Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm báo, bực nhất là bị alô!

Thứ sáu, 19/06/2015 - 08:52

(Thanh tra) - Những nhà báo được phân công nhiệm vụ xác minh, điều tra theo đơn thư bạn đọc, qua đường dây nóng, hay tự mình phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực trong đời sống kinh tế xã hội thì điều bực bội nhất là khi: Chuẩn bị vào cuộc, khi đang tiến hành thực hiện nghiệp vụ điều tra, thậm chí ở giai đoạn kết thì nhận được cuộc alô, thậm chí cuộc gọi không phải từ một người mà có khi từ nhiều người.

Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh: Internet

Đối tượng gọi điện có khác nhau, nhưng đều có các nhóm nội dung thông báo như: Cảnh báo, dọa dẫm, xin gặp để giải thích cho rõ hoặc để  dàn xếp vụ việc... Thậm chí, có những cuộc alô vỗ vai nhà báo từ bề trên! Trong những cảnh ngộ như thế, nhà báo thường bị chưng hửng và rất bực bội.

Từ thực tế  cho thấy: Công việc phòng, chống tiêu cực, chống tham nhũng ở lĩnh vực báo chí cũng đã phức tạp từ màu sắc đến nội dung chứ chưa kể đến những người, những tổ chức, cơ quan, như ngành Thanh tra, hoặc ngành điều tra của công an thì tính phức tạp chắc sẽ còn hơn nhiều.

Alô hăm dọa: Tôi và một đồng nghiệp bên báo L từng bị một người alô dọa “cho đi làm lại khuôn mặt”, “đập gãy ống đồng”, hoặc gọi điện cho vợ chúng tôi: “Bọn anh tạo điều kiện cho em đi bước nữa” (ý là lấy chồng mới).

Nguyên nhân của các cuộc gọi có từ việc chúng tôi thực hiện loạt bài điều tra về than thổ phỉ và buôn lậu than qua biên giới. Chia sẻ với các đồng nghiệp ở các báo về sự bức xúc nói trên, hóa ra họ cũng đã nhiều lần từng bị hăm dọa qua những cuộc alô kiểu như thế khi họ thực hiện loạt bài phóng sự điều tra về nạn cát tặc, lâm tặc...

Có những cuộc alô xin được gặp nhà báo để được giải trình nhiều chiều từ việc giải phóng mặt bằng của một dự án bất động sản, mà ở đó quyền lợi của người dân bị thu hồi đất chưa được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Kết thúc cuộc gặp, có chút quà gửi nhà báo với mong muốn được chia sẻ khó khăn và nhà báo tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp. Đó là những viên đạn bọc đường.

Có những cuộc alô từ người thân chính trong nhà mình, họ hàng mình, hoặc những bạn bè thân hữu với thông điệp: Đây là chỗ quan hệ của gia đình, tốt nhất nên dừng lại kẻo mất hết tình hết nghĩa.

Một đồng nghiệp của tôi có thâm niên điều tra trong ngành báo đã xin giải nghệ, tự treo bút chuyển sang làm kinh doanh, cái nghề mới không thuộc truyền thống của gia đình. Bản thân ông cũng không học đúng chuyên ngành nhưng thời gian làm báo đã cho ông hiểu được mối quan hệ nhiều chiều trong đời sống kinh tế xã hội.

Nghề mới ông rất dễ thất bại nhưng đổi lại: Ông được tự do, không ai vỗ vai mình. Ông đã thành công, làm ông chủ của một doanh nghiệp truyền thông nhỏ. Ông chia sẻ: Bỏ nghề báo cả nhà tôi buồn. Nhiều người nghĩ tôi bị kỉ luật và “tự xử” bằng cách tự nguyện ra đi khỏi báo.

Về bản chất của cuộc ra đi đó là tôi không chịu được nhiều lần vỗ vai của sếp trong nhiều năm làm báo. Có những vụ việc được ban biên tập phân công đi xác minh điều tra. Ngoài thẻ nhà báo còn cấp giấy giới thiệu ghi rất rõ nội dung, vấn đề cần phối hợp với doanh nghiệp để làm rõ dấu hiệu sai phạm. Thế nhưng, khi thu thập xong toàn bộ hồ sơ, tài liệu, bài viết đã hoàn thành chuyển ban biên tập thì sếp vỗ vai: “Bài tạm để lại vì có thêm thông tin mới nhiều chiều”.

Có những vụ đi công tác tỉnh xa được ban biên tập phê duyệt quy trình như trên, nhưng khi công việc xác minh điều tra được quá nửa chặng đường thì nhận được alô của xếp: “Tạm hoãn vụ này vì có lí do tế nhị, về tòa soạn tôi giải thích cậu sau”.

Sau nhiều lần bị vỗ vai như thế, tôi ngộ ra rằng sếp cũng là một nạn nhân bất đắc dĩ phải nhận nhiều kiểu alô, nhiều kiểu vỗ vai. Làm nhà báo chống tiêu cực, làm người quản lí một tờ báo có chức năng chống tham nhũng là phải đối mặt với nhiều phức tạp. Chỉ những người có bản lĩnh muốn đi đến tận cùng của sự thật thì mới dám chiến đấu.

Việc ông bạn tôi giải nghệ nghề báo là do ông ấy thẳng quá, nếu uyển chuyển như nhiều người thì tội gì phải “tự xử” như thế. Rất mừng cho bạn vì đã sống được bằng nghề khác. Những câu chuyện trên đây đều có tâm tư của nhiều người làm báo muốn được chia sẻ...

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm