Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 30/07/2012 - 09:15
(Thanh tra) - Không theo một lộ trình, cứ sau mỗi năm học mức học phí của các trường ĐH ngoài công lập lại thi nhau “nhảy múa” với muôn vàn lý do. Sự chênh lệch về học phí giữa hệ công lập và ngoài công lập ngày càng bị kéo giãn với “độ vênh” lên tới gần 20 lần. Hệ quả là nhiều sinh viên không thể theo trọn khóa học.
Đường vào đại học của thí sinh có hoàn cảnh khó khăn càng hẹp hơn khi không trúng tuyển vào các trường công lập
Đến hẹn lại… lên
Theo bảng giá học phí mới năm học 2012 - 2013, trong khi nhiều trường công có mức học phí chỉ 4 - 5 triệu đồng/năm thì một số trường ngoài công lập thu học phí cao gấp hàng chục lần, lên đến cả trăm triệu đồng/năm.
Mức tăng phổ biến ở các trường ngoài công lập địa phương từ 6 - 10 triệu đồng/năm tùy từng ngành và từng trường. ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu hệ ĐH khoảng 8 triệu đồng. ĐH Bình Dương 10 triệu, các trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai học phí khoảng 9 triệu đồng/năm. Nhưng mức học phí trên còn thua xa các trường ĐH ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh.
Có thể kể đến các trường thu học phí trên 10 triệu như: ĐH Kỹ thuật công nghệ, ĐH Ngoại ngữ - Tin học, ĐH Hồng Bàng. Trường ĐH Văn Lang năm nay công bố, mức học phí dự kiến từ 12 đến 19 triệu/năm tùy từng ngành, trong khi năm ngoái chỉ từ 8 - 14 triệu. Trong đó, có một số ngành có mức học phí khá cao như: Ngành công nghệ thông tin đào tạo theo chương trình của trường ĐH Hoa Kỳ học phí từ 22 - 26 triệu/năm. Ngành Quản trị khách sạn và ngành Quản trị du lịch lữ hành, đào tạo văn bằng đôi lấy học phí cao nhất 29 triệu/năm.
Ông Võ Văn Tuấn, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Văn Lang cho biết, mức tăng này đã được tính toán cho cả những chi phí phát sinh, hoặc trượt giá trong suốt 4 năm học.
Gây choáng hơn cả là Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, học phí năm 2012 lên đến từ 70 - 90 triệu đồng/năm. ĐH Quốc tế Miền Đông từ 15 - 30 triệu/năm. ĐH Tân Tạo, Long An với 3.000 USD/năm cho tất cả các ngành.
Riêng các trường có đào tạo chương trình thêm bằng tiếng Anh nên mức thu tăng gấp đôi, gấp ba chương trình Tiếng Việt. ĐH Quốc tế Sài Gòn thu 42 - 49 triệu đồng/năm (dạy bằng tiếng Việt) và 109 - 120 triệu đồng/năm (dạy bằng tiếng Anh)... Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen với mức học phí đại học chương trình Tiếng Việt từ 39 triệu - 45 triệu/năm, chương trình tiếng Việt và tiếng Anh khoảng 51 triệu/năm.
Bao giờ là điểm dừng?
Trong 4 - 5 năm trở lại đây, việc dừng tăng học phí bởi thu đã bù chi gần như là không có đối với các trường ĐH ngoài công lập. Bởi đối với các trường ngoài công lập, quyền quyết định các vấn đề, trong đó học phí nằm ở Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị, họ là những nhà đầu tư, chủ sở hữu. Còn các nhà giáo dục là đội ngũ giảng viên và một phần nằm trong Hội đồng quản trị, thế nhưng thường nhà giáo dục không có vốn lớn nên thường xảy ra mâu thuẫn tiềm năng ở Hội đồng quản trị.
Mâu thuẫn ở đây là về chiến lược phát triển trường, nhà giáo dục thì muốn làm sao cho chất lượng giáo dục tăng, đội ngũ giảng viên ngày càng được củng cố… còn nhà đầu tư thì phải xem hầu bao có còn hay đã vơi vì tiền tỷ bỏ ra mà vốn vẫn chưa thu về.
Mâu thuẫn nội bộ kéo dài của Trường ĐH Hùng Vương thời gian vừa qua đã khiến Bộ GD&ĐT “tuýt còi” bằng việc đình chỉ tuyển sinh năm 2012 là minh chứng hùng hồn cho sự bất nhất trong quyền lợi giữa các nhà giáo dục và nhà đầu tư.
Hay như trước đó, Trường ĐH Văn Hiến cũng bị đình chỉ tuyển sinh để chấn chỉnh toàn bộ hoạt động đào tạo do “quá sức” trong việc đáp ứng điều kiện, cơ sở vật chất, chương trình học bằng những kiểu đầu tư hết sức chụp giật. Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liêm, nếu nhà đầu tư muốn hoàn vốn nhanh thì dễ dẫn đến việc đẩy mức học phí lên cao. Đó là lý do vì sao học phí năm nay của Trường vẫn ở mức khiêm tốn so với mặt bằng học phí “khủng” của các trường ngoài công lập.
Sự chênh lệch học phí khá lớn giữa trường ĐH công lập và trường ĐH ngoài công lập khiến cho người học hoang mang và tâm lý trường ngoài công lập chỉ dành cho thí sinh khá giả là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Vụ Phó Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD và ĐT cho rằng, hiện nay chưa có quy định nào về mức trần học phí các trường ngoài công lập. Ngay cả trong dự thảo Luật Giáo dục mới nhất cũng chưa đề cập đến vấn đề này, mà chỉ quy định các trường ngoài công lập được phép tự quyết định mức học phí, nhưng phải thông báo mức thu cho từng năm, hoặc cả khóa và phải công khai tài chính trên website.
Như vậy, có thể nói Bộ GD và ĐT không can thiệp vào việc quyết định mức học phí của các trường ngoài công lập. Kẽ hở này đã tạo điều kiện cho các trường “tự tung tự tác” tăng học phí vô tội vạ. Mặc dù bên cạnh mức học phí “khủng”, các trường còn có những chính sách học bổng khuyến khích học tập, thế nhưng so với mức học phí thì chẳng thấm vào đâu.
Nếu so sánh với mức vốn vay tín dụng cho HS - SV hiện nay 1 triệu/tháng mới thấy sự chênh lệch học phí quá lớn đối sinh viên nghèo. Thành ra, cơ hội vào ĐH - CĐ của các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn càng hẹp hơn khi không trúng tuyển vào các trường công lập, trường ngoài công lập vẫn chỉ dành cho đối tượng khá giả.
Xin mượn lời phụ huynh Nguyễn Thị Tuyết Trang, ở quận Gò Vấp có con vừa thi ĐH năm nay bày tỏ tâm tư nói thay lời kết bài viết này: “ Học phí tăng vô tội vạ kiểu trên thử hỏi làm sao tôi dám cho con theo học tại các trường ngoài công lập. Nếu cháu mà không thi đậu vào một trường ĐH công lập việc theo đuổi giấc mơ ĐH sẽ dừng lại là điều chắc chắn”.
Thực tế của mức học phí trên cho thấy, một sự bất bình đẳng trong giáo dục ngày càng lộ rõ, và tất nhiên cơ hội vào đại học với những học sinh con nhà nghèo dường như là không còn, nếu không thể vào được các trường công lập.
Anh Tú
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt được thành tích đáng tự hào. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 2.995 căn nhà trong tổng số 3.022 căn theo kế hoạch, tương đương 99%.
Bùi Bình
00:00 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC