Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 1: Chưa nắng đã khô

Thứ năm, 14/04/2011 - 13:46

(Thanh tra) - Trước thông tin hàng loạt các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ phải ngừng vận hành hoặc giảm công suất hoạt động, dư luận đang lo ngại về tình trạng sẽ thiếu điện trầm trọng. Chúng tôi vừa có dịp đi thực tế tại các công trình thuỷ điện thuộc các huyện miền núi Quảng Nam, thấy nơi đây cũng không thoát khỏi nỗi lo này…!

Mới vào đầu mùa khô, nhưng con sông Đăk Sa chảy từ Phước Sơn về Nam Giang đã khô kiệt

Theo đường Hồ Chí Minh chạy về hướng Tây Nam, đến địa phận xã Za Hung là đến công trình đập tích nước của Nhà máy thủy điện Za Hung, có công suất 30MW, nằm vắt ngang con sông A Vương. Đây là nhà máy thuộc các dự án (DA) quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Quảng Nam. Nhà máy đã hoàn thành và hoạt động từ cuối năm 2009 đến nay, nhưng hiện tại hồ tích nước cạn kiệt, chỉ còn là một vệt nước vàng đục, lờ đờ trong vũng nhỏ. Phía dưới đập tràn xả lũ, giống như một dòng sông "chết" trơ đáy toàn là đá... Tiếp tục xuôi về hướng Nam khoảng hơn 1km nữa, là Trung tâm vận hành của nhà máy, đang "cửa đóng then cài", vì thiếu nguồn nước phải tạm ngừng hoạt động.

Đi vào khu vực lòng hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện A Vương (xã Ma Coih, Đông Giang) có công suất 210MW, thuộc loại lớn nhất miền Trung hiện nay, lòng hồ chứa nước trải dài hàng chục km2, bằng mắt thường cũng nhìn tận đáy nước.

Theo thiết kế, mực nước lòng hồ thủy điện A Vương lúc bình thường là 380m, mực nước gia cường là 382,2m, mực nước tại cao trình ngưỡng tràn 363m, mực nước chết của lòng hồ là 340m và diện tích mặt thoáng ứng với mức nước bình thường lòng hồ là 9,09km2.  Mực nước chảy về hồ tính đến giữa tháng 03/2011 đạt cao trình 362,3m và lưu lượng nước vào hồ chỉ còn 14 m3/giây. Như vậy, mực nước hồ hiện nay thấp hơn tiêu chuẩn cho phép gần 18m. Mới đầu mùa khô mà mực nước đã thế và dự báo thời gian đến mực nước lòng hồ thủy điện A Vương tiếp tục cạn kiệt, sẽ gây khó khăn rất lớn cho công tác sản xuất của nhà máy. Trước đó, cũng do tình trạng thiếu nước, ngay từ giữa mùa mưa năm 2010, nhà máy này đã phải hoạt động cầm chừng, chỉ vận hành 1 tổ máy trong thời gian 9 - 10 giờ, giảm khoảng 14 - 15 giờ/ngày.

Xuôi về địa bàn huyện Nam Giang hiện có 2 DA thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 đang tiến hành xây dựng. Ngay khu vực cầu Tà Lơ dưới dòng sông Bung, công trường thi công rất hối hả và khẩn trương, nhưng  lòng sông đã khô kiệt từ bao giờ, chỉ còn lại dòng nước đỏ quạnh bùn đất len lỏi với các ghềnh đá.

Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hệ thống sông Bung chảy phần lớn trên địa phận  huyện Nam Giang, mặc dù mới vào mùa khô này đã cạn kiệt nước, nhưng hiện tại đang có tới 4 DA thủy điện triển khai xây dựng và thiết kế cơ sở gồm: Thuỷ điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6. Ngoài ra, còn có 7 DA thủy điện nhỏ đang xây dựng, thiết kế cơ sở, lập DA đầu tư như: Sông Bung 4A, Sông Bung 3A, Chà Vàl, Đăk Pring 1, 2, LaÊe... Ông Mai trăn trở: "DA thủy điện nhiều quá, huyện cũng đang rất lo lắng... Thứ nhất, là rừng phòng hộ sẽ bị mất nhiều hơn, rồi chuyện di dời giải tỏa, tái định cư cho dân vùng lòng hồ các DA thủy điện sẽ ra sao? Thứ hai, là sẽ làm thay đổi môi trường, sinh thái, nhưng hiện tại cũng chưa có một đánh giá nào về tác động của thủy điện đến vấn đề này, vì các DA mới đang giai đoạn triển khai xây dựng và thẩm định nên cũng chưa có kết luận cụ thể…".

Sự lo lắng của Chủ tịch huyện A Lăng Mai quả là có lý, khi nguồn nước sông đổ về ngày càng cạn kiệt, ngay như nhánh sông Đăk Mi chảy từ huyện Phước Sơn về ngã ba Bến Giằng, rồi nhập với dòng Vu Gia, đã được ví là "dòng sông chết", vì con đập ngăn nước của DA Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 đã chặn dòng, chuyển nước về sông Trường, đổ về hệ thống sông Thu Bồn...

Hiện tại, bất kỳ ai đến ngã ba sông Bến Giằng, nằm trung tâm huyện lỵ, đều giật mình ngạc nhiên khi thấy dòng nước khô cạn và đục ngầu. Có lẽ trước kia, khi chọn khu vực này để xây dựng trung tâm hành chính của huyện Nam Giang, tác giả thiết kế đã thể hiện ý đồ lấy con sông hoang sơ, tự nhiên này phối cảnh hoà hợp cho thị trấn mới thơ mộng, có núi non, sông suối hùng vĩ…; nhưng hiện tại nhìn thấy khung cảnh ở đây bên dòng sông khô cạn, chắc cũng đều lắc đầu cám cảnh!

Càng nhiều DA thủy điện là càng thêm rắc rối, phức tạp. Trước những hệ quả chán chường trước mắt, UBND huyện Nam Giang đã mạnh dạn đề nghị UBND tỉnh loại bỏ 2 DA thủy điện nhỏ định xây dựng ở 2 xã biên giới La Êê và Đăk Pring. "Không hiệu quả mà phức tạp lắm" - Chủ tịch A Lăng Mai khẳng định như vậy !.. 

Bài 2: Dù khó vẫn… phải làm thủy điện

Nguyên Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm