Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội đứng cuối bảng về “sự ổn định trong sử dụng đất”

Thứ năm, 28/03/2013 - 14:41

(Thanh tra) - Theo kết quả xếp hạng chỉ số “tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” năm 2012, Hà Nội xếp thứ 63/63 tỉnh, TP trong cả nước. Các chỉ số “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”, chỉ số “chi phí không chính thức” Hà Nội cũng luôn xếp ở vị trí trung bình kém…

Ảnh minh họa.: Internet

Năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hà Nội xếp vị trí thứ 51/63 (giảm 15 bậc xếp hạng so với năm 2011) nằm ở tốp cuối của hạng khá.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 chỉ số thành phần để tính toán chỉ số PCI, có 5 chỉ số Hà Nội xếp loại thấp so với cả nước, đó là các chỉ số “tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”; “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”; “chi phí không chính thức”; “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo” và chỉ số “thiết chế pháp lý”.

Đáng chú ý, chỉ số “tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, Hà Nội đứng cuối bảng so với tất cả các tỉnh, TP trong cả nước. 76% doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng, họ gặp khó khăn về mặt bằng, nhất là giá thuê mặt bằng cao, thủ tục thuê mua đất phức tạp, giải phóng mặt bằng chậm, thiếu quỹ đất sạch và vướng mắc về quy hoạch; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp.

Chỉ số “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” đo lường thời gian doanh ghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính (như thành lập doanh nghiệp, đầu tư, đấu thầu, quy hoạch…) cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan Nhà nước của địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, Hà Nội tăng 3 bậc nhưng điểm tuyệt đối lại giảm từ 5,47 xuống còn 4,75.

Kết quả điều tra PCI 2012 cho thấy, có đến 54% doanh nghiệp cho rằng, không có bất kỳ sự thay đổi nào sau khi thực hiện cải cách hành chính; chỉ có 15,5% cán bộ Nhà nước làm việc hiệu quả hơn sau khi thực hiện cải cách hành chính.

So với các tỉnh, TP khác thì số lần đi xin dấu và chữ ký, thủ tục giấy tờ và các loại phí, lệ phí của Hà Nội chưa giảm nhiều và các chỉ tiêu này xếp ở những vị trí cuối bảng xếp hạng.

Hơn nữa, 68,27% doanh nghiệp được điều tra cho rằng “nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”; 58,8% doanh nghiệp cho rằng công việc được giải quyết sau khi có chi phí không chính thức; 40,7% doanh nghiệp qua điều tra thừa nhận đã trả hoa hồng để có được hợp đồng từ các cơ quan Nhà nước và đến 56% doanh nghiệp nhận định sự quan tâm của chính quyền không phụ thuộc ào đóng góp của doanh nghiệp cho địa phương.

Về chỉ số “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh”, Hà Nội đều giảm về giá trị tuyệt đối và xếp hạng. Kết quả phân tích sâu cho thấy, có 60,7% doanh nghiệp nhận định rằng có những sáng kết tốt ở cấp TP nhưng việc thực thi ở các sở, ngành lại có vấn đề; 21% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo TP có chủ trương, chính sách tốt nhưng không được thực hiện đúng ở cấp huyện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân sụt giảm chỉ số PCI là do khối lượng công việc phải giải quyết trên địa bàn rất lớn, đa dạng, phức tạp, trong khi sự phân công, phân cấp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ, không ít nội dung còn chồng chép, bất hợp lý. Việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng nhiều khi chưa phù hợp với quy định dẫn đến việc làm đi làm lại…

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa đầy đủ về công tác cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Cá biệt có một số cán bộ, công chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân còn có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp gây dư luận không tốt ở một số cơ quan đơn vị. Công tác cải cách hành chính còn chậm và hạn chế.

Để cải thiện chỉ số PCI, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp năm 2013, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải tập trung cải thiện 5 chỉ số thành phần xếp hạng thấp. Theo đó, cần rà soát, thống kê và thu hồi đất các dự án không triển khai, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật; có giải pháp cụ thể đối với các dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan; rà soát và giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng tất cả các quy hoạch, kế hoạch, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính và biểu mẫu hướng dẫn cho công dân, doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử của TP, các sở, ban, ngành. Có cơ chế kiểm tra, giám sát các bộ phận liên quan đến việc giải quyết các thủ tục cho dân và doanh nghiệp, có các quy định thưởng phạt công khai, nghiêm khắc đối với những trường hợp lợi dụng vị trí việc làm gây khó khăn cho nhân dân và doanh nghiệp…


Nguyễn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm