Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cái đầu con mình xã hội lo!

Thứ ba, 07/04/2015 - 06:51

(Thanh tra)- Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hàng năm trên toàn quốc có khoảng 1.900 trẻ tử vong, trong đó 50% trẻ không đội mũ bảo hiểm (MBH).

Học sinh THPT Việt Đức - Hà Nội trước thời điểm quy định đội MBH. Ảnh: Thế Lữ

Một con số biết nói cho thấy thói quen không đội MBH cho con khi tham gia giao thông là một sai lầm chết người của không ít bậc phụ huynh. Trong khi đó, toàn xã hội đang chung tay để lo cho từng cái đầu con trẻ. Đúng là một nghịch lý.

Quy định đội MBH cho trẻ từ 6 tuổi trở lên đã được đưa ra từ vài năm trước nhưng chưa được thực thi, nay thì không thể muộn hơn được nữa bởi tai họa từ việc không đội MBH đã cướp đi cả nghìn sinh mạng trẻ nhỏ và nhiều ngàn trẻ bị tàn phế mỗi năm. 

Ở xứ ta là vậy, ở xứ người cũng sử dụng nhiều xe máy, xe đạp điện như Việt Nam thì sao? Tổ chức Y tế Thế giới thống kê: Thái Lan thực hiện quy định đội MBH thì giảm 41% chấn thương đầu, Đài Loan giảm 33%, Malaysia giảm 33%.

Kết quả nghiên cứu của một số công trình về ảnh hưởng đội vật nặng lên đầu cho thấy: Với trọng lượng MBH chuẩn thì không ảnh hưởng đến đốt sống cổ của trẻ. Đành rằng, đội MBH sẽ gây vướng, khó chịu về mùa nóng. Đó là lý do nhiều trẻ nhỏ chối đây đẩy việc đội mũ. Vấn đề đặt ra là, bố mẹ phải giải thích cho trẻ hiểu, tập dần cho trẻ thích nghi rồi thành thói quen. 

Để đạt mục tiêu về đội MBH, Chính phủ đã ban hành Nghị định 171/2013 quy định quy cách, mức xử lý vi phạm từ 100.000 -  200.000/lần vi phạm. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản quy định, hướng dẫn các trường phổ thông trong cả nước từ tiểu học đến THPT nghiêm túc thực hiện quy chế đội MBH. Hiện tại, đối tượng học sinh này có số lượng trên 10 triệu em trong cả nước, nhưng khoảng 20% số em có đội MBH khi tham gia.

Vậy cảnh sát giao thông có đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý số đối tượng lớn như vậy ở khắp 63 tỉnh, thành? Theo lộ trình, từ ngày 6 - 9/4, lực lượng chức năng sẽ tiến hành nhắc nhở. Từ 10/4 trở đi, tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Cũng có câu hỏi đặt ra là, khi trẻ đi trên đường làm sao xác định được trẻ từ 6 tuổi trở lên để xử phạt?

Để xử lý đối tượng vi phạm đúng độ tuổi và trong khi lực lượng còn quá mỏng để kiểm soát tất cả mọi nẻo đường giao thông trên toàn quốc thì lực lượng chức năng trước mắt tiến hành kiểm tra, xử lý tại các cổng trường học bởi học sinh vào lớp 1 đã đủ 6 tuổi. Giải pháp này cũng vấp phải sự đối phó: Sẽ có nhều phụ huynh, học sinh đeo MBH trên xe đến cổng trường mới đội. Chính vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất là tiếp tục tuyên truyền, kiên trì tuyên truyền để phụ huynh và học sinh hiểu được  sự cần thiết đội mũ. Từ đó họ mới tự giác. Trước mắt, những học sinh đi xe đạp điện không đội MBH sẽ bị thông báo về trường học xử lý.

Đây cũng là cơ hội lớn đối với những nhà sản xuất kinh doanh MBH trẻ em bởi trong khoảng thời gian ngắn họ có thể tiêu thụ được nhiều triệu sản phẩm. Vậy, để có những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn thì các cơ quan từ quản lý thị trường đến công an... phải ráo riết tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng MBH, tránh tình trạng phụ huynh, học sinh mua MBH kém chất lượng đội đối phó.

Cả xã hội cùng chung tay để góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông. Đội MBH vừa an toàn, vừa xây dựng nét văn hóa giao thông ở một đất nước có vài chục triệu xe máy, xe đạp điện. Đó là điều luôn luôn đúng!

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm