Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gian lận C/O ngày một tinh vi

Chủ nhật, 18/09/2011 - 11:03

(Thanh tra) - Với xu thế hội nhập nhanh chóng, số lượng các mặt hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam ngày một gia tăng, hiện tượng gian lận thương mại qua giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ngày một tinh vi và phức tạp.

Hàng dệt may XK sang các nước EU, Hoa Kỳ thường bị làm giả CO nhiều nhất

Thực trạng gian lận

Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (TT - VCCI), Chủ tịch Hội đồng tư vấn, cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O, trước năm 2008, số lượng các C/O giả và sửa chữa số lượng đối với hàng dệt may XK sang EU xảy ra nhiều.

Kể từ năm 2008, sau khi TT - VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan phát hiện và đưa ra một loạt biện pháp ngăn ngừa, hiện tượng làm giả giấy xuất xứ, sửa chứng từ, số lượng và trị giá trên hóa đơn thương mại... đã giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp doanh nghiệp  (DN) cố tình gian lận C/O gây ảnh hưởng không chỉ với những DN làm ăn chân chính, mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

Cơ quan này cũng cảnh báo, từng có hiện tượng trước khi cấp C/O, DN cố tình cung cấp bằng chứng sai (chứng từ giả) hoặc sửa chữa chứng từ, hóa đơn, bảng kê… nhằm mục đích hưởng lợi từ quota, hưởng ưu đãi thuế, tránh thuế chống bán phá giá với một số thị trường nhập khẩu…

Với cùng mục đích, một số DN nước ngoài xung quanh Việt Nam, có những mặt hàng bị các nước hay thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... áp thuế chống bán phá giá, hoặc các biện pháp hạn chế nhập khẩu, họ sẽ nhập khẩu vào Việt Nam rồi gian lận C/0 để lấy xuất xứ tại Việt Nam, sau đó xuất tiếp sang nước thứ ba để hưởng các ưu đãi. Đây là hình thức làm giả hoàn toàn giấy chứng nhận từ bên ngoài (giả mẫu con dấu và chữ ký của cán bộ cấp C/O).

Có nhiều trường hợp DN Việt Nam bị mạo danh trên C/O do một DN nước ngoài làm giả, với đầy đủ địa chỉ, tên tuổi công ty... để xuất khẩu hàng vào các thị trường mà Việt Nam được ưu đãi. Những cách gian lận trên, vừa ảnh hưởng đến uy tín DN vừa làm tổn lại đến lợi ích quốc gia.

Theo cảnh báo, hiện mặt hàng được làm giả C/O nhiều nhất là hàng dệt may XKsang các nước EU, Hoa Kỳ; hàng nông sản xuất khẩu sang Đài Loan, một số sản phẩm khác như mật ong, thủy sản, cà phê, vòng khuyên kim loại, bóng đèn tiết kiệm năng lượng…

Theo bà Hương, cơ quan này đã nhận được nhiều yêu cầu thẩm tra tính xác thực của C/O do Tổng cục Hải quan và hải quan các nước EU gửi. Đồng thời Cơ quan chống gian lận thương mại của EU (OLAF) đã có một số cảnh báo về hiện tượng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá giả từ Việt Nam.

Khi nhận được các lời cảnh báo, TT-VCCI đã lập mạng lưới trao đổi thông tin nhằm phát hiện sớm và kịp thời những trường hợp gian lận bằng cách gửi dữ liệu C/O cấp hàng ngày cho phía đối tác. Nhờ đó, khi hàng hoá chưa đến nơi nhưng hải quan của nước nhập khẩu đã có đầy đủ dữ liệu về các lô hàng. Khi nhà nhập khẩu đến xuất trình bộ hồ sơ nhập khẩu để làm thủ tục thông quan, hải quan nước nhập khẩu có thể dễ dàng nhận ra ngay là bộ hồ sơ đó có hợp pháp và hợp lệ hay không.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng giả mạo chứng từ C/O, TT-VCCI cũng yêu cầu DN ghi số lượng  và trị giá  hàng bằng chữ trên C/O cho hàng dệt may XK sang  EU nhằm tránh hiện tượng sửa chữa, cạo, tẩy số liệu... Đến nay sau gần 3 năm triển khai giải pháp trên, số lượng C/O giả và sửa chữa chứng từ đã giảm rất nhiều.

Chế tài chưa đủ răn đe

Đánh giá về tính hiệu quả của hoạt động chống gian lận thương mại qua C/O của Việt Nam hiện nay, bà Trần Thị Thu Hương cho biết, việc ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O đã được nhiều cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện. TT - VCCI đã ký biên bản thỏa thuận với Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) về việc trao đổi dữ liệu thông tin; thành lập Hội đồng tư vấn cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O.

Hoạt động của Hội đồng này đến nay đã được triển khai hiệu quả tới UBND các tỉnh thành phố để rà soát các mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại cao ngay từ đầu khi DN xin cấp chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, hoặc sẽ tư vấn và hướng dẫn cho DN để các sản phẩm của DN đáp ứng đủ các tiêu chí xuất xứ.

Hội đồng cũng thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ... áp thuế chống bán phá giá, và áp với các nước nào. Khi phát hiện ra những DN có các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá, hoặc đang tiến hành điều tra... bắt buộc phải cảnh giác và có các biện pháp kiểm tra chặt chẽ với những DN này.

Hạn chế được gian lận thương mại qua C/O rất cần sự hợp tác và nhận thức đúng đắn từ phía DN. Tuy nhiên, chỉ phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng cho mỗi trường hợp vi phạm việc theo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại số 06/2008/NĐ-CP là chưa đủ răn đe nên nhiều DN chưa hợp tác tốt trong việc cung cấp chứng từ, bằng chứng để chứng minh xuất xứ của sản phẩm.

C/O (Certificate of Origin - Giấy chứng nhận xuất xứ) là một tài liệu sử dụng trong thương mại quốc tế nhằm xác định quốc gia xuất xứ của hàng hóa.

Đây là một giấy chứng nhận hàng hóa được đưa lên tàu, có xuất xứ từ một quốc gia nào đó. Nhưng tính “xuất xứ” trong một C/O không nghiễm nhiên đồng nghĩa với quốc gia xuất hàng, mà đó phải là quốc gia đã thực sự sản xuất/chế tạo hàng hóa đó. Việc này nảy sinh, khi hàng hóa không được sản xuất từ 100% nguyên liệu của quốc gia xuất hàng, hoặc quá trình chế biến và giá trị gia tăng không xuất phát từ một quốc gia duy nhất.

Thông thường, nếu hơn 50% giá hàng bán ra xuất phát từ một nước thì nước đó được chấp nhận là quốc gia xuất xứ. Theo nhiều hiệp ước quốc tế khác, các tỷ lệ khác về mức nội hóa cũng được chấp nhận.

Khi các nước tham gia các hiệp ước thương mại, họ có thể chấp nhận giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ một khối thương mại (ví dụ như EU, Bắc Mỹ), thay vì một quốc gia cụ thể.

Thông thường, nước nhập khẩu sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu trình C/O do một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng C/O là bắt buộc, ví dụ như đối với vận tải hàng theo Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), hoặc để nhận được ưu đãi thuế quan từ các nước nhập khẩu về việc nhập hàng sản xuất/chế biến từ các nước kém phát triển tới các nước phát triển (thường được gọi là C/O mẫu A hay GSP form A, viết tắt từ Generalized System of Preferences Form A C/O: C/O form A của Hệ thống ưu đãi phổ cập).

Chứng nhận xuất xứ đặc biệt quan trọng trong phân loại hàng hóa theo quy định hải quan của nước nhập khẩu và vì vậy sẽ quyết định thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa. C/O cũng quan trọng cho áp dụng hạn ngạch nhập khẩu và thống kê, đặc biệt là với hàng thực phẩm. C/O cũng có thể quan trọng trong các quy định về an toàn thực phẩm.

Trước khi kết thúc giao dịch hợp đồng, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu nên xác định rõ là có cần C/O không, mẫu C/O nào, nội dung gì.

Chứng nhận nhập khẩu ưu đãi là một chứng từ xác nhận hàng hóa trong một lô hàng cụ thể có xuất xứ nhất định theo các định nghĩa của một Hiệp ước Thương mại tự do song phương hay đa phương nào đó. Chứng nhận này do các cơ quan hải quan của nước nhập khẩu sử dụng để quyết định liệu lô hàng nhập khẩu đó có được hưởng các ưu đãi theo các khu vực thương mại hoặc Liên đoàn Hải quan đặc biệt như EU hay NAFTA hay trước khi các biện pháp thuế chống phá giá được áp dụng.

Khái niệm “nước xuất xứ” và “xuất xứ ưu đãi” khác nhau. Liên minh châu Âu thường xác định nước xuất xứ không được ưu đãi thông qua địa điểm nơi có giai đoạn sản xuất lớn diễn ra trong quá trình sản xuất sản phẩm. (Theo thuật ngữ luật: “Biến đổi lớn cuối cùng”).

Một sản phẩm có xuất xứ ưu đãi hay không phụ thuộc vào các quy định mà một Hiệp ước Thương mại tự do cụ thể áp dụng. Các quy định này có thể dựa theo giá trị hoặc dựa theo mức thuế và được gọi là “Quy định về xuất xứ”.

Một ví dụ điển hình về quy tắc theo giá trị có thể có dạng: Nguyên liệu thô, nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên FTA, sử dụng trong sản xuất và không vượt quá 25% giá trị xuất xưởng (Ex-work) của hàng thành phẩm (trị giá của hàng hóa tại cổng nhà máy).

Một ví dụ điển hình về quy tắc theo mức thuế có thể có dạng: Không bao gồm nguyên liệu thô, nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên của FTA này, sử dụng trong sản xuất mà có thể có cùng mã danh mục thuế với thành phẩm.

Quy định về xuất xứ của bất kỳ Hiệp ước Thương mại tự do sẽ quyết định một quy tắc cho mỗi sản phẩm được sản xuất dựa theo mã xác định danh mục thuế chung. Mỗi quy tắc sẽ cung cấp nhiều lựa chọn để xác định liệu sản phẩm có xuất xứ ưu đãi hay không. Mỗi quy tắc cũng sẽ kèm theo quy tắc loại trừ trong đó xác định các trường hợp mà sản phẩm đó không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào.


Mỹ Dung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm