Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ghi nhận về đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam

TS Ngô Quốc Đông Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Chủ nhật, 17/10/2021 - 07:00

(Thanh tra)- Trong tiến trình nhận thức của Đảng ta về tôn giáo, có thể nói Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã mở ra bước ngoặt lịch sử về sự đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam.

Các vị chức sắc Phật giáo và Phật tử dự Đại lễ Phật đản tại chùa Pháp Lâm, quận Hải Châu (Đà Nẵng). (Nguồn: daidoanket.vn)

Có ba luận điểm cơ bản của Nghị quyết 24 cho đến nay vẫn là kim chỉ nam cho công tác tôn giáo là: (1) Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; (2) Tôn giáo còn tồn tại lâu dài trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; (3) Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Những luận điểm trên đã tạo ra những tiền đề nhận thức cơ bản để xây dựng một hệ thống chính sách tôn giáo hợp với điều kiện Việt Nam, nhằm phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo trong xây dựng xã hội.

Thủ tướng tặng quà cho các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia buổi gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở TP Đà Nẵng vào sáng 9/8/2019.  Ảnh: VGP

Sau Nghị quyết 24, hàng loạt văn bản khác cụ thể hóa đường lối của Đảng về công tác tôn giáo.

Trong lĩnh vực quản lý phải kể đến Pháp lệnh Tín ngưỡng cùng Nghị định 22 và 92 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Hay như, sự ra đời của Chỉ thị số 01 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2005 về một số công tác với đạo Tin lành đã tạo ra dấu ấn quan trọng trong việc công nhận các tổ chức tôn giáo, làm cho đời sống tôn giáo ở Việt Nam ngày một khởi sắc, đa dạng, đặc biệt là ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.

Gần đây, trong lĩnh vực tôn giáo, Điều 24, Hiến pháp năm 2013 càng khẳng định rõ hơn quyền con người: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Hiến pháp 2013 dùng khái niệm “mọi người” chứ không phải là “công dân” như các bản Hiến pháp trước đây, rõ ràng bản chất của vấn đề đã có sự thay đổi căn bản.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 vẫn duy trì một quy trình đăng ký và công nhận các nhóm tôn giáo gồm nhiều bước, nhưng đã rút ngắn thời gian để tổ chức tôn giáo được công nhận trên toàn quốc và ở cấp tỉnh từ 23 năm xuống còn 5 năm. Luật cũng quy định cụ thể quyền có tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở pháp lý để các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích nhưng vẫn gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Nhìn lại bước đường đổi mới chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã chính thức công nhận 16 tôn giáo và 39 tổ chức tôn giáo thuộc Công giáo, Tin lành, Phật giáo… và các tôn giáo nội sinh. Số tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay tăng nhanh khoảng 27 triệu người (so với 10 triệu vào năm 1975).

Đạo Tin lành được đánh giá là tôn giáo phát triển nhanh nhất tại Việt Nam thời gian qua, tăng từ khoảng 200.000 tín đồ vào năm 1975 lên khoảng hơn 1 triệu vào năm 2020. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Bắc và Tây Nguyên rất vui mừng phấn khởi về những đổi thay trong chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tạo cho họ những điều kiện sinh hoạt tôn giáo thuận lợi. Hiện nay, số đồng bào Hmông theo đạo Tin lành ở Tây Bắc khoảng 180.000 người. Ở Tây Nguyên, số người theo đạo Tin lành khoảng 450.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%. Trong văn hóa Tây Nguyên và Tây Bắc hiện nay, không thể không nói đến các tôn giáo.

Thành công trong chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã được nhìn nhận cả từ phía bên ngoài, đặc biệt là các tổ chức quốc tế liên quan đến các lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo. Một nghiên cứu về đa dạng tôn giáo gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew Forum on Religion & Public Life (Mỹ) thực hiện năm 2013 đã xếp hạng Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba trên thế giới về mức độ đa dạng tôn giáo, chỉ sau Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2009 đã đánh giá: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay.

Trước đó, Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ do Phó Chủ tịch Ủy ban Michael Lewis Cromartie dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Việt Nam cũng nhận xét: Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ.

Điều đáng ghi nhận nhất là, năm 2006, Việt Nam đã được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra khỏi danh sách những “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về lĩnh vực nhân quyền và tôn giáo (CPC). Đây là một thành công lớn của đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy đàm phán đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.

Kể từ đó đến nay, mặc dù Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ đã nhiều lần đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC nhưng đều bị Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ. Quyết định này dựa trên những cơ sở xác thực về những thành công trong chính sách tôn giáo ở Việt Nam được Bộ Ngoại giáo Mỹ tiếp nhận từ nhiều nguồn tin, với nhiều cuộc khảo sát khách quan, thực tế ở nhiều địa phương để làm luận cứ.

Đông đảo tăng ni, Phật tử của thành phố Hà Nội tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh đó, các chuyến khảo sát của các tổ chức độc lập khác cũng cho thấy, chính sách tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tiến bộ. Cụ thể: Viện Liên kết toàn cầu đã nhiều lần sang Việt Nam, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học (2006, 2007, 2011) và khảo sát nhiều chuyến thức tế (tại Tây Nguyên, Tây Bắc), sau đó tư vấn, phúc trình lại Bộ Ngoại giao Mỹ để họ thấy được những đổi thay của đời sống tôn giáo Việt Nam đã khác trước. Qua ba cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề “Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á tại Việt Nam” được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Tôn  giáo phối hợp với Viện Liên kết, đến nay, Viện Liên kết toàn cầu đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận chính khách, nghị sĩ Mỹ về những định kiến của họ trong vấn đề tôn giáo ở Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong nhiệm kỳ của ông (2013 - 2017) đã công bố bản báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo trên thế giới. Theo báo cáo này, tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tiến triển với nhiều tổ chức tôn giáo mới được công nhận hoặc cho phép đăng kí sinh hoạt. Các lĩnh vực tôn giáo với từ thiện, xã hội được mở rộng. Các ngày lễ lớn của tôn giáo được chính quyền Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, có những buổi lễ tới cả chục vạn người.

Năm 2014, báo cáo viên Liên hợp quốc, ông Heiner Bielefelt đã chia sẻ các thông tin về hiện tình tôn giáo Việt Nam với các hãng tin tức quốc tế sau chuyến thăm, khảo sát, tiếp xúc và làm việc với các nhà quản lý cũng như một số cá nhân người theo tôn giáo ở Việt Nam. Theo báo cáo viên, trong các cuộc tiếp xúc với đại diện cộng đồng các tôn giáo, ông nhận được những phản hồi tích cực về điều kiện thực hành tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Rõ ràng, với những ghi nhận tích cực và thiện chí từ các góc nhìn khác nhau, đặc biệt là từ dư luận quốc tế, cho thấy, chính sách tôn giáo Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đó giúp cho đồng bào các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời tạo ra một vị thế quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền.

Bên cạnh việc ghi nhận chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhiều trang tin nước ngoài cũng như các báo cáo về nhân quyền tôn giáo Việt Nam đã không phản ánh hết thực trạng, thậm chí sai sự thật. Một số đối tượng có thái độ thiếu thiện chí đã trên danh nghĩa “quyền tự do tôn giáo” để công kích chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tạo các điểm nóng dư luận, gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức tôn giáo. Bởi lẽ, tự do tôn giáo trong khuôn khổ các quyền con người đã trở thành một giá trị phổ biến cơ bản của nhiều nước. Tuy nhiên, nó lại trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi, thậm chí gay gắt ở các diễn đàn đa phương và trong nhiều mối quan hệ song phương. Cho dù có sự thống nhất tương đối về mặt ngôn ngữ, nhưng không có sự đồng thuận về bản chất và giới hạn của “quyền tự do tôn giáo”, cách áp dụng trong từng trường hợp cụ thể giữa các nước với các thể chế thế tục khác nhau. Chẳng hạn tự do tôn giáo theo nghĩa là tự do niềm tin và tự do đi lễ trong cơ sở thờ tự được Nhà nước công nhận thì quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam chẳng có vấn đề gì. Nhưng khi quyền tự do tôn giáo gắn với các hoạt động của tổ chức tôn giáo liên quan đến các vấn đề dân sự thì vẫn còn nhiều điểm cần trao đổi giữa các tổ chức tôn giáo và Nhà nước.

Tự do tôn giáo phải căn cứ trên luật pháp, văn hóa, phong tục của nước sở tại, trên cơ sở hài hòa lợi ích tôn giáo và lợi ích quốc gia, không thể áp dụng quyền tự do tôn giáo của nước này với một nước khác. Trên thực tế, vấn đề tự do tôn giáo có thể trở thành “vũ khí chính trị” để một quốc gia (thường là nước lớn) có thể phê phán, can dự vào chính sách tự do nhân quyền của các nước khác, hoặc tạo cớ để can thiệp vào nội bộ của quốc gia mà họ công kích. Dù vậy, chính thực tiễn sinh động về tự do tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay là minh chứng rõ ràng, và là câu trả lời thiết thực nhất cho mọi người biết đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam, với nhiều tiến bộ so với trước kia.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm