Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lợi dụng tình hình bão, lũ để tung tin sai sự thật, vì sao vẫn khó xử lý?

Hoàng Nam

Thứ hai, 23/09/2024 - 14:14

(Thanh tra) - Những ngày qua, miền Bắc chịu hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra. Trong đợt thiên tai này, thông tin tình hình bão lũ miền Bắc được lan truyền nhanh chóng, giúp cơ quan chức năng, người dân nâng cao ý thức phòng, chống. Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng xuất hiện không ít tin tức sai sự thật, gây hoang mang dự luận, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão lũ.

Việc phát tán tin giả đang ngày càng phức tạp và ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội. Ảnh: TTM

Siêu bão Yagi (cơn bão số 3) đã đi qua và để lại những thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản đối với các tỉnh miền Bắc nước ta. Người dân cả nước và cả hệ thống chính trị đều chung tay, hướng về đồng bào bị thiệt hại do cơn bão gây ra để hỗ trợ và chia sẻ với những khó khăn, mất mát.

Bên cạnh đó, trong lúc cơn bão quét qua, sau khi đã suy yếu và tan đi, không ít người đã nhân sự kiện này tung tin sai sự thật, nhằm đạt được những mục đích cá nhân, gây không ít bức xúc cho dư luận và xã hội. Có thể kể đến như việc 3 trường hợp đăng thông tin thất thiệt về mưa lũ tại địa bàn tỉnh Hà Nam; 02 trường hợp tung tin sai sự thật về việc vỡ đê ở Hải Dương hay 4 trường hợp tung tin vỡ đê tại Bắc Giang.

Những thông tin sai sự thật này đã khiến cho người dân thêm hoang mang, lo lắng, làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão và cuộc sống bình thường của người dân.

Dư luận không khỏi bức xúc và đặt câu hỏi, vì sao dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, cảnh báo, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp nhưng mỗi khi có vấn đề, những sự kiện thu hút sự chú ý của người dân, tin giả lại liên tục xuất hiện?

Những nỗ lực đấu tranh chống tin giả

 Để đấu tranh với vấn nạn tin giả, lừa đảo trực tuyến, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã xây dựng trang web tingia.gov.vn để tiếp nhận phản ánh về tin giả, công bố các tin giả; Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hợp tác cùng Google ra mắt trang web Dauhieuluadao.com (dấu hiệu lừa đảo) nhằm nâng cao nhận thức của người dùng về lừa đảo trực tuyến; Google còn cung cấp một biểu mẫu tại địa chỉ safebrowsing.google.com để người dùng có thể báo cáo các trang web lừa đảo trực tuyến.

Gần đây, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông (gồm Cục An toàn Thông tin, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Cục Viễn thông) và Công an TP Hà Nội đã tiến hành ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa các đơn vị, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ thông tin và an ninh mạng, dù hành vi tung tin giả, sai sự thật trên mạng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Thậm chí, trong trường hợp hành vi tung tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án có thể lên đến 20 năm tù. 

Thế nhưng, đối với những người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOLs, những người kinh doanh online… khi dùng chiêu trò tung tin giả để câu view, thu hút sự chú ý để bán được nhiều hàng hóa hơn, thì với mức xử phạt từ như trên là không đủ sức răn đe. Đối với bộ phận này, cũng không có mức xử phạt chung nào để có đủ sức răn đe, bởi vì, với những người nhận được hợp đồng quảng cáo trị giá hàng tỷ đồng, thì việc họ có bị mức xử phạt hàng trăm triệu, họ cũng chấp nhận.

Thực tế là rất khó để ngăn chặn tin giả và việc kiểm chứng để nhận biết đâu là tin giả cũng không hề đơn giản. Bởi vì tin giả thường được tạo dựng rất tinh vi nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các công nghệ như deepfake và trí tuệ nhân tạo; các đối tượng khéo léo gắn với những sự kiện có thật, đang diễn ra, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người, khiến người đọc, người xem khó phân biệt với tin thật.

Tin giả có thể lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, thậm chí, nhanh hơn nhiều so với tin thật. Có một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội thường chia sẻ thông tin ngay, mà không kiểm chứng nguồn gốc hoặc tính xác thực của nó, điều này càng làm tăng tốc độ lan truyền của tin giả.

Không khó để nhận diện mục đích của các đối tượng tung tin giả, đó là lợi dụng các sự kiện đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận để tung tin giả, là nhằm thu hút lượt xem, lượt chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội, từ đó kiếm tiền qua hoạt động quảng cáo hoặc bán hàng; có những đối tượng sử dụng tin giả để kích động, chống phá, đả kích các cơ quan, chính quyền; một số người lại chỉ đơn giản là muốn nổi tiếng hoặc thu hút sự chú ý bằng cách tung tin giật gân, gây sốc; một số người không nhận thức được hậu quả của việc lan truyền tin giả và vô tình chia sẻ thông tin sai lệch.

Nhận biết và phòng tránh tin giả

Để nhận biết và phòng tránh tin giả, tiếp tay cho việc phát tán tin giả, người sử dụng mạng xã hội luôn cần phải kiểm tra nguồn gốc của thông tin. Nếu thông tin đến từ một nguồn không rõ ràng hoặc không đáng tin cậy, cần phải cảnh giác, đọc kỹ nội dung thông tin, so sánh thông tin với các nguồn tin chính thống hoặc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, các hình ảnh và video đều có thể bị chỉnh sửa hoặc làm giả, người dùng cần trang bị kỹ năng sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh ngược để kiểm tra nguồn gốc của chúng. Thậm chí, trước những thông tin quá tích cực, quá tốt đẹp hoặc quá tiêu cực, người đọc cũng cần phải cảnh giác, vì rất có thể đó là tin giả, nên rất cần kiểm chứng thận trọng trước khi chia sẻ.

Thực tế là có rất nhiều người dùng mạng xã hội dễ dàng like hoặc share một dòng trạng thái của người khác, khi đó, trong rất nhiều lần chia sẻ mà không cân nhắc, tìm hiểu kỹ nội dung sẽ rất dễ chia sẻ nhầm những nội dung hoàn toàn giả mạo, sai sự thật. Tiếp đó, những bạn bè của người đó lại rất có thể sẽ tiếp tục chia sẻ nội dung giả mạo, và cứ thế, tin giả sẽ được lan truyền rất nhanh.

Nhiều người vẫn có quan niệm rằng tin giả chỉ mang nội dung tiêu cực nhưng thực tế, có nhiều tin giả mang cả những nội dung tích cực, nhân đạo và cũng được lan truyền rất nhanh (ví dụ như trường hợp một số người nổi tiếng đăng hình ảnh ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt trong cơn bão số 3 với số tiền rất lớn, nhưng thực tế, số tiền họ ủng hộ thấp hơn rất nhiều).

Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện tin giả, người dùng có thể báo cáo cho các cơ quan chức năng hoặc sử dụng các công cụ trực tuyến (như đã nêu ở trên) để báo cáo, kịp thời ngăn chặn, cảnh báo và giảm thiểu tác động của tin giả. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng kiểm chứng thông tin sẽ giúp người dùng mạng xã hội tránh được những tin giả và bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng khỏi những thông tin sai lệch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

“Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”- những giá trị lần đầu công bố

“Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”- những giá trị lần đầu công bố

(Thanh tra) - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Sun Group và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA đã ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”. Vượt qua giá trị của một cuốn sách nghệ thuật, đây có thể xem như một công trình sử liệu học thuật, dưới góc nhìn trẻ và đầy tính nghệ thuật về vẻ đẹp kiến trúc của Hà Nội qua các thời kỳ.

TC

10:36 07/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm