Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Chất thép” trong những bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tá, TS Hà Sơn Thái Học viện Chính trị

Thứ tư, 13/09/2023 - 16:34

(Thanh tra) - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10 đến 11/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Một trong những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ. Ảnh: Vietnamnet

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp và tặng Tổng thống Joe Biden một cuốn sách đặc biệt mang tên: “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ”.

Bạn đọc, nhất là Tổng thống Joe Biden sẽ tìm thấy những lá thư trong cuốn sách này đều chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả, chứa đựng khát vọng hòa bình, ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do và lòng tự hào, tự tôn dân tộc; đồng thời cũng chứa đựng “chất thép” của Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới và Người Chiến sĩ cộng sản chân chính Hồ Chí Minh.

Là người mà phong cách ngoại giao đã được nâng tầm thành “văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh”, từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”(1), trên cương vị khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bức thư đến các Tổng thống Hoa Kỳ với nhiều sắc thái tình cảm, mục tiêu chính trị khác nhau.

Với trí tuệ mẫn tiệp, bản lĩnh vững vàng của người cộng sản chân chính, mỗi bức thư gửi đến các Tổng thống Hoa Kỳ một mặt đều chứa đựng sự khiêm nhường, tôn trọng đối với các Tổng thống Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, cũng đầy “chất thép” của người cộng sản chân chính, của khí phách của một dân tộc anh hùng.

Không phải đến khi làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh mới viết thư cho các Tổng thống Mỹ. Khi còn là thanh niên yêu nước ở Paris, Pháp, Hồ Chí Minh đã viết lá thư đầu tiên gửi một vị Tổng thống Hoa Kỳ, ngày 18/6/1919 với tiêu đề “Kính gửi ngài Tổng thống Cộng hoà Hợp chúng quốc, đại biểu ở Hội nghị Hoà bình” kèm “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên chung: Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam - Nguyễn Ái Quốc. Tuy là thư, nhưng thông điệp rất rõ ràng và hơn cả một bức thư thông thường, Nguyễn Ái Quốc thay mặt những thanh niên cùng chí hướng tuyệt nhiên không đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, của một tập thể nhỏ, mà cao hơn thế, Người đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp cho toàn thể nhân dân An Nam.

Trong bức thư Người viết: “Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi đến ngài, kèm theo đây bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam. Tin tưởng ở độ lượng cao cả của ngài, chúng tôi mong ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền. Xin ngài vui lòng nhận sự biểu thị lòng kính trọng sâu sắc của chúng tôi”(2). Thật hiếm một có một vị lãnh tụ nào lúc trẻ lại có suy nghĩ “vượt thời đại” như Nguyễn Ái Quốc khi đưa ra bản yêu sách trên.

Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ra mắt Chính phủ lâm thời do Người làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam.

Ngày 01/01/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tháng 01/1946, Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngay sau khi “danh chính, ngôn thuận”, trên cương vị lớn lao - Chủ tịch nước - Người thường xuyên gửi thư đến các Tổng thống Hoa Kỳ để gửi đi thông điệp hòa bình, tìm kiếm sự ủng hộ của họ đối với nền độc lập và chính quyền cách mạng còn non trẻ của Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc ra khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp và xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh.

Thế nhưng, thay vì đáp lại tấm thịnh tình và nguyện vọng chính đáng của toàn thể Nhân dân Việt Nam, chẳng những Hoa Kỳ không đáp ứng sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn rắp tâm can thiệp thô bạo vào Việt Nam.

Vì vậy, trong Thư gửi Tổng thống Mỹ, đăng trên Báo Nhân dân, số 974, ngày 04/11/1956, Người nghiêm khắc lên án Tổng thống Hoa Kỳ: “Tổng thống là người thừa kế những lãnh tụ vĩ đại của Mỹ, như Oasinhtơn, Linhcôn, Rudơven. Tự miệng ngài cũng thường nói đến hoà bình, chính nghĩa... Nhưng trong hành động thực tế đối với Việt Nam, ngài đã làm trái ngược với chính nghĩa, hoà bình: Ngài đã khuyến khích chính quyền miền Nam phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ngăn trở Việt Nam thống nhất. Ngài đã cho đưa vào miền Nam Việt Nam nhiều vũ khí, đạn dược và nhân viên quân sự Mỹ, với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự và một thuộc địa của Hoa Kỳ”(3).

Ảnh minh họa: Báo Nhân dân

Đỉnh điểm của sự bất bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp đến Tổng thống Hoa Kỳ qua Lời phát biểu tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa II rằng: “Nhân dịp này, tôi thách Tổng thống Kennơđi trả lời mấy câu hỏi sau đây: Việt Nam xa cách Hoa Kỳ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ không thù oán gì nhau. Ông có lý do gì mà gây nên cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, hoang phí hàng tỉ đôla của nhân dân Hoa Kỳ để ủng hộ một chính quyền thối nát độc tài, đã bị nhân dân miền Nam Việt Nam phỉ nhổ? Ông có quyền gì mà bắt buộc hàng vạn thanh niên con em người Hoa Kỳ sang giết hại người miền Nam Việt Nam vô tội, rồi họ cũng bị chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu ấy?”(4).

Tất nhiên, Tổng thống Kennơđi không dám trả lời, vì nếu trả lời đúng thì vô hình trung bộc lộ tâm địa và hành động gây chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Không những thế, Người nhắc nhở: “Tổng thống Kennơđi phải hiểu lịch sử. Lịch sử đã chứng tỏ rằng: Khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đấu tranh giành độc lập, tự do (như tổ tiên Tổng thống ngày trước và nhân dân miền Nam Việt Nam hiện nay), thì nhất định họ sẽ thắng lợi. Cho nên chắc chắn rằng: Đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng. Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Tổ quốc yêu dấu của chúng ta nhất định sẽ hòa bình thống nhất”(5).

Nhằm kiếm cớ leo thang đánh phá miền Bắc, đồng thời để xoa dịu dư luận trong nước và thế giới, giới cầm quyền Mỹ đã dày công nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án khác nhau tiến công vào miền Bắc Việt Nam. Kịch bản “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” được Mỹ công phu dàn dựng để leo thang và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Người đã chỉ rõ chân tướng của Tổng thống Giôn-xơn và nội các khi viết về Thủ đoạn tội ác của đế quốc Mỹ: “5/8: Mỹ bày chuyện dựng đứng cái gọi là "lần thứ hai tàu phóng ngư lôi Việt Nam đánh tàu chiến Mỹ". Chúng nặn ra chuyện hoang đường đó để mượn cớ cho máy bay Mỹ bắn phá mấy nơi trên đất nước ta. Cùng trong lúc đó, Tổng Giôn làm trò hề đã sắp xếp sẵn. Y vội vã họp quan văn tướng võ và các lãnh tụ Quốc hội Mỹ; vội vã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước nhân dân Hoa Kỳ; vội vã cho đại biểu Mỹ ở Liên hợp quốc vu cáo ta là kẻ "xâm lược"; vội vã phái Lốt, cựu "đại sứ" ở Sài Gòn, đi "thuyết phục" các nước đồng minh Mỹ. Mưu ma chước quỷ của đế quốc Mỹ đã quá rõ ràng và chúng đã thất bại nhục nhã”(6).

Tuy nhiên, điều rất đáng trân quý ở Người đó là không đánh đồng tội ác của nhà cầm quyền Hoa Kỳ với nhân dân Hoa Kỳ yêu chuộng hòa bình. Vì thế, trong Thư gửi các bạn học sinh Mỹ, viết vào tháng 8 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mặc dù Chính phủ Mỹ đã và đang phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam, chúng tôi không hề lẫn lộn chúng với nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa mà chúng tôi vẫn kính trọng. Với sự phấn đấu bền bỉ của nhân dân Mỹ, nhất là thanh niên học sinh Mỹ, kết hợp với sự đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, tôi chắc rằng phản động Mỹ sẽ thua, nhân dân hai nước chúng ta sẽ thắng. Lúc đó nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ sẽ bắt chặt tay nhau trong hòa bình và hữu nghị”(7).

Xuyên suốt từ bức thư đầu tiên cho đến bức thư cuối cùng đồng thời cũng là thông điệp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là thông điệp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam gửi tới Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng chính giới và nhân dân Hoa Kỳ, một lần nữa được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trên cơ sở đó, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tôi và ngài Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố chung, thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững… Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế khác theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ sau khi Việt Nam giành lại độc lập là Việt Nam làm bạn với tất cả các nước. Đối với Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ; nền độc lập và hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới”(8).

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.621

(2) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, tr.471

(3) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.443

(4) (5) (6) (7) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.80; tr.81; tr.371; tr.376

(8) “Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với báo chí sau hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden”, Báo Nhân dân điện tử, truy cập ngày 10/9/2023, https://special.nhandan.vn/phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-voi-bao-chi-sau-hoi-dam-voi-Tong-thong-Hoa-Ky-Joe-Biden/index.html

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm