Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dân khổ vì dự án mỏ sắt

Thứ bảy, 13/10/2012 - 06:57

(Thanh tra)- Gần 5 năm nay, 646 hộ dân nằm trong diện di dời của dự án (D.A) xây dựng mỏ sắt Thạch Khê thuộc các thôn 5, 6, 7, 8 xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh sống trong cảnh thiếu thốn vì chưa được dời đến khu tái định cư (TĐC). Sự chậm trễ này kéo theo nhiều hệ luỵ.

Hệ thống điện lưới đã cũ, xuống cấp gây mất an toàn.

Năm 2008, D.A Khai thác mỏ sắt Thạch Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt và giao cho Cty Cổ phần Sắt Thạch Khê triển khai. 646 hộ dân thuộc các thôn 5, 6, 7, 8 của xã Thạch Bàn được di dời tới khu TĐC để nhường đất cho một số công trình của D.A. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà một số công trình, nhiệm vụ đang triển khai bị dừng lại. Từ đó đến nay đã gần 5 năm, người dân vẫn chưa được di dời tới nơi ở mới, trong khi tất cả các phúc lợi xã hội như xây dựng đường sá, nâng cấp mạng lưới điện… đều bị cắt, không được đầu tư nâng cấp khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn.

Nhiều ngôi nhà dột nát nghiêm trọng, nhưng người dân không dám xây lại


Anh Phạm Xuân Hùng ở xóm 6 bức xúc: “Hiện nay đường sá của vùng này đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng đây là khu vực thuộc diện di dời nên không được đầu tư. Chúng tôi phải tự mua nguyên vật liệu rồi thuê nhân công về làm những con đường chính để đi. Những đường nhánh trong làng hầu hết là đường đất”.

Trong khi các thôn xóm khác của xã đã được bàn giao hệ thống lưới điện cho bên điện lực quản lý, hằng năm được nâng cấp tu sửa thì thôn 5, 6, 7, 8 vẫn phải sử dụng mạng lưới điện được đầu tư xây dựng từ năm 1999. Hiện, đường dây đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên thường xuyên bị mất điện, cột điện xiêu vẹo, nứt gãy, dây mục ải, nhiều đoạn phải chắp nối hết sức nguy hiểm.

Nước bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải sử dụng để ăn uống, sinh hoạt


Anh Lê Văn Phong ở thôn 8 cho biết: “Ở đây mất điện thường xuyên, nhất là mỗi khi trời mưa mất điện đến 2, 3 ngày. Những ngày bình thường cũng không đủ điện do đường dây không đủ công suất. Từng xảy ra nhiều trường hợp súc vật bị chết do điện giật khi dây điện đứt, người dân chúng tôi sống nơm nớp lo sợ vì dây điện đã cũ nên hay bị hở điện, chập điện rất nguy hiểm”.

Bên cạnh đó, mặc dù nhà ở xập xệ, xuống cấp nhưng không ai dám bỏ tiền xây lại, mà chỉ sửa qua loa che nắng che mưa vì không biết lúc nào di dời.

Không chỉ có vậy, môi trường, vấn đề nước sinh hoạt cũng đang bị ô nhiễm nặng nề. Do D.A đã tiến hành bốc lớp đất tầng phủ rồi đổ thành một đống cao như núi chắn tất cả các rãnh thoát nước nên mỗi khi trời mưa, nước mưa ứ đọng lại khiến cả trăm hộ dân bị ngập úng.

Những con đường đất do người dân tự đắp để đi tạm


Một người dân bức xúc: “Mùa nắng thì bụi. Mưa xuống lại ngập. Mỗi trận lụt nước ứ đọng tới 2 - 3 tuần”. Nước mưa cũng cuốn theo đất đá, mùn sắt tràn xuống nhà dân khiến môi trường nước ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, ở xóm 5, nước bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng, nước có mùi hôi thối rất khó chịu và có váng màu vàng. Người dân phải dùng cát sỏi lọc nước mới có thể dùng được.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hoàng Thông, Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn cho biết: “Khi tiến hành D.A họ nói sẽ chuyển toàn bộ số hộ dân trên vào năm 2011, chia làm 3 đợt. Đợt 1 vào năm 2009 chuyển toàn bộ hộ dân ở thôn 5, đợt 2 vào năm 2010 chuyển tiếp một bộ phận dân ở thôn 6 và đến năm 2011 thì sẽ chuyển hết. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hộ nào được di dời, trong khi đường sá, điện, nước bị cắt không được đầu tư khiến dân hết sức khổ sở”.

Ông Trương Hoàng Thông, Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn trao đổi với PV


Cũng theo ông Thông, D.A đã tiến hành xây dựng 2 khu TĐC cho số hộ dân trên. Khu TĐC 2 đã xây dựng được 2 năm nhưng đến nay mới hoàn thành được khoảng 60% khối lượng công trình. Riêng khu TĐC 1 thì vẫn còn… trên giấy. “Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình kiến nghị lên huyện, tỉnh và tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo Cty Cổ phần Sắt Thạch Khê cùng Điện lực Hà Tĩnh phải có biện pháp khắc phục khó khăn cho người dân, nhưng đến nay họ vẫn chưa có ý kiến, biện pháp xử lý”.

Yến Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm