Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lễ lạt còn lãng phí

Chủ nhật, 27/10/2013 - 08:39

(Thanh tra) - Trong cuộc họp sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch Quý IV sáng 16/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đưa ra đề xuất các lãnh đạo, cán bộ trong ngành nên đi lại bằng máy bay giá rẻ.

Lời kêu gọi của người đứng đầu ngành Giao thông vận tải đưa ra với tinh thần vận động là chính, nhằm thực hiện mục tiêu tiết kiệm. Tinh thần này nhất quán với những lời kêu gọi lẫn quan điểm mà ông luôn nhấn mạnh kể từ ngày nhậm chức đến nay. 

Tuy nhiên, không ở hình thức này thì hình thức khác, cấp dưới của ông vẫn chưa thấu hiểu được tinh thần đó, khiến cho sự lãng phí còn tràn lan. Mới đây nhất là Lễ khởi công cầu Cao Lãnh diễn ra ngày 19/10/2013 tại Đồng Tháp. Thành phần tham dự có đến gần 1000 đại biểu. Từ khách quốc tế, lãnh đạo trung ương (và tùy tùng) đến lãnh đạo các tỉnh thành (và tùy tùng) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Một chuyên viên của chính Bộ Giao thông vận tải than phiền rằng “Có 2 tiếng đồng hồ, thực không bõ công đi”. Một chuyên viên khác cũng ở cấp Bộ, cơ quan ở TP. Hồ Chí Minh, cũng cảm thán “Ở nhà còn nhiều việc quá mà phải xuống đây dự có 2 tiếng đồng hồ”. 

Buổi lễ khởi công do chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long tổ chức. Thư mời do Chánh văn phòng, trợ lý Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký. Khách tham dự hầu hết đều ở xa nên từ ngày 18/10 đã phải tập trung đến Cao Lãnh và các thành phố lân cận để kịp có mặt cho buổi lễ diễn ra từ 09 giờ 03 đến 09 giờ 59. Đêm 18/10, một số khách sạn sang trọng ở TP. Cao Lãnh chật ních khách. Một số khách sạn sang trọng ở TP. Cần Thơ và TP. Long Xuyên cũng ở tình trạng tương tự. 

Nguồn tin không chính thức cho biết, chi phí cho đơn vị tổ chức sự kiện tròm trèm 2 tỷ. Đấy là chưa kể đến những chi phí khác như chi phí an ninh, chi phí về thời gian tạo ra sản lượng của cải vật chất từ hoạt động của chính đội ngũ đại biểu đi dự lễ…

Sự kiện cũng thu hút số lượng khá đông phóng viên các báo đài từ Trung ương đến địa phương. Số lượng bao nhiêu thì không có con số cụ thể, nhưng chỉ thấy rằng, khi dàn hàng ngang để chụp ảnh nghi thức bấm nút phát lệnh khởi công, các tay máy chuyên nghiệp đã phải dàn đến 4 lớp hàng ngang và chiều dài bằng 2/3 chiều dài khoảng 30m của bức phông nơi khu thực hiện nghi thức.

Nhiều đại biểu là cán bộ cấp chuyên viên ngán ngẩm: Dự án kết nối khu vực Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long là dự án lớn, cần phải tạo được tiếng vang. Nhưng mới 1 tháng đây, khởi công cầu Vàm Cống làm rình rang vậy đủ rồi. Có người lại phân tích bài bản hơn: Làm cầu chứ có phải bán hàng đâu mà phải PR. Sản xuất ra hàng hóa hay cung cấp dịch vụ thì phải PR, quảng cáo để khách hàng người ta biết mà mua chứ làm cầu mà không đi thì đường đâu mà đi. 

Cánh báo chí cũng rên rẩm và đùa nhau rằng, dành hẳn 90% số tiền tổ chức sự kiện này cho công tác phúc lợi của địa phương, 10% còn lại dành cho báo chí thì công tác truyền thông còn hiệu quả hơn gấp nhiều lần, đỡ mất công Phó Thủ tướng phải lặn lội từ Hà Nội vào tham dự.

Lời bàn nghe có vẻ như chuyện phiếm, nhưng không phải không có lý.

Bút Chì

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm