Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ vọng vào chương trình nông nghiệp công nghệ cao

Chủ nhật, 18/09/2011 - 11:02

(Thanh tra) - Qua 7 năm Lâm Đồng khởi động thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC), địa phương đã tạo được bước đột phá đáng ghi nhận trên lĩnh vực ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Đồi chè giống chất lượng cao tại Bảo Lộc

Không dừng lại ở đó, rất có thể trong năm 2012 , nền nông nghiệp của tỉnh miền núi này sẽ có bước chuyển mới với sự ra đời của “Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt”.

Nếu không có gì thay đổi, vào đầu năm 2012, một khu công nghệ sinh học (CNSH) và nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) lớn nhất Việt Nam sẽ được hình thành tại Lâm Đồng. Khu CNSH và NN ứng dụng CNC Đà Lạt đặt tại khu quy hoạch đô thị đại học ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 15km; có tổng diện tích 250ha; kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 2.000 tỷ đồng.

Qua tổng kết 7 năm (2004 - 2011) thực hiện chương trình NN CNC, Lâm Đồng đã khẳng định được bước đi đúng mang tính đột phá trong sản xuất NN bằng những con số đầy thuyết phục: Doanh thu trên đơn vị diện tích từ 27 triệu đồng/ha năm 2004 tăng lên 76 triệu đồng/ha năm 2010, gấp 2,3 lần so với mức doanh thu bình quân cả nước; tốc độ tăng trưởng đạt 9,4%, gấp 3 lần bình quân cả nước; giá trị XK nông sản từ 90 triệu USD năm 2004 đã tăng lên 240 triệu USD năm 2010, chiếm 84% giá trị XK của tỉnh. Hiện Lâm Đồng được đánh giá là địa phương không những tiên phong trong ứng dụng CNSH mà còn là trung tâm NN CNC lớn nhất Việt Nam. Song, không dừng lại ở đó, trong khi nhiều địa phương khác đang khá vất vả trong việc triển khai chương trình NN CNC thì Lâm Đồng muốn bước qua “lằn ranh” này để tiến thêm một bước cao hơn: Xây dựng tại đây một khu CNSH và NN hiện đại - NN ứng dụng CNC - có quy mô lớn nhất Việt Nam.

TS. Phạm S, Giám đốc Sở KHCN lâm Đồng cho biết: Dĩ nhiên là thành quả của chương trình NN CNC của Lâm Đồng trong 7 năm qua đã thể hiện rõ. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện chương trình này ở địa phương cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: Việc sản xuất các giống rau, hoa hầu như chưa có bản quyền; việc chuyển giao hay XK và nhập khẩu giống cây trồng chưa được tổ chức một cách khoa học; chương trình hợp tác quốc tế chưa được thúc đẩy đến mức cần thiết… Chính bởi điều đó nên việc xây dựng một trung tâm khoa học chuyên ngành về CNSH và NN ứng dụng CNC là một trong những giải pháp mang tính đột phá nhằm thu hút nguồn lực KH-CN, đưa các ứng dụng CNSH và sản xuất NN CNC một cách mạnh mẽ hơn.

TS. Phạm S nói: “Khu CNSH và NN ứng dụng CNC Đà Lạt với quy mô 250 ha và nguồn vốn 2.000 tỷ đồng của tỉnh Lâm Đồng trong tương lai gần sẽ là một hệ thống khép kín về sinh thái cùng cơ sở kỹ thuật tốt nhất. Điều đặc biệt, hoạt động của Khu CNSH và NN ứng dụng CNC Đà Lạt bao gồm nhiều nhóm nghiên cứu liên ngành, linh hoạt; hướng đến việc hỗ trợ về kỹ thuật tiên tiến cho người dân và doanh nghiệp một cách tích cực; góp phần đáng kể vào việc làm tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp; đồng thời, tạo mối liên kết bền vững giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất và chuyển giao khoa học cho nhiều đối tượng liên quan. Bên cạnh đó, đây còn là nơi hình thành những hoạt động hỗ trợ trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thương mại, tư vấn; là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất NN CNC…”.

Cùng với Khu CNSH và NN ứng dụng CNC Đà Lạt, mới đây Lâm Đồng cũng đã thông qua chương trình tiếp tục phát triển NN CNC trên địa bàn từ nay đến 2015 với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 274 tỷ đồng, còn lại là vốn của các thành phần kinh tế khác). Theo kế hoạch đề ra, đến 2015, Lâm Đồng phấn đấu có trên 8% diện tích cây trồng được ứng dụng CNC, trong đó có khoảng 45.000 ha đạt giá trị sản xuất từ 200 triệu đồng trở lên (năm 2015, Lâm Đồng sẽ có khoảng 250.000 ha đất canh tác nông nghiệp, tăng khoảng 50.000 ha so với hiện nay).

TS. Phạm S còn cho biết thêm: Trong phạm vi nghiên cứu khoa học và ứng dụng CNSH và NN CNC của Khu CNSH và NN ứng dụng CNC Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã nhận được sự ngỏ lời hợp tác của nhiều đơn vị trường, viện, doanh nghiệp… Trong cả nước và quốc tế có Trường Đại học Nông lâm, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện Sinh học nhiệt đới và bảo vệ môi trường, Viện Chiến lược và chính sách Bộ NN-PTNT, Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm VIMEDIMEX, cùng một số doanh nghiệp của các nước Hà Lan, Bỉ, Úc, Mỹ, Israel… Như vậy, đây có thể xem là tín hiệu vui của bước khởi đầu trong chương trình “đột phá mạnh” về phát triển nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng ở tương lai gần.


Khắc Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm