Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 24/03/2018 - 20:28
Một lần nữa, vấn đề phòng cháy chữa cháy ở các chung cư cao tầng lại được đặt ra cấp thiết mà nếu cứ tiếp tục cách xử lý “bắt cóc bỏ dĩa” thì nguy cơ cháy nổ sẽ luôn hiện hữu.
Sáng nay cư dân TPHCM vừa tỉnh dậy đã bàng hoàng nhận tin về vụ cháy nghiêm trọng tại Chung cư Carina quận 8 khiến ít nhất 13 người chết và hơn 30 người bị thương. Thiệt hại về vật chất tạm tính tới nay là cháy 150 xe máy, 13 xe hơi, trong đó có 5 xe cháy rụi. Có thể nói, đây là vụ cháy lớn thứ 2 của Thành phố sau vụ cháy cao ốc ITC hồi 2002 khiến cho 60 người tử vong và 70 người bị thương.
Báo chí và mạng xã hội ghi nhận cảnh hoảng loạn và kêu khóc thảm thiết ở chung cư này lúc 1h 30 phút ngày 23/3/2018. Một cư dân kể lại: "Sàn nhà như lòng chảo nóng hực, khói ùn ùn xộc vào mắt, mũi, miệng khiến tôi thở không được… Chúng tôi như bầy chuột bị lùa trong khu nhà kín tưởng chừng không thể nào sống được".
Những hình ảnh sau đám cháy thật thê lương. Những người dân chỉ còn mặc chiếc quần đùi, thân hình ám khói đen nhẻm, chân đi đất, mắt thất thần ngồi dúi dụi bên lề đường. Nhiều người khác nằm vạ vật trên hành lang, bờ cây bụi cỏ. Trong số 13 người chết thì có 2 người chết do nhảy xuống từ tầng cao, còn lại phần lớn chết do ngạt khói.
Theo thông tin từ cuộc họp báo tại chỗ sáng nay, vụ cháy bắt đầu từ tầng hầm của tòa chung cư này. Vì vậy không thể dùng thang bộ chạy xuống được. Nhiều cư dân cho biết khi cháy không hề thấy hệ thống cảnh báo cháy và chữa cháy tự động hoạt động. Họ phải thoát hiểm nhờ tự chạy lên cao, tự dùng thang dây tạo bằng quần áo vải vóc trong nhà, bằng hướng dẫn của cứu hỏa, bằng việc được cứu hỏa cứu qua hệ thống thang chuyên dụng... Trong khi chung cư này có tới 736 căn hộ đang có người sinh sống. Nghĩa là tổng số dân lên tới hàng ngàn người.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục giải quyết hậu quả của vụ cháy, và sau đó sẽ tiến hành điều tra để có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, một lần nữa, vấn đề phòng cháy chữa cháy ở các chung cư cao tầng lại được đặt ra cấp thiết mà nếu cứ tiếp tục cách xử lý “bắt cóc bỏ dĩa” thì nguy cơ cháy nổ sẽ luôn hiện hữu.
Một thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM tháng 4/2017 cho thấy hiện thành phố này có 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 tòa nhà cao trên 10 tầng. Tuy nhiên qua kiểm tra thì phát hiện ra hàng loạt sai phạm về an toàn PCCC tại các chung cư và nhà cao tầng này. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm ngoái, Sở Xây dựng TP.HCM đã phát hiện 7 chung cư chưa được nghiệm thu kỹ thuật, an toàn PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng, thậm chí có cả chung cư đang trong quá trình thi công...
Đơn cử như vụ việc chung cư Nguyễn Quyền (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), dù chưa được thẩm duyệt các phương án bảo đảm an toàn PCCC song chủ đầu tư đã cho 156 hộ dân vào sinh sống. Mặc dù Phòng PCCC quận Bình Tân đã gửi thông báo về việc kiểm tra, phúc tra điều kiện an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư chung cư vẫn không hợp tác, cố ý gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Trong khi đó ở Hà Nội, hồi tháng 5 năm trước, lực lượng PCCC ở đây cũng điểm danh 79 chung cư cao tầng (chiếm khoảng 10% số chung cư cao tầng của thành phố) vi phạm quy định về PCCC. Hồi đầu năm nay, Hà Nội đã phải dùng giải pháp mới là bêu tên 13 chung cư chưa đủ tiêu chuẩn an toàn PCCC, trong đó có nhiều chung cư do tư nhân đầu tư.
Các con số thống kê về sai phạm không thiếu, những vụ cháy nổ ở chung cư gây bàng hoàng cũng không còn hiếm, từ chung cư thu nhập thấp đến tòa nhà cao cấp. Vậy nhưng sau mỗi “hồi chuông cảnh tỉnh” dường như tình hình đâu lại hoàn đấy. Những người dân bình thường như tôi sẽ lại vẫn đau đáu những câu hỏi như: Nếu chủ đầu tư sai phạm như vậy, tại sao cơ quan chức năng vẫn cho các tòa nhà vận hành và dân dọn vào ở? Vậy đâu là luật để xử phạt hay chế tài những sai phạm thế này? Nếu nói quy trình, pháp luật còn kẽ hở thì sẽ còn “hở” đến bao giờ?
Rõ ràng, để xử lý các nguồn cơn dẫn tới những tai nạn cháy nổ cho các đô thị lớn ở Việt Nam cần các giải pháp mạnh mẽ, hữu hiệu hơn nữa. Theo đó, không chỉ dừng lại ở sự nỗ lực của cơ quan PCCC, của Sở Xây dựng mà còn phải có các chính sách chế tài và xử lý thích đáng, nghiêm trị sai phạm để răn đe những kẻ tham lợi bỏ qua cả an nguy của con người.
Còn trước mắt, chắc rằng mỗi người dân lại phải “tự cứu mình” như mọi khi. Đó là khi quyết định về nơi ăn chốn ở của mình, mỗi người phải tìm hiểu thật kỹ càng về an toàn PCCC, việc chấp hành PCCC của chủ đầu tư chung cư. Và cũng đã tới lúc mỗi gia đình nếu thấy có vấn đề mất an toàn PCCC cần mạnh dạn khởi kiện chủ đầu tư cùng nhà quản lý chung cư.
Bên cạnh đó là ý thức của bản thân dân cư: cẩn trọng khi đun nấu, đốt vàng mã, khi vứt các loại rác có nguy cơ cháy nổ, không tự tiện cải tạo căn hộ (như kiểu các “chuồng cọp” bít trộm bít luôn cả… đường thoát hiểm của bản thân)… Ngoài ra, mỗi người cũng cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng thoát hiểm để giảm thiểu tối đa hậu quả khi sự cố xảy ra.
(Theo Nguyễn Anh Thi/VNN)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang