Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp chưa “khỏe” vì lãi suất cao

Thứ sáu, 22/05/2015 - 10:16

(Thanh tra)- Cả nước có gần 500.000 doanh nghiệp (DN) và hàng chục vạn hộ gia đình kinh doanh (không thành lập DN). Đây là đối tượng khách hàng vay tiền lớn nhất của ngân hàng (NH). Cuộc khủng hoảng kinh tế trong 4 năm qua đã làm cho nhiều DN phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Ảnh minh họa: vietstock.vn

Thực tế, số lượng DN năm sau vẫn tương đương với năm trước. Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế xã hội trong ngày đầu Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, thì 4 tháng qua có 28.000 DN được thành lập mới. Điều đó chứng tỏ kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc...

Qua các diễn đàn kinh tế gần đây, nhận thấy: Điều kiện vay tiền NH đã được nới lỏng hoặc ưu tiên cho nhóm sản xuất kinh doanh đặc thù như xuất khẩu, đầu tư nông nghiệp... Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa mặn mà với các khoản vay để đầu tư. Vì sao có chuyện lạ như vậy, đặc biệt ở khối DN nhỏ và vừa (chiếm tỷ lệ trên 90% số lượng DN Việt Nam)?

Hiện tại, điều kiện sản xuất kinh doanh đã được cải thiện, nhưng thực chất lãi suất tiền vay vẫn được cao. Trong khi sản xuất kinh doanh, dịch vụ để có lãi thật không dễ. Việc tụt giá đồng loạt các loại nông sản vừa qua như dưa, hành, ổi đến hạt muối, hạt đường... đã cho thấy nhà nông khổ và theo đó nhà DN cũng chẳng sướng gì.

Có thể nói, NH đang “ăn” quá dày về lãi suất. Lãi suất tiền gửi chỉ ở mức 4%/năm (kỳ hạn 1 tháng), 5%/năm (kỳ hạn 6 tháng), 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng), 7,5%/năm (kỳ hạn 13 tháng). Trong khi lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân 11%/năm. Mức chênh lệch quá lớn. Đây chính là nguyên nhân các DN ngại vay tiền, với mức vay cao như thế thì hết có lãi.

Để gỡ khó cho DN, Chính phủ đã yêu cầu NH Nhà nước phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn 1 - 1,5%/năm để đạt tới lãi suất vay xuống dưới 10%/năm đồng thời ổn định mức đó để DN yên tâm vay đầu tư. Hiện tại, với mức huy động tiền gửi trung bình là 5,5%/năm nhưng cho vay 11%/năm. Như vậy, NH lãi 5,5%, tỉ lệ lãi quá cao! Trên thực tế, NH không công nhận mức trung bình như thế mà họ lấy mốc lãi suất kỳ hạn tiền gửi 13 tháng ở mức 7,5%/năm, cho vay 11%/năm. Tức là, tỷ lệ chênh chỉ 3,5%.

Qua tìm hiểu nhận thấy, đây là thủ thuật của các NH, bởi bất cứ một ai ôm tiền đến NH gửi kỳ hạn 13 tháng đều bị từ chối hoặc đưa ra yêu cầu phải gửi từ 500 tỉ đồng trở lên mới được hưởng lãi suất như thế. Rõ ràng, NH chỉ thách đố mà thôi. Thực tế, nhiều NH quy định lãi suất kỳ hạn 13 tháng 7,5%/năm chỉ để tham chiếu tính cho các hợp đồng tín dụng, chứ mức lãi suất tiền gửi ấy không đến được tay người gửi tiền.

Qua tìm hiểu, một số cán bộ NH cho biết, nhiều NH đang tồn lượng tiền lớn mà trước đây đã huy động với lãi suất cao hơn lãi suất bây giờ, cho nên nếu họ giảm ngay thì sẽ bị lỗ, sẽ giảm nhưng sẽ giảm từ từ. Cũng có những cán bộ NH chia sẻ: Mức cho vay cao 11%/năm một phần để bù đắp rủi ro... Với những giải thích thiếu thuyết phục trên, nhiều chủ DN cho rằng, NH nêu ra lý do để neo giữ lãi suất cao mà thôi. NH cũng là DN đặc thù, cho vay với lãi suất cao thì mới có lãi nhiều.

Trong thời điểm hiện nay, sản xuất kinh doanh có hiệu quả hòa vốn cũng đã là thắng rồi. Thắng ở chỗ:  Tạo việc làm, có thu nhập cho cán bộ để họ gắn bó với DN mình, ổn định đời sống cho họ, đó cũng là cách góp phần ổn định an sinh xã hội. Ngại nhất là các DN vay vốn để đầu tư nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, NH đã 2 lần điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ và đã điều chỉnh hết cả mức 2% như Thống đốc NH Nhà nước đã cam kết. Tỷ giá ngoại tệ được đẩy lên cao, các nhà nhập khẩu lại phải bù đắp một khoản tiền lớn để mua ngoại tệ so với thời điểm trước đây. Rõ ràng đã khó lại càng khó. DN muốn đồng hành được với NH thì điều đầu tiên phải chia sẻ lợi nhuận.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm