Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khi người dân “thích” chốn nguy hiểm

Thứ sáu, 05/09/2014 - 11:01

(Thanh tra) - Từ nhiều năm qua, việc triển khai các kế hoạch, dự án cải tạo chung cư cũ vô cùng chậm chạp trong sự chờ đợi ngậm ngùi của hàng vạn người dân nghèo, đang sống tại các khu tập thể xuống cấp. Họ mong đợi những giải pháp nhanh chóng, hiệu quả của các cơ quan chức năng.

Việc cải tạo và xây dựng các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội vẫn ở giai đoạn đề xuất, nghiên cứu, làm thí điểm. Ảnh: Internet

Đến gặp bà Nguyễn Thị Nội (tổ 6, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) giữa lúc cả nhà đang ăn cơm. Trong căn phòng chật chội, "già nua" của khu nhà H1, lúc nào cũng phải có 4 chiếc quạt máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ mát. Qua quan sát, nhà bà có đến 11 người, mà tổng thể diện tích chỉ có 29m2. Riêng việc nhồi nhét quần áo, đồ dùng đã thấy chật chội, chứ đừng nói đến chuyện sinh hoạt. 

Tương tự, bà Phạm Thị Thu (Tổ phó tổ 52, nhà E4, khu tập thể Trung Tự), một trong những chung cư được cho là giống ổ chuột nhất trong nhiều năm qua, luôn than khổ vì sống cheo leo trên một “cụ chung cư” gần sập. Khách nào đến thăm, bà cũng dẫn ra cho “xem mặt” những đường ống nước lớn nhỏ tua tủa thả từ các căn hộ xuống con ngõ chung. 

Hay nhà E4 trước đây được Trường Đại học Y dùng làm chỗ cho sinh viên ở, sau đó chia các phòng 24m2 ra làm đôi để phân cho cán bộ, giáo viên trường. Cả tòa 4 tầng chỉ có một khu vệ sinh ở tầng 1, vô cùng bất tiện. Do chật chội, hầu hết các hộ dân đã cơi nới, dùng một đường ống hút nước để dùng và bắc một đường nước thải lộ thiên đổ trực tiếp xuống mương.

Từ năm 2005, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch về việc cải tạo và xây dựng các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn thành phố với thời hạn hoàn thành vào năm 2015. Thế nhưng cho đến nay tiến độ mới chỉ đạt khoảng 2%. Đa số vẫn ở giai đoạn đề xuất, nghiên cứu, làm thí điểm. 

Vừa mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế tình trạng xuống cấp, nguy hiểm của các tòa nhà chung cư cũ nát ở Hà Nội và bàn các giải pháp xây dựng lại. Các cơ quan chức năng đánh giá, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nát hiện nay vô cùng phức tạp và khó khăn. Hiện toàn Hà Nội có hơn 1.150 nhà chung cư cũ cao từ 4 - 6 tầng và 10 khu nhà thấp từ 1 - 3 tầng đều đã được xây dựng nhiều năm. Rất nhiều chung cư xuống cấp ở mức độ báo động (mức độ D) như nhà E6 Thành Công, C8 Giảng Võ,... nhưng chưa triển khai được, do vướng mắc lợi ích giữa ba bên là Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Hiện tại, lãnh đạo TP Hà Nội đang đề xuất phương án, xin phép cho các doanh nghiệp nâng cao số tầng. Số tầng đó, vừa để tái định cư cho người dân, số khác dôi dư, dành để kinh doanh thì doanh nghiệp mới có lãi. Đây là vấn đề “nóng” và là một nút thắt khó gỡ, khi mà các doanh nghiệp ngại đầu tư cho các dự án, vì bị khống chế số lượng tầng cao. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: “Nếu không cho tăng tầng cao thì rất khó bố trí nguồn ngân sách lớn cho việc cải tạo nhà chung cư cũ. Hiện nay, sự đồng thuận, nhận thức đang là rào cản, thách thức cho quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ. Đề nghị, thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp”.

Cải tạo, xây mới chung cư cũ, tái ổn định đời sống cho người dân là một thách thức lớn, đòi hỏi những nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng. Bởi chung cư cũ, xập xệ đe dọa đến tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nên cần phải xem đây là vấn đề bức thiết và ưu tiên giải quyết trong trời điểm hiện nay và thời gian tới.

Đỗ Phương Linh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm