưởng thành, tự lo được cuộc sống như bao đứa trẻ ở vùng quê khốn khó vùng đất Mũi. Nhưng rồi Hào Anh bị đối xử tàn tệ, cơ thể đầy thương tích do những trận đòn roi chí tử. Hào Anh được các cơ quan, tổ chức đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, sau đó trở về với gia đình.

Thương cảm với một mảnh đời như Hào Anh, các cơ quan truyền thông vào cuộc, các nhà thiện tâm đã đóng góp cho Hào Anh số tiền trên 800 triệu đồng. 

Đủ 18 tuổi, Hào Anh được tiếp nhận số tiền thiện tâm trên. Với số tiền này, mẹ Hào Anh đã chi 600 triệu để mua đất và xây một ngôi nhà mới để cả gia đình chung sống. 50 triệu đồng người mẹ gửi tiết kiệm với cuốn sổ mang tên Nguyễn Hoàng Anh, phòng khi Hào Anh ốm đau hoặc để chi phí cho chuyện lập gia đình sau này. Một phần trong số tiền còn lại, Hào Anh đã mua một xe máy mới và sau đó 3 lần đổi xe. Hào Anh bị phạt nhiều lần do vi phạm quy định về tham gia giao thông với số tiền lên đến hàng triệu đồng.

Có tiền, Hào Anh sắm điện thoại xịn và thay điện thoại thường xuyên. Mẹ Hào Anh muốn con trai có một việc làm ổn định. Hào Anh đã 2 lần đi  tìm việc nhưng sau một thời gian thì bỏ nghề. Hào Anh có một mối tình, chi phí cho cuộc tình này cũng khá tốn kém như mua sắm laptop... và  rút sổ tiết kiệm 50 triệu đồng đưa cho người yêu.

Không có việc làm nhưng Hào Anh tiêu tiền phóng túng, bị gia đình rầy la và giọt nước đã tràn ly. Sau 10 lần đập phá đồ đạc, đòi đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà, lần mới đây nhất, Hào Anh đập phá tài sản và ném toàn bộ tư trang của gia đình, đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà. Họ phải đi thuê nhà ở riêng.

Hành vi ngược đãi trên tuy đã được cơ quan chức năng xử lý và khuyên giải, và Hào Anh đã hối hận, song, đây là câu chuyện giáo dục sâu sắc đối với nhiều người, tổ chức, cơ quan.

Thứ nhất, ở vùng đất nghèo Cà Mau còn có bao nhiêu đứa bé có hoàn cảnh khó khăn như Hào Anh, đành rằng sự ngược đãi có thể chưa đến mức như Hào Anh, nhưng với số tiền hơn 800 triệu đồng cho một chàng thanh niên 18 tuổi đầu thì đúng là một đại gia đất nghèo! 

Trong  ý thức, rất có thể Hào Anh ngộ nhận mình là người nổi tiếng. Số tiền đó là hoàn toàn của mình, mình có quyền sử dụng vào mục đích riêng. Một khoản tiền quá lớn mà không hề phải đổ mồ hôi, nhưng sự thật Hào Anh đã hiểu được giá trị của đồng tiền, đó là Hào Anh đã đi làm bốc vác với thu nhập 100 nghìn đồng/ngày. Nếu trừ chi phí ăn uống, xăng xe đi lại thì mỗi ngày Hào Anh chỉ tằn tiện tích góp được vài chục ngàn đồng. 

Với số tiền trên 800 triệu thì Hào Anh phải lao động suốt một đời người! Có nhiều cách giải thích cho hành động của Hào Anh, đó là cách nuôi dạy của cha mẹ, Hào Anh không được học đầy đủ ở trường, dư chấn về một quá khứ đau thương, đặc thù tâm lý của lứa tuổi mới lớn...

Các nguyên nhân chỉ ra đều đúng, nhưng từ câu chuyện Hào Anh ngược đãi bố mẹ thì các cơ quan tổ chức và người thiện tâm cũng nên xem xét lại giải pháp cứu người: Nên cho cần câu hay cho con cá? Trường hợp Hào Anh đã được con cá to và đã đánh chén con cá đó. Điều tệ hơn là Hào Anh đã gạt những người ruột thịt ra khỏi mâm cỗ. Ăn hết cá, không nghề nghiệp, không kiến thức học hành, với cá tính ngang ngược như hiện tại thì trong con người này đang ẩn chứa nhiều điều bất thường.

Thứ hai, nếu trước đây cho Hào Anh một cái cần câu, dạy cho Hào Anh cách câu cá thì rõ ràng đã không xảy ra những chuyện đau lòng như Hào Anh đã từng ngược đãi cha mẹ nhiều lần. 

Khoản tiền của các nhà thiện tâm nên phối hợp với các tổ chức, trung tâm dạy nghề để cho em có được một cái nghề cầm tay, bởi cha ông đã từng có câu: “Ruộng bề bề không bằng có nghề cầm tay”.

Thậm chí với một khoản tiền lớn như thế, giúp em đầu tư vào một tổ chức, công ty cổ phần nơi em kiếm được ở đó một việc làm để em gắn bó và phát huy hiệu quả của đồng tiền. Việc bàn giao cả một số tiền lớn cho Hào Anh “tự tung tự tác” là bài học đắt giá.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không được hưởng một khoản tiền nhiều như thế thì Hào Anh cũng không đến nỗi hư hỏng đến thế. Nhận xét này có được sự đồng thuận cao bởi tâm lý của một đứa trẻ thiếu giáo dục, thiếu tình thương của người ruột thịt bị ảnh hưởng nặng nề dư chấn về đánh đập, hành hạ thì sự ngộ nhận mình là người nổi tiếng cũng như sự hằn học cuộc đời là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là một bài học đắt giá về giáo dục trẻ cá biệt cũng như các hoạt động từ thiện trong xã hội ta.

Với những cá nhân, tổ chức thiện tâm, họ suy nghĩ gì khi dư luận đang xôn xao về chuyện Hào Anh dốc hết tiền cho người tình và ngược đãi cha mẹ? Những đồng tiền nặng tình, nặng nghĩa, nặng triết lý cưu mang của họ đã đến đúng người, đúng địa chỉ, song lòng tốt của họ đang bị tổn thương. Còn nhiều cảnh ngộ đang rất cần sự cưu mang của các nhà thiện tâm, nhưng liệu họ có do dự chuyển tiền khi câu chuyện Hào Anh đã làm họ thất vọng? Người thực hiện bài viết này chắc chắn rằng họ sẽ không do dự đi tìm các địa chỉ, các mảnh đời cần được chở che, bởi vì Hào Anh là trường hợp cá biệt, lại trả về cho gia đình hơi sớm. Nhưng họ tin Hào Anh sẽ thức tỉnh.

Nhiều năm nay, từ các trại trẻ mồ côi, các trung tâm giáo dục, giáo dưỡng... nhiều trẻ em cá biệt đã vượt khó vươn lên trở thành những nhà doanh nghiệp, diễn viên, ca sĩ... nổi tiếng. Hầu hết những đứa trẻ được nuôi dạy từ đó đều trở thành những công dân tốt của xã hội.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm