Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không có chuyện phí sẽ thu ngay

Thứ năm, 05/04/2012 - 06:24

(Thanh tra)- Trả lời báo chí tại cuộc Họp báo thường kỳ và tổng kết quý của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, việc thu phí, lệ phí để hạn chế phương tiện cá nhân và các phương tiện tham giao thông vào trung tâm giờ cao điểm đã được Quốc hội, Chính phủ đồng ý về chủ trương và các mức phí, lệ phí đã được tính toán hợp lý. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện cụ thể chưa trình Chính phủ, do đó không có chuyện phí sẽ thu ngay.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

* Sẽ thu phí với xe máy chậm hơn ôtô ít nhất 6 tháng.

 + Vừa qua, báo chí nói nhiều về căn cứ việc thu phí trong Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng có thể giải thích để dư luận rõ hơn về vấn đề này?


- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Quỹ bảo trì đường bộ được xây dựng căn cứ theo Luật Đường bộ có hiệu lực năm 2009. Trong đó có quy định xây dựng Quỹ bão trì đường bộ để có kinh phí nhằm bảo trì, sửa chữa đường bộ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có ngành GTVT chưa làm kịp Nghị định để quy định về Quỹ này. Do vậy, vừa rồi mới trình Chính phủ kí ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2012. Đáng tiếc, đây là thời điểm tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang rất khó khăn nên không được thuận lắm. Như vậy, Quỹ bảo trì đường bộ làm theo Luật Đường bộ đã được Quốc hội thông qua, chứ không phải đề xuất hay phát kiến mới của Bộ GTVT.

+ Về phí hạn chế phương tiện cá nhân và lệ phí phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm theo đề xuất của Bộ GTVT được dư luận “phản ứng” khá mạnh. Bộ trưởng có thể nói gì về vấn đề này?


- Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Vấn đề này, Bộ GTVT lập đề án theo các Nghị quyết quan trọng của Chính phủ như: Nghị quyết 13 về các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Chỉ thị 22 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 32; Nghị quyết 16; Nghị quyết 88… và mới đây nhất là Nghị quyết 13 của Hội nghị TƯ 4, thì Bộ đã đề xuất 2 loại phí trên và được thông qua với tỷ lệ 92,4%. Như vậy, về chủ trương đã được Quốc hội đồng ý.

  Người dân cần đồng tình, ủng hộ chính sách thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân


Trong đề án về hạn chế phương tiện cá nhân, Bộ GTVT chưa trình Chính phủ thời điểm thực hiện cụ thể mà mới trình các loại phí đó để Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để đồng ý hay không đồng ý bổ sung phí, lệ phí này vào danh mục Pháp lệnh phí. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ lộ trình cụ thể để thực hiện. Vì vậy, không có chuyện phí sẽ thu ngay.

+ Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về mức điều chỉnh cụ thể về phí, lệ phí với ô tô, xe máy sau khi dư luận có phản ứng?


- Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Hiện nay, đường bộ Việt Nam có khoảng 280.000 km, trong khi đó phí thu được tại các trạm thu phí mới khoảng 2.500 km (tương đương 0,7%). Tổng số quốc lộ, tỉnh lộ 43.000 km thì mới thu được 5%. Có thể nói, phần lớn đường Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng thì chưa thu phí. Do vậy, chủ trương phương tiện nào sử dụng nhiều hạ tầng thì phải nộp nhiều tiền hơn, người đi ô tô phải nộp nhiều tiền hơn xe máy là hợp lý.

Lý do trong đề án quy định thu phí ô tô trong cả nước là để đạt 2 mục tiêu: Hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân và có tiền để tiếp tục đầu tư lại hạ tầng bên cạnh nhiều nguồn khác từ Nhà nước, Trái phiếu chính phủ, ODA, các hình thức hợp đồng…

Mức phí cụ thể đối với ô tô ngay từ đề xuất ban đầu là từ 20 - 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, dư luận thì Bộ GTVT đã có điều chỉnh giãn, chia nhỏ mức phí. Cụ thể, ô tô có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống là 10 triệu đồng, trên 1.000 - 1.500 cm3 là 15 triệu đồng/năm; trên 1.500 - 2.000 cm3 là 20 triệu đồng/năm. Với mô tô, sẽ thu từ 100 phân phối trở xuống là 300.000 đồng/năm, từ trên 100 - 175 phân phối là 500.000 đồng/năm và trên 175 phân phối là 1 triệu đồng/năm.

Cần nói thêm, ngay từ ban đầu, Bộ cũng đề xuất phương án là chỉ thu thí điểm tại 5 TP lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ; chỉ thu ở nội đô, không thu phí đối với người nghèo. Không hiểu sao, người dân hiểu nhầm là tất cả xe máy đều sẽ bị thu phí.

+ Việc thu phí và lệ phí ở thời điểm kinh tế khó khăn này là rất nhạy cảm. Bộ trưởng có lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của cá nhân?


- Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Tất nhiên khi bất cứ chính sách nào ban hành thì phải động chạm đến một bộ phận đối tượng nhất định. Nhưng chắc chắn là khi ban hành chính sách này thì đa số người dân sẽ được hưởng lợi như đi cơ sở hạ tầng tốt hơn, giao thông an toàn hơn, thời gian nhanh hơn, hiệu quả kinh tế hơn... Ban đầu chỉ có khoảng 600.000 người có ô tô bị tác động. Tôi nghĩ rằng, những người đi xe ô tô sử dụng nhiều hạ tầng Nhà nước thì phải đóng góp là chuyện hợp lý và đa số sẽ đồng tình ủng hộ. Sự đóng góp này cũng thể hiện lòng yêu nước.
 
Hơn nữa, tại một số địa phương, miền núi hiện nay, người dân còn đóng tiền, hiến đất cùng Nhà nước làm đường thì không có lý gì những người có phương tiện ô tô lại không thể đóng phí.


Hữu Oanh (Ghi)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm