Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cổng xã

Thứ ba, 08/07/2014 - 09:27

(Thanh tra)- Giai đoạn 1995 - 1996, có lần Tổng Thanh tra nhắc chúng tôi chú ý việc cho vay vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ… Vì vốn vay theo kiểu phong trào, dự án… là rất dễ thất thoát. Sau này thanh tra ra, không ai phải chịu trách nhiệm cả. Địa phương được dịp ban phát tiền của, ra oai ân lộc, nhưng khi Nhà nước thu hồi vốn là… các ông đã nghỉ hưu, đã hết trách nhiệm?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng lắc đầu, ngao ngán: “Cổng xã tôi cũng bị xơi một nửa”! Ảnh minh họa: http://danviet.vn

Cái khó của ông thanh tra là phải lo xa, lo rất xa, càng tốt. Lo xa đồng nghĩa với việc góp ý với chủ trương, định ra chính sách, hình thành được các quy định hợp lý, phòng chống được tham ô, lãng phí, tạo được cơ chế cho thanh tra, giám sát, phối hợp ngăn ngừa từ đầu, kiểu như dự án đường dây 500KV Bắc Nam. Lo xa là làm cho dự án có hiệu quả, có tăng trưởng… Thế mới biết lãnh đạo thanh tra rất cần cán bộ lão luyện.

Vậy mà, cũng rất khó ngừa, rất khó lường lòng tham của con người!

Dự án cho ngư dân vay mua tàu thuyền, lưới để đánh bắt cá xa bờ gặp rất nhiều rào cản về quản lý, về cho vay vốn… Để tựu trung dân phải mua tàu thuyền chất lượng không cao, lưới và ngư cụ cũng vậy… Với lý do là quản lý vốn, không để thất thoát. Nhưng dân gian thì biết chắc rằng để các loại tham nhũng dễ chia chác. Vì cho dân vay tiền, dân sẽ tự đóng lấy thuyền tốt, thuyền to, tự mua lấy lưới cần dùng, hảo hạng, chất lượng cao hơn… Vậy thì phong bì, phong bao còn đâu? Quan điểm vì ngư dân đã bị biến tướng. Và, các nhà lãnh đạo tâm huyết vì dân đã đoán ra rất sớm các trò ăn chặn từ khi mới khởi xướng!

Ngày nay, phong trào nông thôn mới đang cao trào, rầm rộ… Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng góp sức, góp công, góp đất làm đường, làm trường, trạm, sân chơi cho thanh thiếu niên… Nhiều nơi bộ mặt khang trang, đẹp như mơ của nông thôn hiện ra trong nắng thu vàng. Đồng ruộng được mở mang, liền thửa, mương thủy lợi, đường ra ruộng được bê tông hóa, ô tô, máy cày, cấy, máy gặt đập liên hợp đã ra tận bờ ruộng… Nhưng các nhà quản lý tận tâm vẫn không nguôi lo lắng vì nhiều nơi làm chẳng giống ai, thu nhiều hơn chi, vung tay quá trán, đường bê tông vòng vèo, cong queo, rộng quá khổ, hẹp quá thể, dân còn nghèo nhưng cứ bổ đầu người thu như thu từ các đại gia…

Nhiều nhà nông phải bán tống bán tháo bớt nương vườn, lợn gà, để có tiền nộp “cho bằng chị, bằng em”. Nhiều nơi đã có khiếu nại và có đơn tố cáo huyện xã làm sai, làm trái quy định, tham ô, tham nhũng, lãng phí… Nạn “ăn đất” “ăn ruộng”, “ăn cây”, ăn vào các phí và lệ phí lạm thu đang xảy ra.

Tại sao người ta không áp dụng các “mô hình xây dựng” đã được Ngân hàng Thế giới phối hợp tài trợ cùng Thanh tra Chính phủ trong Dự án VACI (Sáng kiến Phòng, chống tham nhũng)? Tại các mô hình này việc xây dựng công trình tại địa phương Quảng Nam (cấp xã) phải chịu sự “giám sát không công” 24/24 giờ của những người do khu dân cư bầu ra (giống như thanh tra nhân dân)… Vật tư không thể thất thoát, công trình được theo dõi từ khi có bản vẽ đến từng nhân công, giờ công trộn vữa, xây trát… Sản phẩm được đánh giá rất cao về chất lượng, về hạ giá thành, về chống tham nhũng rất hiệu quả!

Thanh tra bộ, ngành và địa phương cần yêu cầu các nhà quản lý dự án nông thôn mới sử dụng kinh nghiệm có hiệu quả này, để giảm bớt hậu quả đơn thư khiếu tố và nạn tham nhũng đang phát sinh! Đừng để như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phải lắc đầu, ngao ngán: “Cổng xã tôi cũng bị xơi một nửa”!

Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm