Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chợ xưa, chợ nay

Ngô Quốc Đông

Thứ hai, 10/07/2023 - 16:10

(Thanh tra) - Nước ta đa phần dân cư xuất thân nông nghiệp. Suy tư, cách nghĩ, phần nhiều mang tính tự phát, tiểu nông. Từ hiện thực đó, truyền thống đã kiến tạo ngẫu nhiên một nơi tiêu dùng phổ biến đối với đại đa số nông dân là chợ quê, chợ cóc, chợ tạm.

Chợ Hàng Da, Hà Nội. Ảnh: https://www.tripadvisor.com.vn/

Chúng rất hiện thực và năng động. Năng động ở chỗ họp rất chớp nhoáng, tranh thủ, từ sáng sớm, hoặc chỉ lúc ban trưa, chiều tà, nông dân đi chợ mà không hề ảnh hưởng đến sản xuất. Ở đây bán nhiều nông sản, yếu tố hàng - tiền là chính. Còn tính hiện thực chính là mặt hàng của nó rất đúng thị hiếu và nhu cầu thường nhật của dân cư, từ mớ rau, con cá, tí thịt đến mắm muối dưa cà, thuốc lào, kim chỉ đủ cả. Điều này đã tạo ra những nét đặc sắc của chợ quê, thường họp gần chùa, đình.

Ngoài chợ quê còn có chợ huyện, chợ tỉnh, chợ phiên. Người ta đến các chợ lớn này là để mua những thứ chợ tạm không có, như cái cày, con con trâu, hay một số máy móc nông cụ cần thiết. Chợ tỉnh, chợ huyện là sự hỗ trợ sản phẩm cho chợ quê, chợ tạm, cũng đồng thời là sự giao lưu giữa đô thị và nông thôn, giữa quê và tỉnh, nên mới có chuyện chị em rủ nhau đi chợ phiên như là một nét văn hóa. Họ đến không phải chỉ mua hàng, mà thực ra còn như một sự khám phá, đi chơi chợ, ăn đồng quà tấm bánh, ngắm hàng hóa, mở mang đầu óc, hiểu biết… Nhìn chung khá hay, khá đặc sắc và rất Việt Nam. Những chợ như chợ Rồng (Nam Định), chợ Đồng Xuân (Hà Nội)… có thể liệt vào dạng này.

Thế rồi công cuộc đô thị hóa, kinh tế thị trường phát triển, chợ quê, chợ tỉnh, dần dần hoán cải thành các trung tâm thương mại (TTTM) với đủ thứ hàng hiện đại, phục vụ nhu cầu công nghiệp của con người. Yếu tố lợi nhuận: Tiền - hàng - tiền là chủ đạo. Đến đây từ quần áo, vải vóc tây, ta có cả, rồi những thứ như đồ ăn nguội, hải sản đông lạnh cũng lắm. Nó có đặc điểm là sạch sẽ, khang trang nhưng luôn có giá cao hơn chợ tạm.

TTTM như là một sản phẩm của thời kì hiện đại giữa lòng xã hội đa phần xuất thân nông nghiệp. Nhưng sự chuyển đổi quá nhanh này đã xóa nhòa đi nét văn hóa chợ xưa. Thấy rõ như các chợ lớn tại Hà Nội khi thành TTTM thì dấu tích xưa đã vĩnh viễn biến mất, sự đa dạng hàng hóa không còn, chẳng hạn chợ Hàng Da, chợ Dừa, chợ Âm phủ...

Vì là chuyển đổi vật chất không dựa theo nhu cầu văn hóa thị hiếu nên đôi khi lại trở thành kém hiệu quả. Cảnh ế ẩm, vắng khách tại một số TTTM gần như mâu thuẫn với một nghịch lý là chợ tạm, chợ quê vẫn đông vui tấp nập. Thế là, lợi ích hối thúc, lãi vẫn phải trả ngân hàng, nhiều TTTM chuyển đổi mục đích kinh doanh, và trên cái nền chợ xưa bao đời cha ông đi lại thấy có cả quán bar, karaoke, dịch vụ làm đẹp… Khách đến giải trí nhiều hơn khách mua hàng.

Tại nông thôn, tiêu chí nông thôn mới là có yếu tố chợ hiện đại, từ đây các TTTM mọc lên nhan nhản cũng dần trở nên lạc lõng dưới con mắt của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là trong thời kì lạm phát thắt chặt chi tiêu, những thứ hiện đại không thu hút các bà nội trợ. Ở đây, thị phần khách hàng rất hạn chế, chủ yếu thanh niên mới lớn bước vào. Công năng hiệu quả so với vốn xây dựng thật quá chênh lệch.

Vậy vấn đề cốt lõi là gì? Chính là văn hóa tiêu dùng của người Việt. Phải thừa nhận chợ tạm, chợ cóc không phù hợp với tiêu chí văn minh hiện đại, nhưng trong xây dựng chúng ta cũng không nên đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Thực tế truyền thống và hiện đại luôn là một gạch nối liền kề, vấn đề là chúng ta phải biết chọn lựa những gì là tích cực, là năng động, trong cái phần gạch nối thuộc về quá khứ kia.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm