Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đoàn Thị Ký
Chủ nhật, 14/11/2021 - 15:56
(Thanh tra) - Vẫn biết, đời sống của các thầy cô giáo vốn còn nhiều khó khăn, tinh thần suông không được. Giải pháp nào? Thật trúng ý Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn vừa nêu trong cuộc họp Quốc hội là vấn đề lương bổng, đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên hiện nay, chưa đảm bảo đời sống để chuyên tâm giảng dậy!
Ảnh minh họa. Nguồn: https://vnsup.com
Sớm nay, tôi vừa ghé chợ đã nghe mấy bà bàn rau cỏ láo pháo:
+ Tháng này là tháng của thầy cô giáo, nhà em 2 đứa đang tuổi ăn, học lo méo mặt.
- Học online, trực tuyến có gặp thầy cô đâu mà lo phong bì, phong bao.
+ Ôi dào, vợ chồng tôi thống nhất quan điểm là cứ kệ nó học được chữ nào hay chữ ấy, các bà cứ dùng tiền học thay con cái là làm hỏng tất…
- Bà nói lạ, kệ là kệ thế nào, con người ta mười thì mình cũng phải cố cho con được bẩy tám chứ!
+ Bà cứ mà cố cho bằng người, đến nhịn cả ăn sáng bệnh tật ra đấy chả biết có ngày thấy con đỗ đạt!
- Phỉ phui cái mồm nhà chị này, mà chị nói cũng phải bọn trẻ đi học bây giờ tốn kém quá, đâu có như ngày chị em mình…
Tôi đang mải lựa rau, nghe người đàn bà bán rau vừa trả lời mái tóc đã đốm bạc, đôi bàn tay dăn deo, tôi sững lại. Định góp lời, nhưng chợt nhớ người đời đã hóm hỉnh: “Ba người đàn bà và con vịt thành cái chợ”, thêm mình chưa chừng vỡ chợ?
Ừ. Chuyện học hành bây giờ tốn kém quá đâu có như ngày xưa. Câu nói của cô hàng rau cứ ám ảnh tôi như lưỡi dao cứa tâm can. “Không thầy đố mày làm nên”, ông cha ta đã đúc kết và quy luật của muôn đời “nhân vô thập toàn”, thế thì con người phải học, không có thể chế chính trị nào là ngoại lệ.
Trẻ đến lớp nghe thầy cô truyền đạt kiến thức, trui rèn để nên thầy, nên thợ. Đến như điều tưởng như đơn giản nhất, để con người khác loài vật là ăn và nói cũng phải học: “ Học ăn, học nói”, đặng thấy cái sự “học”, thiết yếu tới mức nào.
Quy luật cuộc sống của loài người là sự kế tiếp “tre già thì măng mọc”, ngay từ nhỏ không được uốn nắn, nghĩa là không được học sao có thể thẳng thớm, cứng rắn. Cứng rắn để sau này chống đỡ những va đập của cuộc đời, khẳng định mình cũng là khẳng định hồn cốt dân tộc, trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Cái sự học cho con cái nghĩa là đào tạo thế hệ kế tiếp cấp thiết là vậy, nên ngày khai trường năm học đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945, Bác Hồ có thư gửi cho học sinh đã nhấn mạnh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Từ mốc thời gian ấy đến nay, tính sân siu là 4 đời người kế tiếp nhau, đối chiếu vào cái tuổi cô hàng rau xấp xỉ tứ tuần, nghĩa là thuộc đời cháu; tuổi ấy áp ngược thời gian học phổ thông là cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước ta trong giai đoạn bung nở kinh tế sau công cuộc đổi mới… đời sống nhân dân được cải thiện, việc học tập của con trẻ được coi trọng, khuyến khích. Sự chênh lệch giầu nghèo trong xã hội đã có nhưng khoảng cách chưa đáng kể. Truyền thống trọng chữ nghĩa của dân tộc, thông qua đội ngũ thầy cô giáo ở các cấp học vẫn được tôn vinh. Ngày Khai giảng, Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11, quà cho các thầy cô giáo chưa có ý nghĩa vật chất như một sự trao đổi, nên phụ huynh và học sinh không cảm thấy bị áp lực. Trẻ em mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
Song, quy luật cuộc sống vận động không ngừng, cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ thông tin, quả đất thì vẫn tròn nhưng thế giới con người được nối mạng, bỗng dưng “phẳng lỳ”. Nhu cầu thiết yếu không chỉ dừng ở ăn và mặc, tri thức của loài người cũng phát triển đa dạng, cái sự “học”, để thích ứng từng cấp thiết, nhưng giờ sát sườn hơn bất cứ lúc nào. Học sử dụng máy vi tính, ngoại ngữ… Trường lớp mở ra, thiết bị dậy học thiếu thốn! Rồi đội ngũ thầy cô phải đào tạo lại để cập nhật… Kinh tế tầng vĩ mô phân bổ cho giáo dục, làm sao biết đã cân xứng hay chưa? Rồi trong quá trình vận hành có bị rò rỉ hay không chỉ có kiểm toán nắm được, nhưng không công khai dân làm sao biết! Thế là cùng với học phí, những phụ phí đẻ ra bổ lên đầu học sinh và các bậc phụ huynh gánh chịu…
Gánh nặng học hành cho con cái đè nặng lên nồi cơm của từng gia đình, dẫn đến nhiều hệ lụy: Vùng nông thôn, miền núi trẻ học không đến đầu đến đũa, thành những lao động phổ thông không ngành nghề, khó có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, làm ra của cải vật chất cho xã hội; trái lại ở thành phố lại là nơi khởi nguồn chảy máu chất xám, đất nước dần mất đi lực lượng lao động có sức khỏe, có trí tuệ.
Lớp trẻ này sinh ra ở các gia đình có truyền thống học tập, có điều kiện kinh tế, đầu tư cho con cái học hành ở các trường lớp có chất lượng cao, hết bậc phổ thông thì cho du học ở các nước tiên tiến; không có điều kiện thống kê, nhưng số gia đình tôi quen biết có con, cháu du học vào những năm sau đất nước đổi mới, mở cửa nền kinh tế không ít.
Nhiều học sinh từng du học, có thành tịu, ở lại nước sở tại cho biết lý do, xem ra rất chính đáng: “Bố mẹ chỉ việc đi làm và đóng thuế, chuyện học hành, chữa bệnh của con cái đã có Chính phủ lo!” Câu nói này là của cậu con trai nhà ông bà hàng xóm liền kề căn hộ tôi ở, cách đây gần chục năm, cháu đi tu nghiệp bậc trên đại học ở nước Pháp về chơi, cô cháu tâm tình.
Được biết, cháu trai này học trường đại học ở Hà Nội, tu nghiệp xong cháu dự định về làm giảng viên của trường, vừa phù hợp với ngành nghề được đào tạo vừa giải tỏa nguyên do cũng không kém phần chính đáng: “Bố cháu là trưởng tộc đã già yếu, cháu về thêm phần đỡ bố mẹ lo việc họ, việc làng. Định vậy, nhưng cháu về nước đúng tháng có ngày nhà giáo, thấy chị gái cháu quá tất bật chuyện quà cáp cho các thầy cô, cháu vô cùng ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì con của chị cháu học rất giỏi, luôn đứng nhất nhì lớp. Hỏi thêm được biết chả riêng gì gia đình chị gái cháu tất bật… thế là cháu từ bỏ ý định về nước, trường đại học cháu tu nghiệp vẫn rộng cửa, đón cháu quay lại làm giáo sư thỉnh giảng. Cháu phân tích thiệt hơn, bố mẹ cháu đã đồng ý.”
Tôi cũng biết thêm, hiện cháu đã có vợ con, đã thành công chức của Nhà nước Cộng hòa Pháp, là công dân toàn cầu. Quý là cháu vẫn tiếp tục làm cầu nối tích cực giữa hai trường đại học, cùng hỗ trợ nhau trao đổi, cập nhật thông tin, nâng cao quy trình đạo tạo. Nhưng lại nhưng, còn gì tự hào và may mắn hơn, nếu lớp lớp sinh viên Việt Nam ngày, ngày được trực tiếp nghe cháu truyền đạt kiến thức, như thuở ấu thơ cháu được cô giáo làng là bà mẹ đẻ, tận tình uốn nắn từng con chữ, manh nha cho cháu có cơ hội bay xa, bay cao…
Lan man, lan man rồi lại trở về cái sự học hôm nay, làm sao bớt được áp lực cho bố mẹ, động viên con trẻ học tập, không phải là vấn đề nóng bỏng như con biến thể COVID có tên là delta, đã và đang diễn ra, nhưng theo tôi nhân chuyện cả nước gồng mình chống dịch, con trẻ từ bậc tiểu học đến đại học phải học trực tuyến, chúng ta tạo ra một cú hích ví như bà hàng rau nào đấy mạnh mồm: “Học trực tuyến thì việc gì phải phong bì, phong bao!”. Nên chăng, thay vì phong bì, phong bao là những lời chúc tốt đẹp cầu sức khỏe, an lành gửi đến thầy cô, ngõ hầu lan ra toàn xã hội…
Vẫn biết, đời sống của các thầy cô giáo vốn còn nhiều khó khăn, tinh thần suông không được. Giải pháp nào? Thật trúng ý Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn vừa nêu trong cuộc họp Quốc hội là vấn đề lương bổng, đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên hiện nay, chưa đảm bảo đời sống để chuyên tâm giảng dậy!
Giải pháp nào? Để hy vọng một ngày mai thầy cô giáo chỉ việc say mê nghiệp trồng Người, như người nông dân cần mẫn trên đồng ruộng làm ra lúa gạo… lúc ấy biết đâu thằng cháu nội của ông hàng xóm cạnh nhà tôi, về nước trong ngày giỗ tổ, gặp họ mạc có con trẻ đến trường chuyện vui như Tết, chẳng bận tâm quà cáp này kia… chưa chừng cháu lại muốn về Việt Nam sống và làm việc vì “con người có tổ có tông”…
Chính sách nào? Người viết bài này không dám mạo muội vì tầm nhìn, đến như những điều đã chứng kiến viết ra, còn e không chắc đã lọt lỗ tai ai đó, nữa là hoạch định cho tương lai.
Phố Đội Cấn, ngày 11/11/2021
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình