Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lộ… vàng

Thứ bảy, 10/11/2012 - 07:03

(Thanh tra) - Từ 25/5/2012, Ngân hàng Nhà nước chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, và giữ độc quyền dập vàng miếng SJC cũng là để siết thị trường vàng, đặc biệt là ngăn chặn vàng lậu, vàng giả. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, mọi thương hiệu vàng miếng khác đều có giá trị lưu thông trên thị trường như nhau.

Nói nghe vậy, chứ về tâm lý khi SJC đã là thương hiệu vàng miếng quốc gia rồi thì ai cũng muốn chuyển đổi các thương hiệu vàng khác mình đang có thành ra SJC. Thế nhưng bắt đầu thấy có tồn tại nghịch lý là muốn chuyển đổi sang vàng miếng SJC, người dân phải thông qua các công ty vàng, hoặc ngân hàng chứ không thể trực tiếp mang đến Công ty SJC để đổi. Nghịch lý này cũng là sự bắt đầu cho “nhiều khổ” chủ giữ vàng…

Chị Thanh ở Hà Nội cho biết, hai lượng vàng Rồng Thăng Long, trước đây mua giá xấp xỉ vàng miếng SJC, nay đến bán lại cho đúng nơi mua ngày trước là Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu đã “mất” đứt 3,4 triệu đồng/lượng. Tương tự, anh Trần Ngọc Tuấn ở Bình Tân; Chị Vân ở Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, khi mang vàng miếng Thần tài Sacombank (SBJ) ra bán cho chính Sacombank, thì giá mua vào thấp hơn giá niêm yết cả triệu đồng/lượng. Chị Vân nói, biết là bất hợp lý nhưng không còn chọn lựa nào khác, vì các tiệm không mua loại vàng nào khác ngoài SJC. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều thương hiệu vàng miếng khác như AAA…

Rõ là người dân không ai bảo vệ từ cái nghịch lý không thể trực tiếp mang vàng đến Công ty SJC để đổi. Dẫu biết rằng phí chuyển đổi chỉ 50 nghìn đồng/lượng, mà phải cắn răng bán lỗ mỗi lượng đến vài triệu đồng (?).

Vì sao các doanh nghiệp vàng và ngân hàng mua lại vàng do chính họ bán ra với giá thấp hơn so với vàng SJC, trong khi phí chuyển đổi ra vàng SJC chỉ có 50.000 đồng/lượng? Phải chăng từ độc quyền này sinh ra độc quyền khác, khi chỉ có các công ty và ngân hàng mới có quota chuyển đổi sang vàng SJC, cũng từ đây mà hưởng được chênh lệch lớn…

Thông tin từ Công ty SJC còn cho biết, kết quả kiểm tra gần 53.000 lượng vàng, có đến 9,04% không đạt, cá biệt có doanh nghiệp vàng không đủ tuổi chiếm đến 55,71%. Đó là chưa kể chỉ trong vòng hai tháng, qua kiểm định Công ty SJC còn phát hiện gần 300 lượng vàng nhái thiếu chất lượng… 

Trở lại thời điểm trước 25/5/2012, thử đặt câu hỏi: Các thương hiệu vàng miếng Rồng Thăng Long, AAA, SBJ ai đã cấp phép cho những công ty này sản xuất? Ai kiểm định chất lượng vàng miếng của những thương hiệu này? Để rồi giờ đây khi kiểm định, Công ty SJC lại có kết quả như trên? Nói là trước đây Nhà nước gần như “bỏ ngỏ” thị trường vàng miếng, song không thể nói là không ai có trách nhiệm xử lý việc này.

Tổng giám đốc một công ty vàng tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh giải thích, sở dĩ các thương hiệu vàng khác vẫn “mua rẻ” của người dân vài triệu đồng/lượng vì trước đây họ đã mua vàng của người dân cất trong kho chờ cho phép chuyển đổi. Chi phí lãi vay, rủi ro do biến động giá và các chi phí vô hình khác được các đơn vị kinh doanh tính vào chi phí và trừ vào giá mua vàng của người dân.

Một chuyên gia cũng nghi vấn, khả năng nhiều đơn vị xin hạn mức chuyển đổi số lượng vàng rất lớn, nhưng trong kho không có lượng vàng tương ứng. Lợi dụng việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 3 - 4 triệu đồng/lượng, nhiều đơn vị đã tranh thủ dập vàng sau đó đem sang Công ty SJC gia công hưởng chênh lệch.

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thành Long cho rằng, các công ty vàng phải có trách nhiệm với thương hiệu vàng của mình. Đương nhiên trong thời gian chờ đợi NHNN cho phép chuyển đổi sang vàng miếng SJC, người kinh doanh bị thiệt hại vì phải chịu chi phí do lãi suất, rủi ro nhưng chi phí này không nhiều so với mức lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu được khi chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Ở đây cần đặt vấn đề phạm trù đạo đức kinh doanh ở đâu khi chỉ lo thu lợi cho chính mình mà không quan tâm đến quyền lợi của khách hàng.

Vậy là đã rõ, trước 25/5/2012, người mua vàng một lần bị ăn gian chất lượng; sau 25/5/2012 người bán vàng một lần nữa bị chẹt giá công khai. Mọi hành vi mua gian bán lận, đâu thiếu khung pháp lý chế tài, cho dù sự chia sẻ về phạm trù đạo đức kinh doanh như ông Nguyễn Thành Long nói là không thừa.

Vì bị thiệt hại kép với chỉ một miếng vàng, đã có người dân bức xúc: Cần xem xét trách nhiệm các ngân hàng thương mại huy động vàng bù đắp trạng thái âm, gây lũng đoạn thị trường…

    Bút Chì

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm