Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp lao đao vì chính quyền “đổi ý”

Chủ nhật, 04/09/2011 - 21:21

(Thanh tra) - Chuyển đổi từ doanh nghiệp (DN) Nhà nước sang Công ty CP từ năm 2004, Công ty CP TM Thăng Bình (CPTMTB) - Quảng Nam đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, dần đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển, giải quyết việc làm ổn định cho gần 50 lao động. Song, hiện tại Công ty đang đứng trước bờ vực thẳm, chỉ vì chính quyền tìm mọi cách o ép, đánh bật cơ sở kinh doanh xăng dầu ra khỏi mặt bằng hiện có…

Cửa hàng bách hóa cho DN khác thuê rồi…bỏ hoang.jpg

Công ty CPTMTB được kế thừa toàn bộ tài sản và đất đai của đơn vị cũ. Năm 2004, theo yêu cầu của huyện, Công ty đã giao lại khu văn phòng có diện tích 978m2 đất, năm 2008 tiếp tục bàn giao khu đất 3.248m2 nguyên là cửa hàng bách hóa, để huyện cho DN khác thuê đất, nhưng đơn vị này chỉ động thổ rồi bỏ trống. Công ty chỉ còn lại duy nhất khu đất phía Bắc đường 613 có diện tích 2.337m2.

Ngày 15/11/2006, Công ty lập tờ trình xin quy hoạch lại mạng lưới kinh doanh trên khu đất này, bao gồm cửa hàng ăn uống bình dân, văn phòng làm việc, nhà hàng Hương Xuân 2; riêng cửa hàng xăng dầu (xây dựng năm 1990), được dời vào phía trong ngã tư nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy. Cũng trong ngày này, ông Phan Thăng An, Chủ tịch UBND huyện (lúc bấy giờ) ký Văn bản số 493/UBND-VP thống nhất theo đề nghị quy hoạch mạng lưới kinh doanh của Công ty. Đến ngày 15/12/2006, UBND tỉnh có Quyết định số 3607/QĐ-UBND cho phép Công ty di dời, nâng cấp, cải tạo cửa hàng xăng dầu và được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng công trình, Phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh thẩm duyệt về PCCC… Trên cơ sở đó, Công ty đã vay vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh cửa hàng xăng dầu mới. Sở Thương mại Quảng Nam (nay là Sở Công thương) đã tiến hành kiểm tra việc xây dựng cửa hàng xăng dầu và khẳng định tính cần thiết, cũng như đem lại cảnh quan thông thoáng, văn minh thương mại tại khu vực ngã tư Hà Lam.

Cuối năm 2010, Công ty có văn bản gửi huyện đề nghị tiếp tục cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Ngày 07/01/2011, UBND huyện có Văn bản số 14/UBND-VP, yêu cầu Công ty xây dựng lại phương án sử dụng đất, không được kinh doanh xăng dầu, nếu không sẽ không cho gia hạn thuê đất. Công ty tiếp tục cầu cứu, ngày 30/3/2011 Sở Công thương có văn bản gửi UBND huyện đề nghị cho DN tiếp tục thuê đất, nhằm ổn định sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động…

Ngày 09/4/2011, UBND huyện có Thông báo 32/TB-UBND truyền đạt nội dung kết luận của Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Ngữ. Theo đó, nếu để cây xăng tiếp tục hoạt động tại vị trí trên sẽ không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 của thị trấn Hà Lam đã được tỉnh phê duyệt. Trước mắt, để giải quyết khó khăn, huyện chỉ thống nhất để Công ty lập thủ tục gia hạn thuê đất thêm 1 năm, nếu Công ty có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của huyện thì sẽ xem xét cho tiếp tục gia hạn... Ngày 13/4, Công ty có văn bản phúc đáp, khẳng định đơn vị đã có phương án sử dụng đất theo đúng quy hoạch được UBND huyện thống nhất và UBND tỉnh chấp thuận. Hiện tại, nhu cầu thuê đất của Công ty là chính đáng và bức bách, nếu huyện chỉ đề nghị cho Công ty gia hạn thuê đất 1 năm (thực tế chỉ còn 7 tháng), thì không thể giải quyết việc kinh doanh và trả nợ vốn vay!

Sau khi nghiên cứu đơn của Công ty, ngày 28/4, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn 435/VPUBND-KTTH, đề nghị các Sở TN&MT, Sở Xây dựng và UBND huyện Thăng Bình căn cứ quy định hiện hành, điều kiện hoạt động của Công ty để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục tiếp tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản trên đất cho Công ty. Đến ngày 19/5, UBND huyện có phúc đáp cho Công ty, trong đó vẫn “nại” ra lý do như cũ, không đồng ý sự tồn tại cửa hàng xăng dầu, nhưng lần này huyện đề nghị tỉnh cho gia hạn thời gian thuê đất đến hết năm 2012?

Trước sức “ép” của UBND huyện, buộc Công ty phải tiếp tục cầu cứu đến Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng… Ngày 29/6, UBND tỉnh có Công văn 2264/UBND-KTN, giao Chủ tịch huyện kiểm tra và báo cáo về tình hình giải quyết đề nghị của Công ty. Ngày 08/7, UBND huyện ký Báo cáo 71/BC-UBND, vẫn không đồng ý cho Công ty gia hạn thuê đất. Đồng thời, huyện lại giới thiệu, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào cả 2 khu đất phía Nam và phía Bắc đường 613. Đến ngày 27/7, UBND tỉnh lại có Công văn 2651/UBND-KTN, giao cho Sở TN&MT chủ trì họp lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương, tham mưu đề xuất hướng giải quyết vụ việc. Tại cuộc họp này, quan điểm chung là cần di dời cửa hàng xăng dầu, nhưng để chia sẻ khó khăn của Công ty, đại diện Sở Công thương đề nghị giữ cửa hàng xăng dầu đến năm 2020, rồi sau đó sẽ di dời. Sở Xây dựng có ý kiến cần giữ lại hiện trạng theo hướng cải tạo và chỉnh trang. Sở TN&MT đề nghị tỉnh cho phép gia hạn thuê đất với thời gian phù hợp quy hoạch chung của địa phương.

Như vậy, cách làm của UBND huyện Thăng Bình chưa thực sự đồng cảm với DN trong điều kiện thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó Giám đốc Công ty bức xúc nói: “Nếu chỉ cho phép gia hạn thời gian thuê đất trong 2 năm, thì không thể thu hồi vốn và ai sẽ đền bù thiệt hại kinh tế, tài sản cho Công ty?”.

Hiện, đã gần nửa tháng nay Cửa hàng xăng dầu Hà Lam treo biển “hết xăng”. Nguyên nhân là do ngân hàng phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ vay, không rót vốn cho Công ty mua hàng phục vụ nhân dân; cũng chỉ vì đơn vị không có giấy tờ chứng minh được quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất!?

Dư luận đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam sớm xem xét giải quyết một cách thấu tình, đạt lý, nhằm ổn định hoạt động của Công ty, giúp ổn định đời sống người lao động.


Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm