Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Con cháu đặt tên cho các cụ!

Thứ tư, 13/05/2015 - 08:30

(Thanh tra) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa có tối hậu thư gửi UBND tỉnh Thái Bình đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở VHTT&DL, UBND huyện Hưng Hà, Ban Quản lý Khu Di tích Đền Trần tháo dỡ, di dời các văn bia vi phạm ra khỏi khuôn viên khu di tích trước ngày 15/5, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm điểm tập thể, cá nhân đã để xảy ra sai phạm.

Nguyên nhân là do UBND huyện Hưng Hà tự ý dựng một số văn bia vi phạm các quy định về Luật Di sản văn hóa...

Vương triều Trần hiện có 3 địa điểm phát tích được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt: Thái Bình, Nam Định và Quảng Ninh.

Khu gò mộ Đền Trần tại Thái Bình ở làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà có lịch sử trên 700 năm, là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông trong Chiêu lăng, Dự lăng và Quy Đức lăng. Ba lăng đó được nằm dưới 3 gò mộ đất cao to như 3 quả đồi có tên gọi: Phần Bụt, phần Trung và phần Đa. Hơn 700 năm qua, chưa có tài liệu, di chỉ  nào chỉ ra gò mộ nào thuộc lăng mộ của vua nào.

Khu Đền Trần tại Nam Định (đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, TP Năm Định) là nơi thờ các vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ thứ 15.

Khu Đền Trần tại Quảng Ninh ở xã An Sinh, Đông Triều là quê gốc của nhà Trần trước khi di dời đến Thái Bình. Đền An Sinh thờ các vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiếu Tông, Trần Nghệ Tông. Trần Giản Định tức là Giản Định Đế, là vị vua thời Hậu Trần, con trai của Trần Nghệ Tông, xưng đế năm 1407.

Trước lễ hội mùa Xuân năm 2014, UBND huyện Hưng Hà cho phép Ban Quản lý Khu Di tích dựng 6 tấm bia, trong đó có 3 tấm bia bằng đồng có nội dung: “Dụ Lăng - Phần mộ Vua Trần Thái Tông 1240 - 1290” đặt trước gò mộ đất phần Trung; “Chiêu Lăng - Phần mộ Vua Trần Thái Tông 1217 - 1277” đặt trước gò mộ đất Phần Đa; “Đức Lăng - Phần mộ Vua Trần Nhân Tông 1258 - 1308” đặt trước gò mộ đất phần Bụt. 3 bia đá nêu tiểu sử, công trạng của các vị vua (trích dẫn từ sách Đại Việt sử ký toàn thư).

Rõ ràng, đây là việc dựng chui, tự tiện đặt tên cho các vị vua chứ chưa có một căn cứ khoa học nào để xác định. Nhiều nhà sử học, nhà văn hóa đã hài hước: Con cháu đặt tên cho các cụ!

Điểm lại các cuộc khảo cổ ở Đền Trần thấy: Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình tiến hành 3 lần khai quật ở các vị trí có phát lộ di tích vào các năm 1979 và 1980. Tuy 3 lần có mức độ khai quật khác nhau nhưng cả 3 chưa có một di chỉ nào tin cậy để làm căn cứ định danh cho người nằm dưới mộ. Do vậy, việc dựng bia, đặt tên đúng là UBND huyện Hưng Hà đã làm liều!

Ngoài ra, còn nhiều sai phạm khác thể hiện trong việc chuyển ngữ, văn bia bị tẩy xóa... gây phản cảm, giảm thiểu tính xác thực của thông tin. Việc làm thiếu cơ sở khoa học đã dẫn đến sai lệch nội dung các di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.

Tục ngữ có câu: “Cháy nhà ra mặt chuột”, quả đúng vậy, trước lễ hội mùa Xuân năm 2014, toàn bộ các văn bia dựng xong. Sau đó, ngày 31/2/2014, Khu Di tích mới được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2048-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Câu hỏi đặt ra: Công tác kiểm tra, thẩm định, lập hồ sơ di tích trình Chính phủ đã bỏ qua các sai phạm như đã nêu trên, Sở VHTT&DL Thái Bình chịu trách nhiệm đến đâu?

Tin rằng, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể sẽ được làm rõ nhưng đây là một bài học lớn cho hoạt động trùng tu, bảo tồn các di tích.

Hiện tại nhiều địa phương đang có xu hướng hoành tráng các khu di tích bằng cách xây dựng mới thêm nhiều hạng mục để thu hút khách. Những việc làm như thế cần sớm được dẹp bỏ để trả lại cho các di tích giá trị nguyên bản, để các hiện vật lịch sử tự nói lên.

 Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm