Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẽo núi khoét đồng làm “Hạ Long 2”

Thứ bảy, 04/05/2013 - 11:21

(Thanh tra)- Núi bị đẽo thành “cột”, đất đai bị khoét lồi lõm để đáp ứng nhu cầu sản xuất gạch. Cảnh quan môi trường ở xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội bị xâm hại nghiêm trọng, nhưng người ta vẫn hy vọng nơi đây sẽ trở thành danh thắng có tên gọi “Hạ Long 2”.

Núi bị khoét thành “cột”. Ảnh D.Th.Tùng

Cuối tháng 4/2013, theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến xã Hồng Sơn. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh các quả núi bị đẽo gọt nham nhở. Bên cạnh những trái núi không còn nguyên vẹn hình hài của… núi, là những cột đất còn sót lại đủ để chúng tôi hình dung trước kia, nó từng là núi. Xung quanh các “quả núi” này có rừng cây con (cũng có thể gọi là rừng que) khô quắt. Rừng que không hứa hẹn gì sẽ thành… rừng - như cam kết hoàn thổ của doanh nghiệp từng đến đây đẽo núi lấy đất đá chở đi nơi khác san lấp công trình.

Quang cảnh điêu tàn trên đường vào Hồ Ngái. Ảnh D.Th.Tùng

Đi sâu thêm nữa vào khu vực Hồ Ngái, cảnh tượng điêu tàn hơn khi có thêm thêm 8 lò gạch đang được gấp rút xây dựng. Theo mô tả của các văn bản hành chính chúng tôi có trong tay thì đây là 8 lò gạch thuộc “Đề án Chuyển đổi sản xuất gạch Tuynel theo công nghệ lò vòng Hoopman thân thiện với môi trường”. Trong khi sự thân thiện với môi trường còn nằm ở tương lai (nhờ công nghệ mới, ít xả khói bụi ô nhiễm) thì ở Hồ Ngái, đất đai đồng ruộng nhiều chỗ bị khoét sâu hoắm không khác gì chiến địa. Đất đai bị khoét thành hố sâu ở khu vực thôn Bình Lạng. Ảnh D.Th.TùngCạnh một hố đất vừa bị khoét sâu hoắm, thợ xây dựng nói rằng địa điểm họ được thuê làm lò gạch là thôn Bình Lạng. Chủ lò tên Dũng người Phú Xuyên. Chúng tôi gặp ông Dũng và được ông này cho biết, lò gạch đang xây này đứng tên ông trong giấy tờ là Nguyễn Văn Dũng. Cạnh lò của ông là lò của 2 người khác tên là Trào và Đông. Các chủ lò đều được một doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng và xây dựng dự án trình lên xã, huyện…Theo ông Dũng, hợp đồng làm ăn (sản xuất gạch) giữa ông với doanh nghiệp nói trên bắt đầu từ năm 2013 và có thời hạn 10 năm.  “Mình ký hợp đồng với công ty. Công ty trình lên huyện, huyện trình Sở Quy hoạch… Chủ tịch, Bí thư và đại diện 7 - 8 ban, ngành ở huyện cùng ký, đồng ý thì Sở Công thương mới cấp điện, mình mới dám đầu tư”, ông Dũng nói. Chỉ tay vào ống khói cao ngất, ông Dũng cho biết, đã đầu tư cái ông khói này 400 - 500 triệu đồng. Diện tích sản xuất của ông khoảng hơn 3ha, được huyện cấp phép đến năm 2018, sau đó Nhà nước sẽ cho lấy đất lòng hồ để làm quy hoạch “Hạ Long 2” tầm nhìn đến năm 2050. “Dự án quy hoạch của Sở Xây dựng Hà Nội không cho trùng dự án của chúng em vào nên chỉ đến năm 2025; năm 2050 là phải xóa bỏ để người ta làm khu chợ Hạ Long 2. Núi có sẵn rồi, chỉ vét xuống thành hồ. Có quy hoạch đàng hoàng đấy chứ”, ông chủ lò gạch nói một cách đầy tự tin. Với những gì đang diễn ra ở xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, thật khó có thể nói rằng, nơi này sẽ thành một nơi được gọi là “Hạ Long 2”. Gần chục lò gạch cùng lúc ra đời - dù ít xả khói ô nhiễm - thì cảnh quan môi trường cũng sẽ bị xâm hại nghiêm trọng từ việc đào khoét đất đai. Đến năm 2050, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc làm biến dạng cảnh quan môi trường ở một nơi mà tự bản thân nó đã có vẻ đẹp không thua gì danh thắng Hạ Long - thông qua việc đào khoét đất đai vì lợi ích trước mắt?

D.Th.Tùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm