Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp đừng “chơi đểu” nhau

Thứ hai, 04/08/2014 - 08:26

(Thanh tra)- Thương mại điện tử (TMĐT)ở Việt Nam gần đây đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Có điều, vấn đề an ninh và bảo mật cơ sở dữ liệu khi thanh toán trực tuyến đang đặt ra một bài toán khó với doanh nghiệp (DN), còn người dân vẫn lo lắng khi giao dịch online và hơn hết là vẫn chưa có một cơ chế pháp lý hoàn thiện để giải quyết tranh chấp qua mạng.

Sự phát triển của Internet, Smartphone khiến các phương tiện giao dịch truyền thống bị sụt giảm doanh số nghiêm trọng. Việc người dân theo dõi tin tức của các DN thông qua mạng xã hội, sàn giao dịch đã không còn xa lạ. Họ hoàn toàn có thể có được món hàng bằng cách đặt mua trực tiếp mà không cần phải bước chân ra khỏi nơi làm việc hay chỗ ở.

Vậy nhưng, theo Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2013 của Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin, Bộ Công thương, doanh số bán hàng qua mạng với loại hình B2C (Business to Customers - DN với người tiêu dùng) mới chỉ đạt xấp xỉ 2,2 tỷ USD và có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2015. Hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn là chủ yếu trong các giao dịch trực tuyến, sau đó là chuyển khoản ngân hàng và các loại hình khác như thẻ thanh toán, thẻ cào, ví điện tử.

Khó khăn đối với các DN làm TMĐT không đơn giản chỉ là xây dựng giao diện tùy biến, mà cần phải có sự phát triển đồng bộ của nhiều hạ tầng liên quan, trong đó hạ tầng về an ninh mạng, hạ tầng vận chuyển, thanh toán trực tuyến, pháp lý, nhân lực và nhiều hạ tầng khác đóng vai trò quan trọng. Do đó, nhiều DN vẫn chưa sử dụng các hợp đồng dưới dạng điện tử, mới chỉ dừng lại ở các đơn giao dịch điện tử. Để an toàn, đa phần đều chuyển thành hình thức giao dịch trực tiếp hoặc thông qua ngân hàng. “Ngay cả với các “ông lớn” ở Việt Nam, khi thực hiện giao dịch trực tuyến, đa số đều kết nối với các ngân hàng, qua đó sẽ tránh được vấn đề trách nhiệm, bảo mật đối với thông tin thẻ của khách hàng”, ông Kiều Cao Chí, Giám đốc Cty Cổ phần Thăng Long - Đông Dương chia sẻ.

Tâm lý của người dân cũng còn e ngại, chưa thực sự tin tưởng việc giao dịch qua mạng, chủ yếu là do hàng hóa khó kiểm định, sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, giá cả không thấp so với mua trực tiếp và do dịch vụ vận chuyển, giao nhận còn yếu.

Theo ông Trần Đức Hoàng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Giáo dục KIDS TIME, hiện nay các DN vẫn chưa đồng bộ hóa được online và offline khiến người tiêu dùng chưa thật sự có niềm tin. Nếu DN không chú trọng đến giá trị cốt lõi, chỉ chạy theo việc quảng bá sản phẩm sẽ khó có thể trụ được trên môi trường TMĐT. Đó cũng là điều nhức nhối trong hoạt động TMĐT của Việt Nam gần đây. Trong khi chưa tạo được niềm đối với người tiêu dùng, nhiều DN lại có “chiêu” bôi nhọ, hạ thấp uy tín nhau và lách luật để trốn thuế, vô hình chung tạo một bức tranh xấu trong mắt người tiêu dùng khi nhìn vào hoạt động TMĐT ở Việt Nam.

Trong xu hướng chung của thế giới, giao dịch TMĐT thông qua nền tảng thiết bị di động đang phát triển mạnh, các DN tiếp tục sử dụng hạ tầng, nền tảng được xây dựng bởi những tập đoàn như: Apple, Facebook, Amazon, Google để tiến hành kinh doanh. Do đó, các phương thức marketing thông qua các hình thức tương tác trực tuyến sẽ ngày càng phát triển khiến mô hình marketing truyền thống như tivi, báo giấy, sách và tạp chí tiếp tục bị giảm lượng người theo dõi.

TMĐT ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến để bắt kịp với xu thế thời đại. Các cơ quan Nhà nước đang từng bước điện tử hóa những thủ tục hành chính với nhiều đề án cải cách hành chính, cùng các văn bản pháp luật được ban hành đã rộng cửa cho DN thúc đẩy các giao dịch TMĐT. Sự ra đời của các văn bản pháp luật là cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ, cân bằng lợi ích giữa các chủ thể tham gia, đồng thời là động lực thúc đẩy TMĐT phát triển đúng hướng. Đó cũng là điều DN và người tiêu dùng quan tâm để hoạt động đúng luật và được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin cho biết, thời gian qua, Cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội thảo, mở các lớp đào tạo, tập huấn trong cả nước, tạo cơ hội cho người dân cũng như những thương nhân, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển. Khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam được hoàn thiện hứa hẹn sẽ tạo một hạ tầng tốt cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định của pháp luật, định hướng phát triển TMĐT lành mạnh, bảo đảm lợi ích người tiêu dùng cũng như đem lại môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN khi tham gia hoạt động TMĐT. Đó cũng cơ sở cho các hạ tầng liên quan khác phát triển theo, tạo nên sự thay đổi đồng bộ, định hướng cho sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện nay, thị trường TMĐT Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý, dự kiến sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới khi vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu đưa TMĐT ở Việt Nam trở thành hoạt động phổ biến. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa khi thanh tra, kiểm tra các DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và để TMĐT ở Việt Nam không chỉ dừng ở mốc “tiềm năng” trong mắt các nhà đầu tư.

Minh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm