Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không để cán bộ “hứa lèo”, chỉ nhận trách nhiệm cho xong

Thứ ba, 07/08/2018 - 09:54

(Thanh tra)- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lù Văn Que cho rằng, đã đến lúc cần xây dựng khung khổ pháp lý cụ thể về nhận trách nhiệm, từ chức, tránh tình trạng cán bộ “hứa lèo”, nhận trách nhiệm cho xong, hay không đủ năng lực vẫn ung dung tại vị.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lù Văn Que. Ảnh: TM

Hứa mà không làm được nên từ chức

Theo ông Lù Văn Que, trong quá trình quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ được giao, người đứng đầu, cán bộ nhà nước khó tránh khỏi có sai sót. Tuy nhiên, nếu có những sai sót gây hậu quả ảnh hưởng đến người dân, đến xã hội thì cần nhận trách nhiệm.

Thực tế, có không ít người đứng đầu cơ quan Nhà nước đã đứng ra nhận trách nhiệm khi lĩnh vực quản lý của mình xảy ra những sự cố, vi phạm.

“Sự xuất hiện kịp thời cùng với lời nhận trách nhiệm của người đứng đầu là một trong những “liều thuốc” hữu hiệu để “hạ nhiệt” bức xúc dư luận”, ông Que nói và nhận định, điều này rất cần thiết, thể hiện sự lắng nghe, cầu thị, cũng như bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tuy nhiên, theo ông, nhận trách nhiệm phải chứa đựng hàm lượng thông tin cần thiết. Đó là, nhận trách nhiệm trước ai? Nhận trách nhiệm như thế nào? Thời gian tới sẽ khắc phục, sửa chữa ra sao? Đặc biệt, phải thể hiện rõ khi không thực hiện được trách nhiệm ấy thì ứng xử của người đứng đầu sẽ được thể hiện như thế nào? Có từ chức không?

“Thời gian qua, không ít người đứng đầu, cán bộ làm sai lạm dụng “nhận trách nhiệm”. Dường như, ai cũng có thể nói ra câu này mà chưa quan tâm đến việc nhận trách nhiệm được thực hiện như thế nào? Do đó, mới dẫn đến không ít trường hợp nhận trách nhiệm cho xong”, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thẳng thắn nói.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII về công tác cán bộ đặt ra là, “xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

“Nhận trách nhiệm là cơ sở để nhân dân đánh giá xem cán bộ có thực hiện đúng như lời nhận trách nhiệm hay không. Nếu hứa mà không làm được thì nên từ chức để nhường lại vị trí đó cho người khác có năng lực, phẩm chất tốt hơn đảm nhiệm. Đây là nét văn hóa ứng xử cần có của mỗi cán bộ”, ông Que nêu.

Không quy định cụ thể, chỉ kêu gọi chung chung, khó thực hiện

Ở nhiều nước trên thế giới, văn hóa từ chức rất bình thường. Nhưng ở nước ta lại là câu chuyên mới. Ông Que bày tỏ, quyền thường đi liền với lợi nên có những người, dù biết là sai phạm vẫn không từ chức vì không muốn từ bỏ danh lợi.

“Chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc, đưa ra được các chứng cứ sai phạm, họ mới chấp nhận những hình thức xử lý. Điều đó cho thấy, đang tồn tại “lỗ hổng” trong văn hóa chính trị hiện nay, đó là văn hóa từ chức”.

Ngoài ra, ông Que cho rằng, do chưa có một quy định cụ thể về từ chức, nên nhiều người không làm được việc, bị chỉ trích, phê phán của dư luận vẫn “cố đấm ăn xôi”, ung dung tại vị để bám víu lấy chức quyền.

Cho nên, bên cạnh việc phải nghiêm khắc loại trừ những phần tử thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy, cần  giáo dục cho cán bộ về sự tự trọng và tính liêm sỉ, để từ đó cán bộ tự thấy cần rút lui khỏi vị trí khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để việc từ chức trở thành điều rất bình thường trong công tác cán bộ, thậm chí là nét văn hóa cần có trong ứng xử của cán bộ”, ông Que tin rằng, cán bộ liêm chính khi thấy năng lực hạn chế, “trả áo từ quan” trong danh dự, để nhường “ghế” cho những người xứng đáng hơn sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân.

Tuy nhiên, vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn nhấn mạnh một lần nữa, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, cần sớm xây dựng cơ chế về nhận trách nhiệm và từ chức của cán bộ bằng các quy định pháp luật.

“Không có quy định cụ thể, mà chỉ kêu gọi chung chung, văn hóa từ chức sẽ rất khó thực hiện. Bởi chẳng mấy ai lại sẵn sàng từ bỏ quyền lợi, danh vị, nếu như không bị giới hạn bởi các quy định pháp luật”, ông Lù Văn Que nêu, khi có quy định rõ ràng thì người dân có cơ sở để giám sát việc “nhận trách nhiệm”, tránh tình trạng cán bộ “hứa lèo” mà không thực hiện.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm