Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS. Trần Đăng Vinh Quyền Vụ trưởng Phụ trách Báo Thanh tra
Thứ sáu, 16/10/2020 - 06:40
(Thanh tra)- Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948-16/10/2020), kỷ niệm 110 năm ngày sinh, tưởng nhớ 65 năm ngày mất của đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng, Báo Thanh tra xin giới thiệu bài viết về đồng chí Trần Đăng Ninh - một tấm gương sáng, trọn đời cho cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trần Đăng Ninh (hàng trước bên trái) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại chiến khu Việt Bắc
Một tấm gương sáng, trọn đời cho cách mạng
Đồng chí Trần Đăng Ninh (tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng) sinh năm 1910 tại xã Quảng Phú, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7/1936.
Trong hơn 20 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Đăng Ninh đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. “Đời hoạt động của đồng chí đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Đồng chí đã trải qua nhiều sở mật thám và nhà tù của đế quốc, đã phải chịu đựng mọi cực hình và vẫn kiên quyết, bền bỉ đấu tranh cho cách mạng. Đồng chí đã cùng một số đồng chí khác có công lớn trong việc phát động và duy trì cuộc đấu tranh vũ trang ở Bắc Sơn, Đình Cả, Tràng Xá. Đồng chí đã góp phần công lao vào cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám.
Sau cách mạng Tháng Tám thắng lợi, đồng chí đã giúp Đảng và Chính phủ hoàn thành nhiều công tác khó khăn trong việc củng cố chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập” (Báo Nhân Dân ngày 8/10/1955).
“Lòng yêu thương chiến sỹ và cán bộ không bờ bến của đồng chí đã cảm hoá và giáo dục toàn dân, đã đoàn kết chặt chẽ công - nông và trí thức trong quân đội thành một khối vững chắc không gì lay chuyển nổi và giúp cho mọi người tuyệt đối tin tưởng ở thắng lợi sau cùng và quyết tâm phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Đồng chí lại luôn giáo dục cho cán bộ và chiến sĩ biết yêu thương, quý trọng và giữ gìn của công là mồ hôi nước mắt và xương máu của nhân dân, đồng chí đã nêu gương chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, thực hiện đạo đức cách mạng mà Hồ Chủ tịch đã luôn luôn dạy dỗ quân đội chúng ta. Công đức của đồng chí đối với cách mạng và quân đội thật to lớn” (Điếu văn tại lễ tang đồng chí Trần Đăng Ninh).
Trong cuốn sách: “Đồng chí Trần Đăng Ninh với cách mạng Việt Nam” (Nxb. Chính trị quốc gia, 2014), tập hợp hơn 70 bài viết của các đồng chí đã cùng từng “vào sinh ra tử” trong những năm tháng hoạt động cách mạng với đồng chí Trần Đăng Ninh, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đại tướng Văn Tiến Dũng; đồng chí Nguyễn Minh Triết; Vũ Oanh; Nguyễn Cơ Thạch; Trần Hữu Dực; Hoàng Tùng; GS. Vũ Khiêu; GS. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; GS. Trần Văn Giàu…, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Đăng Ninh được tái hiện qua những trang viết.
Trong đó, tình cảm trân quý một nhà hoạt động cách mạng hết lòng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho Tổ quốc và nhân dân; sự kiên cường trong đấu tranh và “tấm lòng thương yêu vô hạn với đồng chí” (trích trong bài viết của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch) của đồng chí Trần Đăng Ninh luôn là tấm gương sáng ngời thể hiện qua những câu chuyện, những kỉ niệm sâu sắc được kể trong cuốn sách.
Đó là câu chuyện về việc tổ chức các tổ, nhóm trung kiên của những người cộng sản kiên cường trong nhà tù Hỏa Lò để giáo dục, bồi dưỡng lý luận, thực tiễn cách mạng cho cán bộ trong nhà tù mà đồng chí Trần Đăng Ninh là người trực tiếp huấn luyện; hay câu chuyện về bài học quý báu về hai lần vượt ngục của đồng chí Trần Đăng Ninh đã được in thành tập hồi ký trong bài viết của nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hà Đông: “Trong “Hai lần vượt ngục” có nhiều tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn, nhưng cũng có nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá về ý chí kiên cường cách mạng, tinh thần bất khuất trước quân thù, phương pháp đấu tranh với địch, cách thức vận động quần chúng, tranh thủ tuyên truyền tính chất chính nghĩa của cách mạng…”.
Những câu chuyện về đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Đặc phái viên lên Đồng Văn (Hà Giang) thuyết phục “Vua Mèo” Vương Chí Sình theo Chính phủ Cụ Hồ kháng chiến chống Pháp; dẫn đầu Đặc ủy đoàn về Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình để thuyết phục Giám mục Lê Hữu Từ đi theo và ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,… cũng đã thể hiện đồng chí là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm và nhiệt tình cách mạng trước những cam go, phức tạp.
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất ở đồng chí Trần Đăng Ninh là lòng tận tụy, tận tâm và tận hiến vì dân, vì nước, tạo được sự đoàn kết mọi hoạt động, công tác… Tại buổi sinh hoạt sử học kỷ niệm 55 năm khởi nghĩa Bắc Sơn, 85 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của đồng chí Trần Đăng Ninh ngày 27/10/1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Anh Ninh là con người của Đảng, của cách mạng, của lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Anh đã chiến đấu suốt đời vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng (...) Anh Ninh là người có tính tổ chức cao, có tài tổ chức giỏi. Luôn giữ vững nguyên tắc, có tác phong làm việc rất dân chủ kết hợp với tính quyết đoán, luôn gần gũi quần chúng, hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng (...) Anh Ninh là người của đoàn kết vì đại nghĩa. Đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, luôn gắn bó, chan hòa với quần chúng; xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân (…) Anh Ninh là con người của công lý, của chân lý, của lẽ phải (…) Anh Ninh là người có lòng nhân hậu, đầy lòng nhân ái thương người, thấm nhuần tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh (…) Đối với bạn bè quốc tế, anh Ninh luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản (…) Anh Ninh là tấm gương sáng để noi theo. Học tập anh Ninh là rèn luyện đạo đức trong sáng, trau dồi tài năng trí tuệ, luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xu hướng cơ hội, tệ nạn lãng phí, tham nhũng, những cái mà Bác Hồ gọi là nạn nội xâm…”.
Khi làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, mặc dù thời gian ngắn nhưng đồng chí Trần Đăng Ninh đã thể hiện được vai trò là người lãnh đạo có tâm huyết, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn và đã đặt nền móng cho ngành Kiểm tra Đảng. Đồng chí đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, lựa chọn những cán bộ kinh qua khu ủy, tỉnh ủy để bổ sung cho Ban Kiểm tra Trung ương; chú trọng bồi dưỡng cán bộ kiểm tra về đạo đức, tác phong và năng lực công tác, thường nhắc cán bộ kiểm tra: “Phải nghe bằng hai tai”, “Trăm nghe không bằng một thấy”.
Đặc biệt, đồng chí đã tổ chức và chỉ đạo các cuộc kiểm tra đạt kết quả tốt, phục vụ cho sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ. Bằng trí tuệ sắc sảo, thái độ kiên nghị và tấm lòng khoan dung, độ lượng, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo nhiều vụ việc có tính chất phức tạp một cách nhanh, gọn, thỏa đáng, hợp lòng dân, chiến sĩ và cán bộ, đã bảo vệ được đồng bào, đồng chí. Trong đó, ấn tượng nhất đó là theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo và cùng đoàn cán bộ đi kiểm tra, tìm ra sự thật trong vụ tình nghi gián điệp H122 ở Việt Bắc do Thực dân Pháp dựng lên nhằm đánh vào nội bộ ta.
“Nhờ có sự chỉ đạo sắc sảo, kiên quyết và khoa học của đồng chí Trần Đăng Ninh, vụ “án oan” H122 rất phức tạp và rối ren đã được giải quyết gọn ghẽ và đúng đắn trong thời gian tương đối ngắn. Đồng chí đã phát hiện sai lầm trong vụ “án oan” H122, giải oan cho mấy trăm cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau vụ “án oan” này, càng có thêm nhiều người ca ngợi anh Ninh là “Bao Công Việt Nam”” (bài viết của đồng chí Lê Trong Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, Bộ Quốc phòng).
Bên cạnh đó, đồng chí trực tiếp tổ chức, chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về chỉ đạo chiến tranh, về chống lãng phí, tham ô ở một số tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc và Liên khu III; kiểm tra việc chỉ đạo và thực hiện kháng chiến ở Bắc Ninh, Bắc Giang; kiểm tra việc thực hiện đoàn kết dân tộc và chuẩn bị kháng chiến ở Hà Giang; kiểm tra tình hình thị xã Bắc Kạn sau khi giải phóng; cử cán bộ cùng thanh tra Bộ Quốc phòng kiểm tra vụ án tham ô, lãng phí lớn ở Nha Quân nhu… Trong vụ “Hóa chất Miền Nam”, đồng chí đã vào Liên khu IV trực tiếp kiểm tra làm rõ và minh oan cho một giám đốc Binh công xưởng vốn là một kỹ sư Việt kiều ở Pháp về nước tham gia kháng chiến đã bị nghi ngờ và tố cáo sai sự thật.
Ghi nhận công lao to lớn đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đồng chí Trần Đăng Ninh được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (vào ngày 07/10/1955) và Huân chương Sao Vàng (vào ngày 21/01/2009).
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Phương Anh
21:55 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương