Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

4 lời khuyên hữu ích trong mùa nắng nóng

Thứ bảy, 05/05/2012 - 13:23

(Thanh tra) - Thời tiết nắng nóng trong những ngày này khiến mọi người đều cảm thấy mệt mỏi, nhất là các cháu bé rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm do sức đề kháng suy giảm. Các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã đưa ra lời 4 lời khuyên hữu ích.

Nắng nóng kéo dài khiến trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm

Làm gì khi bị say nắng, say nóng?

Nắng nóng như Hà Nội hiện nay ảnh hưởng rất nhiều đến người đi đường, đó là có thể bị say nắng và say nóng.

Triệu chứng chính của say nắng, say nóng là bệnh nhân hoa mắt, chóng mặt, cảm thấy ngột thở, khó thở. Có người mặt, mũi, da đỏ bừng lên, mạch nhanh, thở nông… Vì thế, nếu có thể thì nên hạn chế đi ra đường trong trời nắng nóng, đặc biệt là thời điểm buổi trưa, lúc nắng gay gắt nhất. Còn công việc bắt buộc, khi ra ngoài đường, mọi người cần phải trang bị đầy đủ áo che, mũ, nón và đồ bảo vệ, chống nắng.

Với trường hợp bị say nắng, say nóng, cần phải đưa bệnh nhân vào chỗ râm mát, nới rộng quần áo, để trước quạt, đắp khăn mặt có nước mát chườm và cho bệnh nhân uống nước. Đi nắng về không được phép tắm ngay mà phải nghỉ ngơi một lúc cho ráo mồ hôi, mát mẻ thì mới tắm.

Không chỉ những người phải làm việc ngoài trời, nhân viên văn phòng cũng không được chủ quan. Trong văn phòng không được để điều hòa chênh lệch quá nhiều so với ngoài trời. Đang ở chỗ lạnh thì mạch bị co lại, ra nóng thì mạch dãn ra. Nếu đột ngột quá thì sẽ ảnh hưởng tới những người bị bệnh tim, những người có tiền sử về huyết áp. Nặng thì có thể bị đột quỵ, nhẹ thì bị sây sẩm mặt mày.

Theo bác sỹ chuyên khoa I  Hoàng Chính, Trưởng Khoa Khám bệnh, một trong những chủ quan của người dân là uống rất ít nước. “Để bảo đảm sức khỏe trong thời tiết này, bắt buộc phải uống đủ nước. Trong điều kiện người bình thường, nhu cầu nước mỗi ngày cần 2,5 lít nước thì những người làm việc ngoài trời, phải vận động nhiều cần phải uống nhiều hơn, khoảng 3- 4 lít/ngày.

Trong thực tế, mọi người thường uống không đủ nước, có nhiều người còn ngại uống nước. Khi cơ thể nóng thì ảnh hưởng tới máu, bị cô đặc hơn, khi có nước vào sẽ làm loãng ra, lưu thông tốt hơn, dẫn đến trao đổi chất tốt hơn, đào thải cặn bã ra tốt hơn. Ngoài ra, trong việc ăn uống, mọi người cần đặc biệt phải chú ý đến thức ăn, vì thời tiết nóng rất dễ làm thức ăn bị ôi thiu. Nếu nắng nóng, đi ngoài mất nước nữa thì càng nguy hiểm.

Nắng nóng, trẻ dễ viêm họng hơn mùa đông

Một điều ít người để ý là trong mùa hè nóng nực, nếu không biết giữ, các cháu nhỏ còn dễ bị viêm họng hơn là mùa Đông. Vì thế, cần lưu ý hạn chế trẻ ăn kem, đá, nước lạnh và sử dụng quạt, điều hòa hợp lý.

Theo bác sỹ Hoàng Chính, trong mùa nóng này các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý phòng viêm họng cho trẻ em. Việc chênh lệch nhiệt độ dễ xảy ra viêm họng, thậm chí mùa hè dễ viêm họng hơn cả mùa Đông.

Đó là vì thời tiết nóng làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên dễ gây viêm đường hô hấp, nếu nặng có thể gây viêm họng mủ, viêm amiđan mủ. Khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, chẳng hạn như: Uống nước quá lạnh khi đang nóng hay khi đang toát mồ hôi, vừa ở ngoài trời nóng về đã tắm nước lạnh, từ bên ngoài bước ngay vào phòng lạnh hoặc ngược lại... Ngoài ra, một thói quen khiến các bé rất dễ bị viêm họng là vừa đi ngoài trời hoặc hoạt động nhiều ra mồ hôi lại ra ngay trước quạt đứng.

Để phòng ngừa chứng việm họng cho trẻ vào ngày hè, các bậc cha mẹ không nên để trẻ uống nước quá lạnh hay ăn nhiều kem, đá. Thường xuyên nhắc nhở trẻ hãy rửa tay để loại trừ vi khuẩn gây hại. Việc rửa tay càng cần thiết và quan trọng hơn với bé sau khi bé đi vệ sinh.

Một lưu ý quan trọng khác là phải sử dụng máy điều hòa hợp lý. Các bác sĩ cho biết, có thể dùng máy điều hòa nhiệt độ trong phòng bé nhưng nên lưu ý cách sử dụng để không khiến bé bị viêm họng. Các cha mẹ không nên đặt bé nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng của bé nên được duy trì ở mức 24 - 26ºC.

Tương tự như điều hòa, bạn không nên để quạt thốc trực tiếp vào vùng mặt của bé. Bạn có thể bật quạt hướng thẳng vào tường, phía chân của bé khi bé ngủ. Với cách này, hơi mát từ quạt có thể lan tỏa khắp phòng trong một thời gian ngắn mà vẫn bảo đảm bé được mát.

Trẻ đổ bệnh vì nắng - cẩn thận với kháng sinh!

Cũng theo bác sỹ Hoàng Chính, những đợt nắng nóng liên tiếp vừa qua bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhi gặp các vấn đề về viêm đường hô hấp, viêm phổi, sốt siêu vi, rối loạn tiêu hoá... Đây là những bệnh thường gặp của trẻ trong kiểu thời tiết giao mùa và nắng nóng.

“Trong thực tế, đợt nắng nóng vừa qua khiến không ít phụ huynh phải đưa các cháu đến nhập viện do các chứng bệnh trên. Nhưng trước khi nhập viện, nhiều bé đã được cha mẹ tự tay kê thuốc cho kháng sinh liều cao trước đó, vì vậy tại phòng khám nhi của bệnh viện gặp rất nhiều trường hợp các bé bị loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh” - bác sỹ Kim Thanh, Phòng khám Nhi cho biết.

Kháng sinh là một loại thuốc thông dụng, dùng trong các trường hợp điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên mặt trái của kháng sinh chính là có thể diệt cả hệ vi khuẩn trong đường ruột. Hệ vi khuẩn trong đường ruột là các vi khuẩn có ích tham gia vào quá trình tiêu hóa một số chất dinh dưỡng, loại bỏ một số chất có khả năng gây nhiễm độc, chống lại những vi khuẩn gây bệnh xâm nhập đường ruột. Khi dùng kháng sinh liều cao và kéo dài, chúng ta không chỉ diệt vi khuẩn gây bệnh mà diệt luôn vi khuẩn không gây bệnh thường xuyên có mặt trong ruột, đồng thời làm xuất hiện những chủng vi khuẩn gây bệnh độc hại và nhờn với nhiều loại kháng sinh gây ra loạn khuẩn đường ruột.

Thể nặng hơn, trẻ có thể bị viêm tiểu kết tràng, có tổn thương thực thế ở ruột kết, hoặc có thể dẫn tới hội chứng lỵ khiến mỗi lần đi ngoài trẻ phải rặn nhiều, phân có nhầy mũi hoặc máu mũi. Thậm chí trẻ có thể bị tả do tụ cầu gây ra.

Tuy nhiên, các phụ huynh không cần quá lo lắng vì các bác sỹ cũng cho biết loạn khuẩn đường ruột thể nhẹ chỉ cần tạm dừng dùng kháng sinh là tự khỏi. Một số trẻ có thể do không hợp với loại kháng sinh đang dùng nên bị loạn khuẩn đường ruột, khi chuyển sang loại kháng sinh khác thì lại bình thường. Các loại kháng sinh nặng thường dễ gây loạn khuẩn đường ruột hơn loại nhẹ nên cha mẹ tránh lạm dụng kháng sinh nặng. Đặc biệt phụ huynh không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ mà không theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Lưu ý với các phụ huynh là loạn khuẩn đường ruột không cần kiêng khem gì mà vẫn cho trẻ ăn uống bình thường, bảo đảm đủ chất. Một giải pháp đơn giản để tránh tình trạng loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh là hãy dùng thêm men tiêu hóa hỗ trợ cho trẻ.

Giữ gìn làn da trắng hồng trong nắng hè

Một trong những quan tâm hàng đầu trong mùa nắng nóng với chị em phụ nữ là vấn đề giữ da không bị ảnh hưởng, không bị đen sạm cũng như ít chịu tác động của ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da mà thậm chí còn có thể gây bệnh cho da.

Theo bác sỹ Trần Thị Chung, dưới tác động của nắng gay gắt như vừa qua, nhẹ thì da hơi hồng, nặng hơn thì có màu đỏ tươi, thậm chí chuyển sang màu tím và có những nốt phỏng nước, tróc da. Kèm theo đó bệnh nhân thấy rát, nóng, đôi khi hơi ngứa. Thường gặp hiện tượng này khi đi dưới trời nắng gay gắt (thường từ 11 giờ đến 13 giờ) và trong một thời gian dài từ 2 đến 6 giờ đồng hồ, vì trong khoảng thời gian này tia cực tím tập trung cao độ. Đặc biệt ở những người đã từng có tiền sử mẫn cảm với ánh nắng (như hay bị mẩn đỏ, rát ngứa ở những vùng da hở khi tiếp xúc với ánh nắng) thì càng dễ gặp hiện tượng này.

Một tác động khác dễ dàng nhận thấy là da sẽ bị đen xạm đi nếu tiếp xúc với ánh nắng nhiều. Dần dần theo thời gian, nếu da không được bảo vệ và chăm sóc hợp lý thì nám, tàn nhang, đồi mồi xuất hiện báo hiệu tình trạng da bắt đầu lão hóa. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong ánh sáng mặt trời có các tia UVA, UVB và UVC. Nếu như tia UVB làm cho da đen đi thì tia UVA lại có tác động lớn tới quá trình lão hóa của da. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên tục và lâu dài là một nguyên nhân gây ung thư da.

Theo lời khuyên của bác sỹ chuyên khoa, để phòng tránh, chị em nên hạn chế tối đa việc ra đường vào khoảng 11 giờ - 14 giờ trong những ngày nắng gắt. Nếu bắt buộc phải ra ngoài nên dùng khẩu trang, mũ rộng vành, áo quần chống nắng, đặc biệt quan trọng là bôi kem chống nắng vào những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như vùng cổ, mặt, tay…

Những nguyên tắc bôi kem chống nắng cũng phải tuân thủ đầy đủ như bôi trước khi ra nắng từ 20 - 30 giây và bôi nhắc lại 2 giời/lần nếu vẫn phải tiếp tục tiếp xúc với ánh nắng, hoặc ra mồ hôi nhiều. Tẩy trang sạch sẽ vào buổi tối để tránh tình trạng bám dính của kem trên da. Chị em cũng nên chọn những loại kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên (để bảo vệ da được lâu hơn) và có kí hiệu PA+ (ngăn chặn được cả tia UVA)

Quang Đông (Ghi)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024
Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

(Thanh tra) - Hưởng ứng lời kêu gọi “Mỗi cơ quan, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và với tinh thần tương thân tương ái, Điện lực Bát Xát (thuộc Công ty Điện lực Lào Cai) đã có một nghĩa cử cao đẹp khi nhận nuôi và hỗ trợ em Lý Thanh Chiêu (sinh năm 2015), một trẻ mồ côi cha do hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua.

Theo EVNNPC

21:11 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm