Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản

Thứ hai, 14/05/2012 - 21:38

(Thanh tra)- Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phạm Biên Cương khẳng định: Tỉnh sẽ ủng hộ huyện Tịnh Biên đóng cửa các mỏ đá nhằm bảo đảm an toàn trong sạch môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo.

Khoáng sản tái tạo và không tái tạo của An Giang rất phong phú, bao gồm: đá, cát xây dựng, than bùn, phân vi sinh và đất sét làm gạch nung tại 109 điểm, tập trung tại khu vực vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên) và các huyện cặp sông Tiền, sông Hậu An Phú, thị xã Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới.

Toàn tỉnh có hàng chục đơn vị khai thác thực hiện tốt các qui định về giấy phép hoạt động, có chính sách tốt an toàn bảo hộ lao động, đầu tư hàng tỷ đồng trang bị máy móc thiết bị bảo vệ môi trường khu vực khai thác, có ký quỹ môi trường.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường ở An Giang vẫn còn nhiều bất cập, do Luật Khoáng sản đã ban hành thực thi từ tháng 7/2011 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, các văn bản qui định không cụ thể nên khó triển khai.

Ngoài ra, các vị trí quan trắc về khai thác đá núi đều ghi nhận gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, nhiễm bụi cao gấp 38 lần trong mùa mưa và 58 lần vào mùa khô so tiêu chuẩn cho phép.

Đặc biệt, đối với khai thác cát sông, phần lớn doanh nghiệp chưa ý thức chấp hành pháp luật, khai thác không phép, chưa đúng công suất. Còn tình trạng lén lút khai thác vào ban đêm, ngoài giờ, ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Trong khi đó, cán bộ quản lý tài nguyên khoảng sản vừa yếu, vừa thiếu và kiêm nhiệm đã dẫn đến việc quản lý, kiểm tra, xử lý rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, hiện nay phí khai thác chỉ để lại 50% nên chưa mang lại lợi ích cho địa phương. “Cần để lại 100% phí này và một phần thuế giá trị gia tăng. Như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư cho an sinh xã hội, người dân địa phương được hưởng lợi từ tài nguyên mà thiên nhiên đã ban tặng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn nói.

Ông Phạm Biên Cương, Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết: Tỉnh có chủ trương hạn chế khai thác đá núi trong thời gian tới, chỉ khai thác đủ phục vụ nhu cầu trong tỉnh; sẽ xem xét việc để lại phí khai thác và một phần thuế giá trị gia tăng theo yêu cầu của địa phương và việc cấp lại giấy phép cho các doanh nghiệp đã hết hạn khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo đá núi (vùng Bảy Núi) là đặc thù của tỉnh An Giang so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định tỉnh sẽ ủng hộ huyện Tịnh Biên đóng cửa các mỏ đá nhằm bảo đảm an toàn trong sạch môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, qua đó tận dụng chuyển sang phát triển du lịch đúng với tiềm năng, lợi thế. Quan điểm của tỉnh là tập trung phát triển “kinh tế biên mậu gắn với du lịch sinh thái”.

Đối với các khu vực khoáng sản đang khai thác như mỏ đá, các doanh nghiệp giải quyết tạm thời bằng việc tưới nước thường xuyên xung quanh khu vực khai thác; phương tiện vận chuyển có che chắn an toàn; hạn chế thấp nhất tác hại ô nhiễm môi trường khói bụi, tiếng ồn của mỏ khai thác gần khu dân cư và tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm và nghiêm túc xử lý đối với hoạt động khoáng sản vi phạm.

Thu Trang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm